Thể thao

Đặng Văn Lâm có bao nhiêu cơ hội dự AFF Cup khi sang Nhật Bản thi đấu?

Sang J.League 1 chơi bóng là một bước tiến rất lớn của Đặng Văn Lâm. Nhưng ở một chiều hướng khác, ĐT Việt Nam có thể mất đi thủ môn số 1 của mình.

08/01/2021 11:12

 Thử thách nào cho Văn Lâm khi sang J.League 1?

Cerezo Osaka đã đạt được thoả thuận với Muangthong United trong việc chiêu mộ Đặng Văn Lâm. Đội bóng đang chơi ở J.League 1 sẽ mua đứt phần còn lại hợp đồng vốn kéo dài đến 5/2022 của Văn Lâm với Muangthong United. Đội bóng Thái Lan không có trách nhiệm gì trong việc yêu cầu Cerezo Osaka phải đảm bảo số lượng trận đấu ở J.League 1 cho Văn Lâm.

Chính bản thân anh cùng người đại diện sẽ làm việc trực tiếp với đội bóng Nhật Bản để xác định lộ trình của mình trong cơ hội được gác gôn ở J.League 1.

Đặng Văn Lâm có bao nhiêu cơ hội dự AFF Cup khi sang Nhật Bản thi đấu? - Ảnh 1.

Đặng Văn Lâm trong trận đấu gặp Iran tại Asian Cup 2019. Ảnh: Wikipedia

Tất nhiên, cơ hội cho Văn Lâm ở mùa giải đầu tiên là không nhiều. Thủ môn Kim Jin Hyeon dù 34 tuổi vẫn là người gác đền số 1 của Cerezo Osaka. Thủ môn này có hơn 10 năm gắn bó với đội bóng cố đô và vẫn đạt phong độ rất ổn định. Năm 2020, Kim Jin Hyeon ra sân 34 trận và chỉ thủng lưới 37 lần – ít thứ 3 tại J.League 1. 

Nhờ vậy, Cerezo Osaka kết thúc ở vị trí trong top 4 tại giải đấu. Chi tiết hơn, thủ môn 34 tuổi giữ sạch lưới 12 trận trong 34 lần ra sân ở J.League 1. Anh có trung bình 3,2 lần cứ thua/trận. 

Kim Jin Hyeon cũng là một gã khổng lồ trong cầu môn Cerezo Osaka. Anh có sải tay dài và chiều cao lên đến trên 1m90. Khả năng chơi chân của thủ môn họ Kim là một điểm mạnh. Mùa vừa rồi anh chạm bóng bình quân 35,8 lần và hoàn thành 26,3 đường chuyền mỗi trận.

Sẽ rất khó để Văn Lâm hy vọng mình tranh được vị trí số 1 với Kim Jin Hyeon ở mùa giải đầu tiên trong màu áo Cerezo Osaka. Nhưng anh có lý do để tin rằng bản lĩnh của mình sẽ được nâng lên một tầm cao hơn trong môi trường chuyên nghiệp tầm cỡ châu Á. Đương nhiên với tuổi 34, Kim Jin Hyeon không thể cáng đáng tất cả các mặt trận ở Nhật Bản. Cúp Hoàng Đế, Cúp Quốc gia Nhật Bản là cơ hội để Văn Lâm được vào sân thi đấu.

Một điểm nữa để tin Văn Lâm không sang Cerezo Osaka để du lịch. Không ít đội bóng tại J.League 1 đưa cầu thủ Đông Nam Á sang thi đấu. Mùa 2020, Chanathip và Kawin Thamsatchanan chơi cho Consadole Sapporo. Theerathon Bunmathan đá cho Yokohama Marinos. Teerasil Dangda đầu quân cho Shimizu S-Pulse. Jefferson Tabinas của Philippines thi đấu cho Gamba Osaka.

Trung bình các cầu thủ này đều được chơi từ 20-25 trận/mùa tại các đội Nhật Bản. Cá biệt Chanathip chơi trên 40 trận/năm cho Consadole. Cá biệt có Kawin không được tạo điều kiện ở Consadole. Đặc thù của thủ môn vốn là sự ổn định dài hạn và ít có thay thế. 

Vậy nên, khi chưa có một sự định hướng từ Ban huấn luyện hay một biến cố xảy ra, các thủ môn sẽ chưa thể chiếm được vị trí số 1 trong khung gỗ. Đó là câu chuyện của bất cứ nền bóng nào chứ không riêng gì Nhật Bản.

Văn Lâm đương nhiên phải kiên nhẫn nếu như muốn tìm kiếm cơ hội ở Cerezo Osaka trong tương lai.

Văn Lâm khó về dự AFF Cup

Đến J.League 1 là một bước tiến lớn với Đặng Văn Lâm. Thủ môn Việt kiều sẽ trở thành cái tên đầu tiên của Việt Nam được chơi ở giải đấu số 1 Nhật Bản. Nhưng ở một chiều hướng khác, đội tuyển Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng với việc Văn Lâm sang Nhật Bản chơi bóng.

Giải J.League sẽ diễn ra từ ngày 27/2 đến 4/12/2021. Trong khi AFF Cup khởi tranh từ ngày 5/12/2021 đến 1/1/2022. Khó có thể đảm bảo rằng dịch Covid-19 khi đó đã được dập tắt. Văn Lâm kể cả vội vã từ Nhật Bản bay về Việt Nam thì cũng mất thêm 14 ngày cách ly. Khả năng Văn Lâm gắn bó với đội tuyển Việt Nam trong phần lớn AFF Cup khi đó là rất khó.

Đặng Văn Lâm có bao nhiêu cơ hội dự AFF Cup khi sang Nhật Bản thi đấu? - Ảnh 3.

Thủ thành Đặng Văn Lâm lọt Top thủ môn ấn tượng nhất Châu Á. Ảnh: T.L

Một điểm nữa cần phải đưa ra. Ngoài J.League 1 2020 thì bóng đá Nhật Bản còn 2 mặt trận nữa bao gồm Cúp Hoàng đế và Cúp Quốc gia Nhật Bản. Theo thông kệ hàng năm, hai mặt trận này chỉ khép lại vào đầu năm mới. 

Như đã phân tích, Cúp Hoàng đế và Cúp Quốc gia Nhật Bản là hai mặt trận vừa tầm để Văn Lâm hy vọng được ra sân. Vì thế, Cerezo Osaka chẳng có lý do gì để nhả quân cũng như Văn Lâm chẳng thể bỏ qua cơ hội được bắt cho đội bóng Nhật Bản khi ấy.

Giống như trường hợp Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmathan, Kawin Thamsatchanan và Teerasil Dangda của ĐT Thái Lan năm 2018, ĐT Việt Nam nên xác định không thể có Văn Lâm ở AFF Cup tới đây ngay từ thời điểm hiện tại. Việc chuẩn bị cho những thủ môn trẻ đang chơi ở V.League như Văn Hoàng, Văn Toản sẽ là phù hợp hơn đối với HLV Park Hang Seo.

Ý kiến của bạn