"Đế chế" Vạn Thịnh Phát được hình thành như thế nào?
Kể từ khi thành lập đến nay, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã trải qua 52 lần thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp.
"Đế chế" Vạn Thịnh Phát được hình thành như thế nào?
Năm 1991, bà Trương Mỹ Lan (tên gọi khác là Trương Muội, một người Việt gốc Hoa) đã thành lập Công ty tư doanh Vạn Thịnh Phát. Một năm sau đó, doanh nghiệp này đã chuyển đổi loại hình kinh doanh sang Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn rồi “lấn sân” sang bất động sản.
Từ Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát, năm 2012, doanh nghiệp này đã vươn mình trở thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng. Danh sách cổ đông sáng lập gồm bà Trương Mỹ Lan góp 4.800 tỷ đồng (chiếm 80% vốn điều lệ), 4 cá nhân khác gồm: Trương Chí Trung, Trương Mễ, Lâm Thị Hòa và Ngô Thanh Nhã mỗi người góp 300 tỷ đồng, tương ứng 5% vốn điều lệ.
Đến ngày 6/12/2019, Tập đoàn này đã thay đổi đăng ký kinh doanh, nâng vốn điều lệ lên đến 13.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu. Nhiều thành viên khác trong gia đình bà Trương Mỹ Lan cũng nắm giữ thêm một số cổ phần trong lần tăng vốn này.
Trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đặt tại 193 – 203 đường Trần Hưng Đạo (phường Cô Giang, Quận 1). Tập đoàn này đăng ký đến 140 ngành nghề kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, trong đó ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Kể từ khi thành lập đến nay, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã trải qua 52 lần thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp. Trong đó, người đại diện pháp luật và lãnh đạo của Tập đoàn liên tục có nhiều biến động. Cụ thể vào năm 2014, bà Văn Xuân Thảo là người đại diện pháp luật của Tập đoàn, đến tháng 12/2015, vị trí này thuộc về ông Hồ Bửu Phương, còn bà Thảo giữ chức Tổng Giám đốc.
Đến tháng 4/2016, bà Ngô Thanh Nhã thay thế ông Phương, đảm nhận cả 2 vị trí người đại diện pháp luật và Tổng giám đốc. Từ ngày 1/8/2020, bà Trương Huệ Vân (cháu bà Trương Mỹ Lan) thay bà Nhã, đảm nhận 2 vị trí này cho đến nay. Trong danh sách người quản lý doanh nghiệp, bà Trương Mỹ Lan giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, cùng 5 thành viên trong Ban Quản trị đều là người gốc Hoa gồm: Chu Duyệt Phấn, Chu Duyệt Hằng, Trương Huệ Vân, Ngô Thanh Nhã và Trương Chí Trung.
Trước đó, vào năm 2007, bà Trương Mỹ Lan và Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát (nay là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cũng góp 7.165 tỷ đồng (chiếm 55,98% vốn điều lệ) để thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát có vốn điều lệ 12.800 tỷ đồng.
Ngoài hai Tập đoàn kể trên, Vạn Thịnh Phát và gia đình bà Trương Mỹ Lan còn tham gia góp vốn vào nhiều doanh nghiệp có vốn điều lệ “khủng” khác như: Tập đoàn Đầu tư An Đông có vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng, Tập đoàn Sài Gòn Penninsula với vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng. Gia đình bà Trương Mỹ Lan còn được cho có liên quan đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD Group) có vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD) với vốn điều lệ 11.000 tỷ đồng.
Là một trong những gia tộc giàu có bậc nhất Việt Nam, nhưng Vạn Thịnh Phát của gia đình bà Trương Mỹ Lan ít khi xuất hiện trên truyền thông. Những thông tin Tập đoàn này đưa ra chủ yếu về hoạt động từ thiện của doanh nghiệp và cá nhân bà Trương Mỹ Lan.
Những dự án đất vàng có "bóng dáng" Vạn Thịnh Phát
Khu vực nằm trong bán kính 1km2 phố đi bộ Nguyễn Huệ được đánh giá là vị trí vàng đối với bất kỳ dự án bất động sản nào. Giá đất ở khu vực này được đánh giá là đắt đỏ bậc nhất cả nước, thậm chí là ở khu vực châu Á. Trên con đường trị giá tỉ đô la này, Vạn Thịnh Phát được cho là sở hữu hàng loạt dự án như Times Square, Uinon Square, khách sạn Duxton, VTP Office Building…
Ngoài các dự án nằm ở con đường tỉ đô la trên, Vạn Thịnh Phát còn sở hữu hàng loạt dự án có thương hiệu lớn ở trung tâm TPHCM như Cao ốc căn hộ dịch vụ cao cấp Sherwood Residence, Khách sạn Thương mại An Đông, Khu dân cư Bonville Land, Khu dân cư cao cấp Sterling Residence, Khu căn hộ cao cấp Lambert Residence…
Năm 2015, tập đoàn này cũng đã bỏ ra hơn 700 tỉ đồng (tương đương 35 triệu đô la Mỹ) để mua lại căn biệt thự cổ từ thời Pháp ở trung tâm quận 3. Căn biệt thự xây dựng trên khu đất 2.819,5 m2, nằm góc giao lộ Võ Văn Tần – Bà Huyện Thanh Quan – Nguyễn Thị Diệu.
Cũng trong năm này, Vạn Thịnh Phát cũng tạo hiệu ứng lớn khi mua lại chung cư Thuận Kiều Plaza (quận 5) bị bỏ hoang nhiều năm nay với hy vọng hồi sinh bất động sản đắt đỏ mà chung cư sở hữu. Tòa nhà Thuận Kiều Plaza được xây dựng năm 1994, với diện tích xây dựng khoảng 100.000 m2, công trình này có 3 tòa nhà cao 33 tầng với hàng trăm nhà ở, phòng chức năng…
Ngoài các dự án nằm trên “đất vàng”, tháng 4/2016, Vạn Thịnh Phát cũng đã khởi công xây dựng dự án Saigon Peninsula (hay còn được gọi là Mũi đèn đỏ ở quận 7) với vốn đầu tư được công bố thời điểm mới ra mắt là 6 tỉ đô la Mỹ. Tổng diện tích 118 ha bao gồm công viên đa chức năng, bến cảng du thuyền quốc tế, văn phòng, khu biệt thự, căn hộ, khách sạn… Tuy nhiên, hiện dự án này lại “án binh bất động”./.
Tin nổi bật
Tin Video