Dấu ấn 'bộ đội Cụ Hồ' vùng biên giới Sơn La
(VOVTV) - Những đổi thay trong cuộc sống, trong hành trình vượt khó vươn lên của nhiều người dân, học trò nghèo nơi vùng biên giới Sơn La từ lâu đã gắn liền với người lính quân hàm xanh, hình ảnh “bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
Đồi dốc cheo leo và cái nắng gay gắt ngày hè không làm giảm không khí rộn ràng trên “nương mận quân – dân” của anh Tếnh Ngọc Thái, xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu (Sơn La). Đây là tên gọi thân thuộc mà anh Thái cũng như bà con trong bản nhắc đến khi giới thiệu về nương mận được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng Tương hỗ trợ.
"Trước đây mình làm ngô, đất dốc nên ngô năng suất thấp. Sau đó được cán bộ Đồn biên phòng Chiềng Tương hỗ trợ trồng cây mận, đến nay đã thu được 3 vụ rồi. Trồng mận năng suất, giá trị cao hơn trồng ngô, gia đình có tiền để mở rộng sản xuất, làm nhà. Năm ngoái gia đình thu được 150 triệu, năm nay mận trái mùa cũng bán được 20 triệu rồi", anh Thái cho biết.
Những mùa quả ngọt về trên nương đồi từ khi Đồn Biên phòng Chiềng Tương triển khai mô hình giúp dân chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, bắt đầu từ việc trồng mận hậu thay thế nương ngô cằn cỗi. Không chỉ tự tay lựa chọn và gieo trồng hạt giống, những người lính quân hàm xanh đã đồng hành với bà con suốt bao mùa thu quả.
Đại úy Vì Văn Lun, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Chiềng Tương cho biết: "Chúng tôi đã đến từng hộ gia đình, trực tiếp đi khảo sát ở nương, cấp phát cây giống cho bà con, trực tiếp trồng và hướng dẫn bà con chăm sóc cây trồng. Tôi rất vui vì thấy bà con phát triển được kinh tế, đời sống gia đình ổn định".
Các cán bộ chiến sĩ quân hàm xanh cũng là những người cha, người anh “đỡ đầu” cho bao thế hệ học trò 2 xã biên giới Chiềng Tương và Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La).
Nhà nghèo, có 3 người con, trong đó con út của anh Vì Văn Tuyền, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu không may bị khuyết tật, khiến cuộc sống, kinh tế gia đình khó càng thêm khó. Khi con đường tới trường của các con tưởng chừng dang dở, con gái thứ hai của anh Vì Văn Tuyền may mắn được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng Tương nhận đỡ đầu theo mô hình “Nâng bước em đến trường”.
Anh Vì Văn Tuyền chia sẻ: "Gia đình khó khăn lắm, rất mừng được đồn biên phòng hỗ trợ cháu, giúp gia đình có kinh phí trang trải một phần tiền học, tiền sinh hoạt của cháu... để cháu được đi học, được ăn no mặc ấm".
Hơn 7 năm nay, chương trình “Nâng bước em đến trường” được các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng Tương đồng lòng thực hiện. Mỗi tháng, cán bộ, chiến sĩ đóng góp một phần tiền lương và kết nối với các nhà hảo tâm hỗ trợ 7 học sinh với số tiền 500.000 đồng/ tháng, cho đến khi các em học hết lớp 12. Ngoài ra, đơn vị kêu gọi trong toàn quân thực hiện chương trình Quân đội nâng bước em đến trường, hỗ trợ 14 học sinh với số tiền 1,2 triệu đồng/ tháng.
Bà Phạm Thị Dinh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lóng Phiêng A, huyện Yên Châu cho biết, mô hình có ý nghĩa đặc biệt, góp phần cùng với nhà trường vận động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số; động viên, cổ vũ tinh thần vượt khó của học trò vùng biên: "Trường chúng tôi có 8 học sinh được hỗ trợ. Từ khi được các cán bộ biên phòng đỡ đầu, đã giúp các gia đình có điều kiện cho con em đi học; các em học sinh cũng cố gắng hơn, chăm chỉ hơn. Nhiều em có kết quả học tập tốt, được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ các năm, được hiệu trưởng tặng giấy khen".
"Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt" – Phương châm ấy là động lực giúp tập thể cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng Tương nỗ lực vượt khó để hoàn xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ đường biên, cột mốc; đồng thời, luôn gắn bó, gần dân, hiểu dân, để giúp đỡ nhân dân.
Theo thiếu tá Nguyễn Công Lưu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Chiềng Tương, mỗi mô hình, phần việc ý nghĩa được triển khai đều gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”: Đảng ủy, Ban chỉ huy đồn đã triển khai rà soát tình hình địa bàn, xây dựng các mô hình học và làm theo Bác phù hợp, hiệu quả trên địa bàn 2 xã biên giới Lóng Phiêng, Chiềng Tương. Chúng tôi xây dựng kế hoạch gắn với chương trình công tác hàng ngày, hàng tuần, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới trên địa bàn.
Lời dạy của Bác là động lực để cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La phấn đấu và cống hiến. Không chỉ bảo vệ trên 274 km đường biên giới, 125 cột mốc quốc giới, quyết liệt đấu tranh với các loại tội phạm; các đơn vị còn triển khai nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo như: Mái ấm cho người nghèo trên biên giới, trồng cây ăn quả trên đất dốc, xóa mù chữ, nâng bước em đến trường, con nuôi Đồn biên phòng...
Đại tá Cà Văn Lập, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La cho biết: "Việc học và làm theo Bác gắn chặt với cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội cụ Hồ” của quân đội và lực lượng. Chúng tôi phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ đảng viên trong mọi cương vị công tác, đặc biệt coi trọng việc nêu gương của cán bộ chủ trì ở các cấp; lấy việc học và làm theo Bác làm thước đo cho đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, đảng viên. Đồng thời, biểu dương các tập thể, cá nhân có cách làm hay, mô hình tiêu biểu để từ đó nhân rộng trong biên phòng toàn tỉnh".
Những phần việc, mô hình thiết thực, ý nghĩa đã mang đến niềm tin yêu cho đồng bào các dân tộc khu vực biên giới với những người lính quân hàm xanh; là nguồn cổ vũ, động viên bộ đội biên phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc, góp sức xây dựng địa phương vùng biên vững mạnh toàn diện.
Tin nổi bật
Tin Video