Đắk Lắk liên tiếp ghi nhận các trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn
(VOVTV) - Những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tiếp ghi nhận các trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn.
Điều này làm dấy lên nhiều lo ngại bởi liên cầu lợn là bệnh cực kỳ nguy hiểm, bệnh lây truyền trực tiếp từ lợn sang người do vi khuẩn Streptococcus Suis gây nên. Bệnh diễn biến nhanh chóng, người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh thậm chí có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Một bệnh nhân xin không nêu tên, ở xã Ea Knuêch, huyện Krông Pách, tỉnh Đắk Lắk đang điều trị bệnh liên cầu lợn tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, cách đây 10 ngày, gia đình người thân của ông mổ lợn để làm tiệc và ông đã ăn một ít tiết canh lợn. Chỉ sau khoảng 5 giờ đồng hồ, ông có biểu hiện sốt cao liên tục, đau đầu, ù tai… đi mua thuốc bên ngoài về uống nhưng bệnh không giảm.
Ngày 04/5, ông nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán sốt nhiễm trùng, theo dõi quai bị, viêm tai giữa trên nền đái tháo đường type 2. Đến ngày 06/5, kết quả xét nghiệm vi sinh cho thấy bệnh nhân dương tính với liên cầu khuẩn Streptocotus Suis và được chẩn đoán viêm màng não mủ do Streptocotus Suis.
Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trong tháng 4 vừa qua, Khoa cũng đã tiếp nhận điều trị bệnh liên cầu lợn cho một bệnh nhân khác ở xã Ea Đrăng, huyện Ea H’Leo. Trung bình hàng năm, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận từ 3 đến 5 bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn, 70% số này có ăn tiết canh lợn. Biểu hiện của người mắc liên cầu lợn thường sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hóa trước khi có biểu hiện của viêm màng não.
Cũng theo Bác sĩ Phạm Hồng Lâm, khi nhập viện, khoảng 60% bệnh nhân có biểu hiện viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết, sốt nhiễm trùng, dễ dẫn đến tử vong nếu điều trị muộn. Chi phí điều trị bệnh liên cầu lợn khá tốn kém, thời gian điều trị kéo dài, di chứng để lại thường nặng nề:
Bác sĩ Phạm Hồng Lâm nói: “Khuyến cáo người dân đề phòng hai con đường lây đó là đường ăn uống và tiếp xúc. Trước tiên quan trọng nhất là đường ăn uống, người dân không được ăn tiết canh động vật, đó là nguồn lây chính, ngoài liên cầu lợn thì còn có các bệnh nhiễm trùng, các bệnh xoắn khác rất nguy hiểm. Bệnh liên cầu lợn phải dùng kháng sinh dài ngày, kháng sinh đặc hiệu, ảnh hưởng đến sức khỏe, đến chức năng sống của người bệnh và về lâu về dài cũng có những biến chứng mà mình chưa lường được trước. Do vậy vấn đề chủ lực vẫn phải phát hiện sớm điều trị kịp thời thì mới tránh được tử vong"./.
Tin nổi bật
Tin Video