Tin tức

'Đánh thức' tiềm năng du lịch ở Hoà Bình

(VOVTV) - Nằm ở trung tâm của vùng Tây Bắc, tỉnh Hoà Bình có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch. Phát huy lợi thế nhằm phát triển bền vững “ngành công nghiệp không khói”, Hoà Bình đã xây dựng Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm đưa du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn, khác biệt, chuyên nghiệp, bền vững và hội nhập quốc tế, trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn của vùng Tây Bắc.

Tác giả Mùi Sơn / VOVTV
01/11/2021 08:47

"Nền tảng" phát huy tiềm năng, lợi thế

Hoà Bình là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, tiếp giáp với vùng đồng bằng sông Hồng, phía Đông giáp thành phố Hà Nội; phía Bắc giáp tỉnh Phú Thọ; phía Tây giáp tỉnh Sơn La và Thanh Hoá, phía Đông Nam giáp tỉnh Hà Nam, Ninh Bình. Án ngữ cửa ngõ cả vùng Tây Bắc, đặc biệt tuyến đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình và đường Quốc lộ 6 chạy qua địa bàn tỉnh, việc kết nối giữa tỉnh Hoà Bình với các tỉnh trong khu vực trở nên thuận lợi.

"Đánh thức" tiềm năng du lịch ở Hoà Bình - Ảnh 1.

Khu nghỉ dưỡng Mai Châu Ecolodge (huyện Mai Châu) đã và đang được du khách trong và ngoài nước lựa chọn là điểm đến để nghỉ dưỡng

Vị trí địa lý có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và đô thị hóa, đưa Hòa Bình trở thành trung tâm kinh tế văn hóa của vùng trong hiện tại và cả tương lai. Hơn nữa, Hòa Bình còn đóng vai trò quan trọng đối với vùng Tây Bắc và cũng như cả nước trong việc kết nối các địa phương về du lịch, văn hoá, cung cấp nguồn nhân lực cho các địa phương lân cận.

Tỉnh Hòa Bình có 10 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc (gồm 1 thành phố Hòa Bình và 9 huyện như Cao Phong, Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Mai Châu, Tân Lạc, Yên Thủy với diện tích tự nhiên là 4.595,2 km2) với trên 87 vạn người, 7 dân tộc cùng chung sống là Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông, Hoa... trong đó hơn 63% dân số là người dân tộc Mường, mỗi dân tộc đều có nét độc đáo về bản sắc văn hoá, cùng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, vì thế tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch đã và đang là định hướng chính trong phát triển kinh tế.

Hòa Bình có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, với nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đẹp. Trên địa bàn tỉnh có 173 điểm di tích, danh lam thắng cảnh được quản lý bảo vệ, trong đó 41 di tích cấp quốc gia và 53 di tích cấp tỉnh và nhiều hang động chứa đựng những di chỉ khảo cổ của nền "Văn hóa Hòa Bình"; có những thắng cảnh đẹp hấp dẫn du khách như Quần thể hang động Núi đầu Rồng, huyện Cao Phong; quần thể hang động khu di tích Chùa Tiên, huyện Lạc Thủy; động Ngòi Hoa và động Nam Sơn huyện Tân Lạc…, 4 Khu bảo tồn thiên nhiên là Ngọc Sơn - Ngổ Luông, Thượng Tiến, Pu Canh, Hang Kia - Pà Cò, vùng tiếp giáp với Vườn quốc gia Cúc Phương; Vườn quốc gia Ba Vì rất đa dạng về sinh học, hệ động thực vật phong phú,... có nguồn nước khoáng nóng tại Kim Bôi, Lạc Sơn, Yên Thuỷ,… có tiềm năng phát triển những khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chữa bệnh hấp dẫn.

"Đánh thức" tiềm năng du lịch ở Hoà Bình - Ảnh 2.

Với diện tích trên 8.000 ha mặt nước trên hồ Hoà Bình...

Hòa Bình đã và đang xây dựng được những khu, điểm du lịch có thương hiệu, được đông đảo du khách biết đến như: Khu du lịch Hồ Hòa Bình, Khu du lịch Mai Châu. Các khu nghỉ dưỡng như Serena Resort (Kim Bôi), Hideaway Resort, Mai Chau Ecolodge, Ba Khan village Resort, Avana Retreat (Mai Châu), Sân Golf Phượng Hoàng (Lương Sơn)… đang là những địa chỉ được du khách yêu thích. Đặc biệt, hồ Hoà Bình có diện tích mặt nước 8.000 ha, dung tích 9,5 tỷ m3 với nhiều đảo lớn nhỏ tạo nên phong cảnh sông nước hữu tình có tiềm năng phát triển lịch đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phát triển thành khu du lịch quốc gia đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư tiềm năng.

"Đánh thức" tiềm năng du lịch ở Hoà Bình - Ảnh 3.

...đã trở thành Khu du lịch hồ Hoà Bình

Toàn tỉnh hiện có 434 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 4.500 buồng, hơn 300 tàu vận chuyển khách du lịch trên Hồ Hòa Bình. Giai đoạn 2016 - 2020 đã thu hút được hơn 40 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 15.237 tỷ đồng. Hiện, tỉnh Hòa Bình có trên 72 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch còn hiệu lực, chiếm 12,2% tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Hòa Bình với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 20.000 tỷ đồng. Du lịch Hòa Bình đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc và đóng góp vào nguồn thu ngân sách cho địa phương.

Để Hoà Bình trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn

Theo Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Hoà Bình, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Hòa Bình tập trung xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực Tây Bắc để thu hút khách du lịch; huy động các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Lạc đến thành phố Hòa Bình và đi Mộc Châu; mở các tuyến đường đến một số điểm có tài nguyên du lịch tại huyện Kim Bôi và huyện Lạc Sơn; xây dựng tuyến đường du lịch ven hồ Hòa Bình; đầu tư nâng cấp cảng du lịch để đón tiếp khách du lịch.

"Đánh thức" tiềm năng du lịch ở Hoà Bình - Ảnh 4.

Khu nghỉ dưỡng Avana Retreat (Mai Châu) địa điểm thu hút giới thượng lưu đến nghỉ ngơi, thư giãn sau những bận rộn của công việc hay cuộc sống

Tạo điều kiện thuận lợi cho một số tập đoàn lớn có thương hiệu về đầu tư và phát triển du lịch trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát lập các dự án quy mô lớn, chất lượng cao tại Khu du lịch hồ Hòa Bình, một số huyện có tiềm năng phát triển du lịch như: Kim Bôi, Tân Lạc, Mai Châu, Lạc Sơn... Phát triển du lịch phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm như: Du lịch văn hóa; du lịch thể thao, mạo hiểm; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch hội nghị, hội thảo; du lịch cộng đồng; du lịch tâm linh.

Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư các dự án du lịch về giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ vay vốn đầu tư, ưu đãi thuế đất; hỗ trợ công tác tuyên truyền quảng bá, đào tạo phát triển nguồn nhân lực để thúc đẩy du lịch phát triển.

Đổi mới công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, nhận diện thương hiệu du lịch tỉnh Hòa Bình; triển khai các chiến dịch quảng cáo lớn gắn với chiến lược marketing toàn diện tới các thị trường trọng điểm, tiềm năng; chú trọng khai thác thị trường vùng Thủ đô Hà Nội song song với thu hút các thị trường trong nước và quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo vào phát triển du lịch.

"Đánh thức" tiềm năng du lịch ở Hoà Bình - Ảnh 5.

Tỉnh Hoà Bình đã và đang triển khai nhiều phương án nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành "ngành công nghiệp không khói"

Phấn đấu đến năm 2025 đón khoảng 4,9 triệu lượt khách, trong đó có 1 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 5.400 tỷ đồng. Đến năm 2030, Hòa Bình đón 7,3 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế là 2 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 11 nghìn tỷ đồng.

Với nỗ lực tích cực, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương cũng như của các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch. Chắc chắn du lịch Hòa Bình sẽ đạt được mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới và là điểm đến hấp dẫn thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế.

Ý kiến của bạn