Tin tức

Đắk Lắk ban hành, bổ sung một số chính sách bảo tồn voi

(VOVTV) - Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 78/2012 về chính sách hỗ trợ voi nhà sinh sản và hạn chế xung đột voi với người, bổ sung chính sách phúc lợi cho voi.

Tác giả Hương Lý / VOV Tây Nguyên
13/12/2021 16:43

Theo nghị quyết vừa được sửa đổi, Đắk Lắk sẽ hỗ trợ 500.000 đồng/chủ voi cái/ngày và 600.000 đồng/chủ voi đực/ngày, trong thời gian 30 ngày cặp voi nhà kết đôi. Nếu voi cái mang thai, chủ voi tiếp tục được hỗ trợ 300.00 đồng/ngày trong 10 tháng đầu thai kỳ, 600.000 đồng/ngày từ tháng 11 thai kỳ đến tháng thứ sáu sau khi voi sinh con. 

Với nài voi cái, tỉnh hỗ trợ 200.000 đồng/ngày trong thời gian tối đa là 29 tháng (gồm thời gian voi cái thụ thai, sinh con và nuôi con nhỏ). Nài voi đực được hỗ trợ cùng mức, trong thời gian 30 ngày.

Đắk Lắk ban hành, bổ sung một số chính sách bảo tồn voi - Ảnh 2.

Đắk Lắk ban hành, bổ sung một số chính sách bảo tồn voi

Nhằm hạn chế xung đột giữa voi với người tại Đắk Lắk, những địa phương thường có voi hoang dã xuất hiện được thành lập các tổ bảo vệ, mỗi tổ không quá 10 thành viên để theo dõi, giám sát di chuyển của voi, tổ chức xua đuổi voi phá hoại. Mỗi tổ được hỗ trợ 20 triệu đồng và mỗi thành viên được hỗ trợ 5 triệu đồng/năm. Cùng với đó, Đắk Lắk dùng ngân sách tỉnh cùng với các nguồn tài trợ khác hỗ trợ chủ voi chuyển đổi hình thức du lịch từ cưỡi voi sang hình thức khai thác du lịch thân thiện với voi.

Đàn voi nhà của Đắk Lắk hiện còn 44 cá thể, gồm 19 đực và 25 cái, đã được gắn chíp điện tử từ năm 2017. Voi hoang dã, số lượng cá thể ổn định khoảng 5 đàn, gồm 80 - 100 cá thể. Hiện nay, do thu hẹp môi trường sống và các vấn đề khác, số lượng voi nhà và voi hoang dã bị sụt giảm, có nguy cơ biến mất trong 2 - 3 thập kỷ tới. Do đó, việc ban hành, bổ sung một số chính sách bảo tồn voi thời điểm hiện nay là cần thiết. 

Theo ông Y Si Thắt, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn tỉnh Đắk Lắk, để chính sách đi vào cuộc sống, cần có những giải pháp và đánh giá hiệu quả cụ thể trong từng giai đoạn, từ đó có điều chỉnh phù hợp: “Với một nguồn vốn lớn như vậy nhưng sau 5 năm, 10 năm, 20 năm kết quả đã được bảo tồn như thế nào kết quả nhân lên được bao nhiêu con vấn đề quan trọng là nằm ở đó cho nên chúng ta phải nghiên cứu như thế nào cho phù hợp. 

Nếu sau những mốc thời gian như trên mà không đạt được mục đích như mong muốn thì rất tốn ngồn nhân lực, vật lực của cả nước và quốc tế đang dành cho việc bảo tồn và phát triển voi”.

Ý kiến của bạn