Khám phá

ĐBQH Lào Cai: Cần chính sách đặc thù để Khu du lịch Quốc gia Sa Pa mang tầm quốc tế

(VOVTV) - Tham gia ý kiến vào Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, ông Sùng A Lềnh – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đề nghị Quốc hội, Chính phủ có các chủ trương, chính sách đặc thù nhằm phát triển các khu du lịch mang thương hiệu quốc gia như Sa Pa (Lào Cai) xứng tầm cỡ quốc tế.

Tác giả An Kiên / VOV Tây Bắc
01/11/2021 10:05

Ông Lềnh đưa ra lý do rằng, những năm tới đây, khi đại dịch được kiểm soát, du lịch thế giới chắc chắn sẽ bùng nổ sau thời gian dài kìm nén. Vì vậy, giữa cả kho tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực và con người nhiều tiềm năng của Việt Nam, các cấp quản lý cần chọn tài nguyên nào vượt trội nhất, mạnh nhất xây dựng thành thương hiệu du lịch quốc gia, để thu hút khách du lịch quốc tế tới Việt Nam.

Theo ông Lềnh, trong phần nhiệm vụ, giải pháp để cơ cấu lại các ngành dịch vụ cần bổ sung nội dung “tập trung quy hoạch và đầu tư để hình thành một số khu du lịch quốc gia tầm cỡ quốc tế; xây dựng và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc”.

Ông Lềnh cũng cho biết, báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra những hạn chế trong kết nối vùng và liên vùng, do đó, đề nghị cần bổ sung các giải pháp cụ thể hơn để khắc phục vấn đề này, bám sát với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030.

Ông Lềnh viện dẫn lý do, hạn chế trong liên kết vùng ở Việt Nam xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nút thắt từ thể chế liên kết vùng. Cụ thể, hiện nay, chưa có một văn bản Luật hay Nghị định nào cụ thể hóa nội hàm “thúc đẩy liên kết kinh tế vùng” được đề cập ở Điều 52 Hiến pháp năm 2013.

ĐBQH Lào Cai: Cần chính sách đặc thù để Khu du lịch Quốc gia Sa Pa mang tầm quốc tế - Ảnh 1.

Đại biểu Sùng A Lềnh - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai

Ngoài Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội áp dụng cho riêng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long theo Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 6/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ thì các vùng còn lại vẫn chưa được áp dụng bất cứ một cơ chế chính sách khuyến khích liên kết nào từ Trung ương.

“Nội hàm quan trọng nhất trong liên kết vùng là tạo ra thể chế vùng. Khi liên kết vùng đủ mạnh có thể tạo thành các vùng động lực, các cực tăng trưởng mới cho đất nước. Ví dụ như tại khu vực miền núi phía Bắc nếu có thể chế liên kết vùng vững chắc thì tỉnh Lào Cai có rất nhiều cơ hội để phát triển thành trung tâm vùng, vì vậy việc xây dựng Cảng hàng không tại Lào Cai, khu kinh tế cửa khẩu tại Lào Cai không chỉ xác định phục vụ cho tỉnh Lào Cai mà phục vụ kết nối, trung chuyển hàng hóa cho cả khu vực, cả nước…

Khi đã xác định như vậy các dự án trên sẽ được Trung ương chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực thực hiện nhanh và hiệu quả, tạo ra các cực tăng trưởng mới”, ông Lềnh nhấn mạnh.

Về việc sửa đổi các nội dung liên quan trong Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng tạo cơ chế thuận lợi và khuyến khích phối hợp nguồn lực giữa các địa phương nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển chung của vùng, ông Lềnh bày tỏ đồng tình với nhóm giải pháp này, đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm triển khai đề án chi tiết để thực hiện chủ trương tăng cường phân cấp mạnh nguồn thu thuộc thế mạnh của từng địa phương.

ĐBQH Lào Cai: Cần chính sách đặc thù để Khu du lịch Quốc gia Sa Pa mang tầm quốc tế - Ảnh 2.

Cảng Hàng không Sa Pa (Lào Cai) vừa được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định chủ trương đầu tư

Theo ông Lềnh, thực tế thời gian qua, cơ chế phân cấp ngân sách giữa trung ương và địa phương đã thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên đến nay, cơ chế này cũng có những bất cập, do phạm vi nguồn lực chính quyền địa phương được hưởng, nhất là đối với các tỉnh, thành phố nhận số bổ sung từ ngân sách trung ương, cũng như cơ chế phân cấp tương đối đặc thù (không phân chia theo sắc thuế mà phân chia theo tổng nguồn thu trên địa bàn), nên vai trò của chính quyền địa phương trong việc quyết định nguồn thu và nhiệm vụ chi tương đối hạn chế vì vậy phần nào làm giảm động lực thu ngân sách của các địa phương.

Ví dụ, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, khoản thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%. Đối với các địa phương có cửa khẩu quốc tế như Lào Cai, để góp phần thực hiện tốt các khoản thu này, địa phương nơi phát sinh khoản thu cũng phải đầu tư cơ sở hạ tầng, trực tiếp thực hiện các hoạt động đảm bảo trật tự an ninh, quốc phòng của địa phương,…

Tuy nhiên, trung ương không hỗ trợ kinh phí này mà địa phương nơi phát sinh khoản thu phải tự cân đối ngân sách địa phương; khi số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng so với dự toán, ngân sách địa phương cũng không được ngân sách trung ương trích từ nguồn tăng thu để hỗ trợ hoặc thưởng cho địa phương, dẫn đến chưa tạo động lực cho chính quyền địa phương nơi có cửa khẩu tích cực phối hợp với ngành Hải quan trong công tác quản lý thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Từ các phân tích trên, ông Sùng A Lềnh đề nghị sớm đổi mới cơ chế phân cấp và phân bổ ngân sách theo hướng phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền thúc đẩy tính tự chủ, sáng tạo của ngân sách địa phương; phát huy sức mạnh tổng hợp của nguồn lực tài chính nhà nước đi đôi với tận dụng tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương, huy động tối đa các nguồn lực xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của đất nước.

Ý kiến của bạn