Tin tức

Đắk Lắk: Gia tăng tình trạng trẻ mắc bệnh tay chân miệng độ nặng

(VOVTV) - Trong 3 tháng qua, tại Đắk Lắk đã xuất hiện 250 trường hợp trẻ mắc tay chân miệng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Đáng lo ngại, đã có 1 trường hợp tử vong do bệnh này và nhiều trường hợp chuyển biến nặng.

Tác giả Nam Trang / VOV Tây Nguyên
06/04/2021 20:52

Đang chăm con gái 15 tháng tuổi bị bệnh tay chân miệng tại khoa Nhi Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, anh Nguyễn Văn Trang ở huyện Krông Pách, tỉnh Đắk Lắk cho biết,  khoảng 1 tuần trước, con của anh có biểu hiện sốt, nên gia đình đã đưa cháu đi khám tại phòng khám tư nhân. 

Tại đây, bác sĩ chẩn đoán cháu có dấu hiệu bị bệnh tay chân miệng và tư vấn gia đình nên cho cháu nhập viện để điều trị kịp thời. Sau 4 ngày điều trị tại Khoa Nhi Tổng hợp Bênh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, đến nay, tình trạng của cháu bé đã ổn định.

Cùng tâm trạng với anh Trang, anh Đỗ Trần Diệu ở Thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk cho biết, khi phát hiện cháu bị sốt, đau miệng và xuất hiện nhiều nốt phồng rộp, nổi bọng nước trên tay gia đình đi mua thuốc cho bé uống nhưng không thuyên giảm nên đã đưa cháu đi khám tại phòng khám tư. Khi biết con bị bệnh tay chân miệng, gia đình đã đưa cháu lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để điều trị và thực hiện các biện pháp khử khuẩn để phòng bệnh.

bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tay chân miệng.jpg

Bác sĩ khoa Nhi Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thăm khám cho bệnh nhân bị tay chân miệng

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 130 bệnh nhi mắc tay chân miệng và những ngày qua liên tục ghi nhận các trường hợp trẻ mắc tay chân miệng độ nặng. 

Bác sĩ Minh cho biết, bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh rất dễ lây. Trẻ em thường nhiễm virus gây bệnh tay chân miệng khi tiếp xúc trực tiếp dịch mũi, miệng, nước bọt, dịch từ các bọng nước và phân của người nhiễm bệnh hoặc từ những đồ vật nhiễm loại virus này như đồ chơi, mặt bàn, nắm cửa… 

Khi mắc bệnh, trẻ sẽ có các triệu chứng như loét, đau họng, phát ban, nổi bọng nước trên tay, bàn chân hoặc mông. Với các trường hợp nhẹ, bệnh có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh diễn biến nặng, không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến não và để lại một số biến chứng cho trẻ như viêm màng não do virus, viêm não.

Theo bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk. Trong 3 tháng đầu năm 2021 toàn tỉnh ghi nhận 250 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, Đắk Lắk đã ghi nhận 1 trường hợp trẻ tử vong do bệnh tay chân miệng tại phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột. 

Trước diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật đã tham mưu cho Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo cho các trường học thực hiện tốt công tác phòng tránh dịch trong trường học. 

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã phối hợp với các ban, ngành liên quan tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch tay chân miệng tại các trường học, qua đó chấn chỉnh, nhắc nhở các trường học lưu ý công tác phòng chống dịch.

Ý kiến của bạn