Đánh giá sơ bộ thiệt hại sau cơn địa chấn tại Indonesia
Giới chức Indonesia cho biết trận động đất có độ lớn 6,2 xảy ra sáng 15/1 tại tỉnh West Sulawesi của nước này đã kéo theo 28 dư chấn, phá hủy hàng trăm nhà dân cùng nhiều cao ốc văn phòng, khách sạn, bệnh viện và trung tâm mua sắm... tại thành phố Mamuju và khu vực quận Majene.
Theo số liệu thống kê mới nhất, trận động đất đã cướp đi sinh mạng của 42 người, khiến hơn 800 người bị thương, trong khi khoảng 15.000 người khác phải đi sơ tán.
Phát biểu với báo giới ngày 16/1, người phát ngôn của Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia Indonesia - ông Raditya Jati cho biết công tác đánh giá các thiệt hại cụ thể do trận động đất có tâm chấn nằm ở độ sâu 10 km này hiện đang được tiến hành. Những người bị thương nặng đã được đưa tới bệnh viện để điều trị, trong khi người dân sống tại khu vực bị ảnh hưởng đã được chuyển tới lánh nạn tại 10 trung tâm sơ tán.
Theo các cơ quan chức năng, có thể còn nhiều người đang bị vùi lấp trong các tòa nhà bị đổ. Tổng thống Joko Widodo đã ra lệnh cho người đứng đầu Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia Indonesia, cảnh sát trưởng và chỉ huy quân đội ngay lập tức triển khai các biện pháp cứu hộ khẩn cấp.
Trong khi đó, ngày 15/1, người đứng đầu Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia - bà Dwikorita Karnawati đã cảnh báo về nguy cơ có thể xảy ra thêm một trận động đất mạnh, có khả năng gây sóng thần, ở khu vực này. Theo bà Karnawati, kết cấu địa chất tại khu vực này hiện không còn ổn định hoặc đã suy yếu đi sau 28 lần chấn động và điều này có thể dẫn đến tình trạng sạt lở đất dưới lòng biển và gây ra sóng thần.
Indonesia nằm trên "Vành đai Lửa" Thái Bình Dương, nơi thường xảy ra động đất. Năm 2018, một trận động đất có độ lớn 6,2 độ dẫn tới sóng thần tại thành phố Palu, thuộc tỉnh đảo Sulawesi, làm hàng nghìn người thiệt mạng.