Đánh thức tiềm năng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng
Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng không chỉ quyến rũ bởi khung cảnh hoang sơ hùng vĩ mà còn hấp dẫn bởi những địa danh lịch sử, bề dày văn hóa độc đáo của các dân tộc vùng Đông Bắc.
Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng nằm ở địa đầu phía Bắc nước ta, trên địa giới nhiều huyện của tỉnh Cao Bằng như Hà Quảng, Trùng Khánh, Hạ Lang, Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An với diện tích hơn 3.000 km.
Cảnh quan núi đá vôi trùng điệp, thung lũng, hang động, những dòng sông, hồ nước xanh ngát, các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản,... tạo nên sự độc đáo hiếm có của CVĐC Non nước Cao Bằng, nơi du khách có thể tìm hiểu địa chất có lịch sử trên 500 triệu năm của Trái Đất.
Không chỉ có các đặc điểm địa chất độc đáo, đây còn là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với hơn 200 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 23 di tích cấp quốc gia, và là căn cứ địa của cách mạng Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp; nơi sinh sống của 9 dân tộc khác nhau, như Tày, Nùng, Mông, Kinh, Dao, Sán Chay...
Với những giá trị ngoại hạng của mình, tháng 4/2018, Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng đã được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu.
Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, Cao Bằng đã từng bước xây dựng, phát triển du lịch bền vững, đưa du khách khám phá Công viên Địa chất với ba “tuyến đường trải nghiệm”.
Tuyến trải nghiệm ở phía Đông có chủ đề "Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên", gây choáng ngợp với cảnh quan muôn trùng núi đá vôi karst bao quanh các thung lũng, dòng sông xanh uốn lượn...
Qua đèo Mã Phục 7 tầng dốc lên biên giới Trùng Khánh, thác Bản Giốc kỳ vĩ hiện ra giữa rừng già, dòng nước đổ xuống từ độ cao 30m, dưới chân là mặt sông phẳng như gương. Đây là thác lớn thứ 4 thế giới trong các thác nước nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia, hiện đang được hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Quần thể hồ Thang Hen cùng núi Mắt Thần Phja Piót (Núi thủng) đang là điểm đến được ưa thích. Núi có hang thùng trên đỉnh ở độ cao 50m, soi bóng xuống mặt hồ với màu xanh biếc, xung quanh là rừng rừng trám trắng, trám đen nhô lên những khối đá tai mèo, khung cảnh làm say lòng du khách.
Du khách sẽ đến với các các lễ hội dân gian, nghe các câu chuyện huyền sử cũng như thưởng thức những món ăn nổi tiếng của người Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ... Dọc cung đường là các làng nghề truyền thống rèn nông cụ, dệt nhuộm vải chàm, làm hương,...
Một điểm đến không thể bỏ qua là chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, cách thác chỉ 500m. Chùa nằm trên lưng núi với kiến trúc thuần Việt, không gian thanh tịnh và yên bình.
Tuyến thứ 2 về phía Bắc "Trở về nguồn cội” với các điểm dừng chân như đền Dẻ Đoóng, hang Ngườm Bốc, đền Vua Lê, Vườn Đá, Ngườm Slưa, hóa thạch Cúc Đá,... Đặc biệt, điểm đến hấp dẫn nhất là Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước năm 1941 và lãnh đạo phong trào cách mạng, cùng những địa danh Suối Lê-nin, núi Các Mác ôn lại truyền thống hào hùng.
Tuyến phía Tây "Khám phá Phja Oắc – Vùng núi của Những đổi thay" đưa du khách đến với Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén, Di tích quốc gia đặc biệt Khu rừng Trần Hưng Đạo - nơi vào năm 1944, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay.
Khu du lịch sinh thái tại đây hấp dẫn với những nương chè xanh trải dài vô tận, du khách có thể trải nghiệm thu hái cùng bà con, thưởng thức trà ngon đậm hương vị núi rừng, thời tiết mát mẻ quanh năm.
Thu hút mạnh mẽ sự tham gia của người dân vào các mô hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa, cảnh quan, giai đoạn 2016 - 2020, Cao Bằng có lượng khách du lịch đạt trên 5 triệu lượt người, trong đó khách quốc tế trên 420 nghìn lượt.
Cao Bằng đang đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược, từng bước gỡ các nút thắt về hạ tầng, chất lượng nhân lực,... đưa du lịch - dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực Trung du, miền núi phía Bắc trong tương lai gần./.
Theo VOV.VN