Đánh thuế biệt thự bỏ hoang: Chặn đầu cơ, tránh lãng phí đất 'vàng'
Tại Hà Nội, biệt thự bỏ hoang xuất hiện ngày càng nhiều, đánh thuế biệt thự bỏ hoang liệu có là giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng này?
TP.Hà Nội vừa đề xuất Bộ Tài chính phương án đánh thuế đối với nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng.
Theo đề xuất, biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm biệt thự vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị. Bên cạnh đó, Hà Nội còn đề xuất xử phạt hành chính chủ sở hữu biệt thự, với mức phạt 10 - 20 triệu đồng/căn, đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua từ ngôi nhà thứ hai trở lên.
Trả lời VTC News về đề xuất này, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, tình trạng khu đô thị bỏ hoang gây lãng phí lớn cho xã hội, do đó cần có cơ chế chính sách giải quyết để sử dụng hợp lý.
Ông Thịnh nêu quan điểm, nếu mua nhiều bất động sản rồi để không thì nên đánh thuế người sở hữu căn hộ. Trường hợp nếu chỉ là căn nhà thứ hai thì cần đánh thuế chính chủ đầu tư - là căn nguyên để khu đô thị bỏ hoang, chứ không phải đánh thuế người sở hữu căn hộ và người mua để đầu tư.
“Các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần nghiên cứu kỹ để đưa ra chính sách thấu đáo, vừa có cơ sở khoa học vừa có thực tiễn”, ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, trong trường hợp đánh thuế căn hộ bỏ hoang thì cơ quan quản lý cần đánh thuế tương xứng với giá trị coi như nhà chưa sử dụng. Còn trường hợp mua để đó, không sử dụng thì đánh thuế như cho thuê.
Đồng quan điểm, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bày tỏ, việc tăng thuế nhà đất là giải pháp hữu hiệu để hạn chế đầu cơ. Nhiều nước trên thế giới đang áp dụng việc đánh thuế nhà đất rất cao, nhà đất càng không được sử dụng càng bị đánh thuế mạnh. Như vậy không ai dám đầu cơ, người có nhà buộc phải đến ở hay cho thuê.
"Ở ta cũng nên tăng thuế nhà đất vì với nền kinh tế thị trường không thể dùng các biện pháp hành chính đơn thuần. Cần đánh thuế nhà đất ở mức 1%/năm. Thuế nhà đất như hiện nay chỉ ở mức 0,15% giá trị sẽ không thể chống được đầu cơ”, GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Quan điểm này cũng tương đồng với ý kiến của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA). Theo đó, để hạn chế tình trạng bỏ hoang nhà đất, kinh nghiệm từ một số nước cho thấy cần đánh thuế chuyển nhượng rất cao để triệt tiêu ý chí của nhà đầu tư.
“Người sở hữu nhà đất dùng để ở thì chịu mức thuế thấp nhất. Người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Trong trường hợp thị trường bất động sản bị đầu cơ, có thể áp dụng thuế suất rất cao để triệt tiêu ý chí đầu cơ”, ông Châu đề xuất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng biệt thự bỏ hoang là sự lãng phí cả về sử dụng đất, công trình và mất mỹ quan đô thị. Tại Hà Nội, không ít dự án không có người sử dụng, chứ không chỉ một vài căn. Tuy nhiên, biệt thự bỏ hoang chỉ là một phần, lãng phí nhất chính là đất bỏ hoang, bị găm giữ. Vì vậy, theo ông nên đánh thuế cao để tránh lãng phí tài nguyên đất.
Trong buổi làm việc với Bộ Xây dựng mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu cần có chính sách điều tiết thị trường bất động sản bằng quản lý nhà nước, bằng cơ chế thuế, tránh tình trạng dòng vốn chỉ chảy vào chung cư cao cấp, biệt thự, mua để đấy không sử dụng...
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên phương án đánh thuế đối với nhà bỏ hoang được đề xuất. Năm 2011, Bộ Tài chính đã từng đề xuất 3 phương án tính thuế đối với biệt thự bỏ hoang. Phương án 1, quy định nếu sau khi xác định biệt thự nào bỏ hoang, không sử dụng thì thu theo một tỷ lệ nhất định. Ví dụ, sau 3 tháng thu 5% trên tổng giá trị biệt thự, sau 6 tháng thu 10%...
Phương án 2, ngày 1/1/2012, khi luật Sử dụng đất phi nông nghiệp bắt đầu có hiệu lực thì có thể căn cứ vào quy định đất sử dụng không đúng mục đích, đất chưa sử dụng theo đúng quy định áp dụng mức thuế suất 0,15% tổng giá trị (diện tích đất tính thuế x giá trị 1 m2 đất).
Phương án 3 là căn cứ vào quy định xử lý vi phạm luật Đất đai, người nào lấn chiếm đất đai, không sử dụng đất hoặc sử dụng không đúng mục đích sẽ bị xử phạt hành chính. Ví dụ, nếu không đưa vào sử dụng trong 6 tháng thì bị phạt 20 - 30 triệu đồng, 6 tháng sau không dùng thì phạt tiếp đến khi hoàn thiện đưa vào sử dụng, cho thuê, cho mượn thì thôi.
Thực tế, tại Hà Nội hiện nay, có không ít khu đô thị bỏ hoang, không người ở nhiều năm nay. Trong đó có những căn trị giá hàng chục tỷ đồng đã xây dựng xong nhưng do không được sử dụng nên rêu phong, xuống cấp. Có thể kể đến dự án Khu biệt thự sinh thái Foresa Villa của Công ty cổ phần TASCO, phần lớn các căn biệt thự đã hoàn thiện đều cửa đóng then cài. Nhiều dãy còn chưa được hoàn thiện, cây cỏ mọc hoang tàn.
Tại huyện Hoài Đức, khu đô thị Lideco nằm trên đường 32, thị trấn Trạm Trôi (Hoài Đức, Hà Nội) là dự án do Công ty CP Phát triển đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 38,23 ha với tổng mức đầu tư 781 tỉ đồng gồm hơn 600 căn biệt thự thiết kế theo phong cách tân cổ điển đến nay vẫn vắng bóng người.
Hay tại dự án Khu biệt thự Vườn Cam - Orange Garden do Công ty cổ phần VinaPol làm chủ đầu tư, được thực hiện từ năm 2007. Tuy nhiên, đến nay, nhiều căn biệt thự hoành tráng vẫn bỏ hoang.
Tin nổi bật
Tin Video