Đằng sau “câu chuyện” cổ phiếu bất động sản tăng điểm
(VOVTV) - Trong giai đoạn thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu hồi phục đi lên, hầu hết các nhóm cổ phiếu đều có được mức tăng tốt trong đó bao gồm cả các cổ phiếu bất động sản. Tuy nhiên, đà tăng của nhóm này được đánh giá là nhờ yếu tố đầu cơ của các thông tin hỗ trợ, và thường không duy trì được lâu.
Theo đó, nhóm BĐS vẫn chưa thực sự có nhiều động lực tăng trưởng do các vấn đề liên quan đến pháp lý, và nhà đầu tư dường như chỉ đang mua bán câu chuyện kỳ vọng vào ngành này.
Đằng sau "câu chuyện" tăng điểm của cổ phiếu bất động sản.
Cho đến kết phiên ngày 7/6, nhóm cổ phiếu BĐS có 70 mã tăng và 22 mã giảm, dòng tiền vẫn đang có xu hướng đổ vào các nhóm tài chính trong bối cảnh sự kỳ vọng về đà hồi phục của thị trường cao hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên nếu so với các ngành khác trong nhóm tài chính như Ngân hàng và chứng khoán. Đà tăng của cp BĐS thời gian gần đây vẫn chỉ được đánh giá ở mức trung bình và thường có xu hướng bị chốt lời ngay ở các phiên tiếp theo.
Ví dụ phải kể đến cổ phiếu NVL của nhóm BĐS. Trong khoảng thời gian từ tháng 4 cho đến đầu tháng 6, trong khi các cổ phiếu khác như STB của ngành ngân hàng và VND của ngành chứng khoán đều có được mức tăng tốt lần lượt là 12% và 23%, thì NVL chỉ có được mức tăng khiêm tốn là gần 7%.
Đặc biệt, dù có được những nhịp hồi phục tốt như vào ngày 11 và 12/4 khi mức tăng 1 phiên lên tới 6,77%, nhưng ngay sau đấy là liên tiếp dấu hiệu chốt lời diễn ra ở các phiên tiếp theo, trả lại toàn bộ đà tăng có được trước đó.
Các chuyên gia đánh giá nhịp tăng của nhóm cổ phiếu BĐS thời gian qua chủ yếu mang yếu tố đầu cơ nhờ một số thông tin hỗ trợ từ chính sách như Nghị định 08/2023, Nghị quyết 33 và quyết định giảm lãi suất điều hành, những thông tin này đã tạo đòn bẩy cho các cổ phiếu BĐS có nhịp sóng hồi tăng giá.
Nhưng trên thực tế, dòng tiền đổ vào nhóm BĐS trong lúc này thường thiếu cả lực lẫn sức bền và phần nhiều có được là do yếu tố tâm lý kỳ vọng ngắn hạn của các nhà đầu tư.
Điểm nghẽn lớn nhất hiện nay với thị trường BĐS vẫn là vấn đề pháp lý, các quy định chưa rõ ràng và thiếu nhất quán giữa các địa phương, khiến doanh nghiệp khó triển khai dự án, hoặc triển khai chậm dẫn đến tăng chi phí và rủi ro kinh doanh, từ đó khiến nguồn cung cho thị trường khan hiếm, cũng như đà tăng của các cổ phiếu ngành BĐS khó có thể được giữ vững./.
Tin nổi bật
Tin Video