Đàm phán hạt nhân gián tiếp Mỹ - Iran 'đi đúng hướng'
Cả Mỹ và Iran đều cho rằng các cuộc đàm phán hạt nhân gián tiếp giữa hai nước đang có những tiến triển tích cực, “mang tính xây dựng và đi đúng hướng”.
Hôm 6/4, Mỹ mô tả các cuộc đàm phán gián tiếp với Iran tại Vienna (Áo) là bước đi mang tính xây dựng và là tín hiệu tích cực, hướng tới việc cả hai bên nối lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Washington đã đơn phương chấm dứt dưới thời Tổng thống Donald Trump.
"Dù không gặp mặt trực tiếp, song những cuộc thảo luận ở Vienna với người Iran là một bước đi đáng hoan nghênh. Đó là bước đi mang tính xây dựng, hữu ích khi Iran đã sẵn sàng làm để trở lại tuân thủ các điều khoản đã cam kết...", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho hay.
Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán của Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araghchi, cho rằng các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của nước này với Mỹ ban đầu đang "đi đúng hướng".
"Còn quá sớm để nói rằng các cuộc đàm phán đã thành công", Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araghchi cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Press TV của Iran, nhắc lại yêu cầu của Iran rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ phải được dỡ bỏ.
Những thông tin tích cực về đàm phán giữa Washington và Tehran đến khi các đoàn đàm phán hai bên có mặt tại Vienna để thảo luận nhằm đưa Iran trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015, đồng thời tìm kiếm lộ trình dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo kế hoạch, phái đoàn hai nước sẽ tiếp tục làm việc vào ngày 9/4.
Đối với Mỹ, vấn đề cốt lõi trong đàm phán là Iran phải thu hẹp quy mô làm giàu uranium của mình xuống mức được nêu trong thỏa thuận hạt nhân 2015. Trong khi đó, Iran muốn Mỹ chấm dứt các lệnh trừng phạt do chính quyền Trump đưa ra sau khi rút khỏi hiệp định vào năm 2018. Tuy nhiên, hai bên đang có những mâu thuẫn, khác biệt về việc bên nào sẽ thực hiện bước đầu tiên.
Enrique Mora, điều phối viên châu Âu cho các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran, cho biết ông sẽ "tăng cường các cuộc tiếp xúc riêng biệt" với tất cả các bên liên quan.
Tin nổi bật
Tin Video