Đằng sau vụ 'giải cứu khẩn cấp' Credit Suisse
(VOVTV) - Sự sụp đổ của ngân hàng lớn thứ 2 của Thụy Sỹ, một đất nước nổi tiếng cả thế kỷ nay nhờ hệ thống 243 ngân hàng cùng 24 chi nhánh ngân hàng quốc tế, là một cú đánh rất mạnh vào danh tiếng ngành tài chính-ngân hàng Thụy Sỹ.
Việc Ngân hàng lớn ở Thuỵ Sỹ sụp đổ, các bên liên quan bao gồm Ngân hàng UBS và các cơ quan quản lý của Thụy Sĩ đã có bước đi rất nhanh chóng để "cứu" Credit Suisse khỏi cuộc khủng hoảng.
Ngân hàng SVB sụp đổ và vụ sáp nhập chóng vánh
Việc Ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ là UBS mua lại ngân hàng lớn thứ 2 của Thụy Sỹ là Credit Suisse có thể coi là một phi vụ giải cứu lịch sử, dưới sự trung gian của chính phủ Thụy Sỹ. Sau phi vụ giải cứu này, các thị trường tài chính toàn cầu mở lại trong những ngày đầu tuần này đã có tín hiệu ổn định hơn, sự hoảng loạn đã không lây lan mạnh, nhà đầu tư phần nào được trấn an.
Tuy nhiên, vụ việc Credit Suisse chỉ là một điểm tiếp nối của một chuỗi những bất ổn trong hệ thống ngân hàng-tài chính toàn cầu trong gần 2 tuần qua, bắt đầu bằng vụ sụp đổ của Silvergate Bank có trụ sở ở bang California, vốn là một ngân hàng quen thuộc với giới tiền số. Ngay sau đó, một vụ sụp đổ chấn động hơn, cũng tại Mỹ, là việc ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) ở thung lũng Silicon, là ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ và là ngân hàng chuyên cho vay mạo hiểm của giới công nghệ.
Vụ việc ngân hàng SVB thực sự gây chấn động bởi đây là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ 2 trong lịch sử nước Mỹ, sau vụ ngân hàng Washington Mutual năm 2008, thời điểm bắt đầu của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây nhất. Chỉ 4 ngày sau vụ SVB lại tiếp tục là sự sụp đổ của một ngân hàng khác của Mỹ, là Signature Bank vào ngày 12/03. Đây cũng là một ngân hàng quen thuộc với giới tiền số.
Ba vụ việc liên tiếp tại Mỹ đã gây ra một làn sóng hoảng loạn thực sự trên thị trường tài chính toàn cầu nên khi vụ việc Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ 2 của Thụy Sỹ có lịch sử 167 năm tồn tại bùng nổ, tất cả chính phủ các nước phương Tây cũng như các định chế tài chính lớn đều theo dõi sát sao, vô cùng lo ngại sự sụp đổ của Credit Suisse sẽ chính thức tạo ra một làn sóng hoảng loạn và sụp đổ dây chuyền trên thị trường tài chính toàn cầu.
Chính vì thế, để tránh kịch bản các thị trường chứng khoán toàn cầu “đỏ lửa vào đầu tuần này, giới chức các nước Thụy Sỹ, Mỹ, châu Âu đã chạy đua với thời gian, tìm mọi cách để có giải pháp cho Credit Suisse trong cuối tuần qua. Trong bài báo hôm 21/03, tờ “Thời báo Tài chính” của Anh dẫn các nguồn tin nội bộ từ Thụy Sỹ cho biết, mặc dù về danh nghĩa thì UBS đã đứng ra mua lại Credit Suisse nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan hoảng loạn nhưng tác giả thực sự đứng sau phi vụ này là Mỹ và Pháp, cụ thể là Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Bộ trưởng Kinh tế Pháp, Bruno Le Maire.
Những quan chức này đã liên tục có các cuộc điện đàm gây sức ép để chính phủ Thụy Sỹ đứng ra làm trung gian và thực tế cho thấy là để UBS chấp nhận mua lại toàn bộ Credit Suisse với giá 3,25 tỷ USD thay vì chỉ một bộ phận kinh doanh của Credit Suisse, chính phủ Thụy Sỹ và Cơ quan giám sát thị trường tài chính Thụy Sỹ (Finma) đã cam kết cấp hơn 9 tỷ USD cho UBS để bù đắp cho những thiệt hại mà UBS có thể phải gánh chịu khi mua lại Credit Suisse, đồng thời Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ (SNB) cũng hỗ trợ hơn 100 tỷ USD thanh khoản cho UBS.
Hệ lụy đối với danh tiếng của ngành ngân hàng Thụy Sĩ
Vụ sụp đổ của Credit Suisse là một cú sốc lớn đối với danh tiếng của hệ thống ngân hàng Thụy Sỹ bởi Credit Suisse đã có 167 năm tồn tại và đặc biệt, Credit Suisse là một trong những ngân hàng vượt qua khủng hoảng tài chính thế giới 2008 một cách vững vàng nhất. Vào thời đỉnh cao, giá trị vốn hóa của Credit Suisse lên tới gần 100 tỷ USD, với tổng tài sản trên 1 ngàn tỷ USD.
Tuy nhiên, giá trị vốn hóa của Credit Suisse vào phiên chốt cuối tuần trước chỉ còn lại 8 tỷ USD. Việc Credit Suisse suy yếu và sụp đổ được cho là vì ngân hàng này đã quá chậm trễ trong việc thay đổi sau khi đã “sống sót” qua khủng hoảng tài chính 2008, cũng như đã mắc nhiều sai lầm trong quản trị, dẫn đến xung đột nội bộ ở các cấp lãnh đạo cao nhất.
Vì thế, sự sụp đổ của ngân hàng lớn thứ 2 của Thụy Sỹ, một đất nước nổi tiếng cả thế kỷ nay nhờ hệ thống 243 ngân hàng cùng 24 chi nhánh ngân hàng quốc tế, là một cú đánh rất mạnh vào danh tiếng ngành tài chính-ngân hàng Thụy Sỹ. Sự sụp đổ này cho thấy, ngay cả với một quốc gia giàu có, thịnh vượng và ổn định hàng đầu thế giới như Thụy Sỹ, các rủi ro tài chính vẫn hiện diện.
Tuy nhiên, bỏ qua một bên những sai lầm mang tính chủ quan dẫn đến sự sụp đổ của Credit Suisse, một trong những vấn đề đang gây nhiều tranh cãi nhất hiện nay trong cách giải quyết khủng hoảng Credit Suisse là việc 17 tỷ USD trái phiếu AT1 (trái phiếu bổ sung hạng 1) của các nhà đầu tư toàn cầu vào Credit Suisse sẽ bị xóa sổ, đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư sẽ mất trắng số tiền 17 tỷ USD này.
Trong thỏa thuận UBS mua lại Credit Suisse, Cơ quan giám sát thị trường tài chính Thụy Sỹ (Finma) và SNB cho biết sẽ xóa các trái phiếu AT1, viện dẫn các quy định về việc ngăn ngừa nguy cơ khủng hoảng toàn cầu được thiết lập sau đợt khủng hoảng 2008, cũng như cho rằng AT1 là trái phiếu có lãi suất cao nên phải đi kèm với rủi ro cao và các nhà đầu tư phải chấp nhận rủi ro khi ngân hàng phá sản.
Tuy nhiên, hành động này của phía Thụy Sỹ khiến các nhà đầu tư tức giận và hoang mang bởi trước đó, Credit Suisse từng nhiều lần khẳng định rằng các trái chủ của trái phiếu AT1 sẽ chỉ bị mất hết vốn sau khi tất cả các cổ đông của ngân hàng này cũng chịu thiệt hại, trong khi theo các thông tin mới nhất, các cổ đông của Credit Suisse vẫn sẽ nhận được khoản đền bù khoảng 3,2 tỷ USD. Hiện nay các tranh cãi vẫn chưa chấm dứt và nhiều khả năng sẽ có rất nhiều vụ kiện diễn ra trong thời gian tới, mặc dù các tranh cãi hết sức phức tạp về mặt kỹ thuật trong ngành tài chính-ngân hàng thường kéo dài rất nhiều năm mà chưa chắc đã có phán xử cuối cùng.
Tuy nhiên, điều chắc chắn là các tác động của vụ việc xử lý quyền lợi của các bên trong vụ Credit Suisse sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ của Thụy Sỹ và sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính toàn cầu, trước mắt là thị trường trái phiếu AT1 vốn được ước tính có giá trị khoảng 275 tỷ USD.
Mối lo về một cuộc khủng hoảng tài chính?
Vụ việc Credit Suisse đã được xử lý tương đối nhanh chóng, quyết liệt, qua đó phần nào ngăn được nguy cơ lan truyền hoảng loạn trên thị trường tài chính châu Âu và toàn cầu. Tuy nhiên, các nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nghiêm trọng hơn 2008 vẫn hiện diện. Các vụ sụp đổ ngân hàng tại Mỹ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Ngoài 3 ngân hàng liên quan đến giới tiền số và công nghệ là Silvergate Bank, Silicon Valley Bank và Signature Bank thì 1 ngân hàng khác của Mỹ là First Republic Bank, ngân hàng chuyên hoạt động trong lĩnh vực quản lý tài sản có trụ sở tại California, cũng đang gặp khó khăn.
Có rất nhiều nguyên nhân, phân tích được nhiều chuyên gia kinh tế-tài chính đề cập trong đó về mặt vĩ mô, hầu hết các chuyên gia đều có chung một nhận định, rằng các ngân hàng đang phải trả giá cho một thập kỷ dễ dãi của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, nhất là từ khi Chủ tịch Jerôme Powell lên nắm quyền năm 2018, từ việc thả lỏng các quy định kiểm soát các ngân hàng cho đến việc bơm quá nhiều tiền mặt vào thị trường, nhất là sau giai đoạn Covid-19.
Do có quá nhiều tiền mặt nên nhiều ngân hàng đã chuyển số tiền này sang mua trái phiếu chính phủ Mỹ có lãi suất cao. Rắc rối xuất hiện trong năm 2022 khi FED liên tục tăng lãi suất, từ 0% lên 4,5% để kiềm chế lạm phát, khiến giá trị của số trái phiếu mà các ngân hàng nắm giữ sụt giảm, riêng trong năm 2022 đã sụt giảm trung bình 15%, tức các ngân hàng Mỹ đang nắm một khoản lỗ tiềm ẩn lên đến 620 tỷ USD vào cuối 2022.
Câu hỏi đặt ra bây giờ là không ai chắc FED có tiếp tục tăng lãi suất tiếp hay không, trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ chưa được đưa về tỷ lệ mục tiêu đặt ra, đồng thời bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn rất nhiều rủi ro vì căng thẳng địa chính trị leo thang.
Tin nổi bật
Tin Video