Khám phá

Đại nội Huế - Địa điểm mang đậm dấu ấn lịch sử cố đô

(VOVTV) - Đến với Cố đô Huế, bạn nhất định sẽ phải đi thăm Đại nội. Công trình kiến trúc cổ kính này là kiến trúc Hoàng cung còn lại duy nhất ở Việt Nam, cho tới nay vẫn sừng sững trước biến động của thời gian, kể biết bao câu chuyện về một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước.

Tác giả Hương Giang
20/05/2022 17:57

Đại nội được xây dựng trong gần 30 năm, từ năm 1804 tới năm 1833 dưới các thời vua Gia Long và Minh Mạng. Nằm trong lòng Kinh thành Huế - vòng thành lớn nhất ở bên ngoài, Đại nội bao gồm Hoàng thành - nơi vua thiết triều và làm việc, và bên trong hoàng thành, hơi dịch về phía sau, là Tử cấm thành - nơi ăn ở sinh hoạt của Hoàng gia. Trong Hoàng Thành và Tử Cấm Thành, vào thời vàng son nhất có khoảng 100 công trình kiến trúc lớn nhỏ như cung điện, lầu gác, nhà cửa, miếu thờ, cầu, hồ ao..., được xây tường gạch cao quá đầu người để ngăn cách. Mỗi khu vực phục vụ một chức năng riêng.

Đại nội Huế - Địa điểm mang đậm dấu ấn lịch sử cố đô - Ảnh 1.

Cửa Ngọ Môn dẫn vào Đại nội Huế

Hoàng thành

Hoàng thành là trung tâm sinh hoạt chính trị và hành chính quan trọng nhất của triều đình nhà Nguyễn. Hoàng thành có diện tích 36ha, có hình gần như vuông, mỗi cạnh khoảng 600m. Mỗi mặt trổ một cửa để ra vào: Ngọ Môn (trước), Hoà Bính (sau), Hiển Nhơn (trái), Chương Đức (phải). Cửa chính Ngọ Môn chỉ dành cho vua đi.  

Các đại lễ lớn của triều đình đều diễn ra tại khu vực Hoàng thành, phía trước từ Ngọ Môn đến Điện Thái Hoà. Ngoài ra, hai bên phải trái của Điện Thái Hòa lần lượt từ trước đến sau gồm Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu và Điện Phụng Tiên là nơi thờ các vua chúa nhà Nguyễn. Phía sau các điện thờ này là cung Diên Thọ và Cung Trường Sanh, nơi ở của Hoàng Thái Hậu và Thái Hoàng Thái Hậu và Phủ nội vụ cùng Vườn Cơ Hạ và Điện Khâm Văn, là nơi các Hoàng tử học tập và chơi đùa, nơi vua nghe các đại thần uyên bác giảng giải kinh sách.

Ngọ Môn

Đại nội Huế - Địa điểm mang đậm dấu ấn lịch sử cố đô - Ảnh 2.

Cổng Ngọ Môn – Cửa chính của Hoàng thành Huế

Ngọ Môn là cổng chính của Hoàng Thành, công trình kiến trúc có giá trị cao nhất trong toàn bộ quần thể kiến trúc triều Nguyễn hiện còn tồn tại. Ngọ Môn quay mặt về hướng Nam, nằm trên trục chính thần đạo, cấu trúc tổng thể theo hình chữ U vuông góc, đáy nằm ở Hoàng Thành hai cánh vươn ra, cổng chính chia làm hai phần: nền đài và lầu Ngũ Phụng, trang trí họa tiết tinh tế.

Đại nội Huế - Địa điểm mang đậm dấu ấn lịch sử cố đô - Ảnh 3.

Chính diện từ Cổng Ngọ Môn

Điện Thái Hoà

Điện Thái Hòa là công trình kiến trúc quan trọng nhất trong Hoàng Cung triều Nguyễn. Là nơi diễn ra các đại lễ và các cuộc họp đại triều với sự tham gia của Vua, hoàng thân quốc thích và các đại thần. Tên Điện Thái Hòa lấy gốc từ Kinh Dịch. Chữ “Hòa” có nghĩa là hòa hợp, hài hòa, “Thái Hòa” là khí âm dương hội hợp mà dung hòa với nhau. Vua trị vì thiên hạ cần phải giữ cho được sự hòa hợp tốt đẹp giữa dương và âm, cương và nhu thì mới hữu ích cho vạn vật.

Đại nội Huế - Địa điểm mang đậm dấu ấn lịch sử cố đô - Ảnh 4.

Khung cảnh Điện Thái Hòa

Công trình kiến trúc này được khởi công xây dựng ngày 21/2/1805 và hoàn thành vào tháng 10/1805. Khi ấy Điện Thái Hòa nằm cách vị trí hiện nay khoảng 45m về phía Tây Bắc. Tháng 3 năm 1833 khi quy hoạch lại và hoàn chỉnh hệ thống kiến trúc ở Đại Nội, vua Minh Mạng đã cho dời Điện Thái Hòa về phía Nam, xây dựng đồ sộ, nguy nga hơn. Từ đó về sau ngôi điện này còn được tu bổ nhiều lần.

Điện Thái Hòa là cung điện rộng lớn, uy nghi, tráng lệ nhất trong hệ thống kiến trúc cung đình còn lại ở Huế.  

Cung Diên Thọ

Trong nhiều cung điện trong Hoàng thành Huế, Cung Diên Thọ là hệ thống kiến trúc cung điện quy mô nhất ở Huế còn lại cho đến ngày nay. Cung Diên Thọ nằm trong khu vực ăn ở của Hoàng Thái hậu (mẹ vua) và Thái Hoàng Thái hậu (bà nội vua) thuộc Hoàng Thành.

Cung Diên Thọ là một hệ thống kiến trúc cung điện quy mô nhất còn lại tại cố đô Huế. Cung Diên Thọ gồm hơn 10 tòa nhà được bố trí trong khuôn tường thành hình chữ nhật rộng khoảng 100m, dài 150m, cao quá đầu người. Hiện nay, Cung Diên Thọ chỉ còn một số công trình: Cung Diên Thọ, Điện Thọ Ninh, tạ Trường Du, am Phước Thọ và lầu Tịnh Minh.

Đại nội Huế - Địa điểm mang đậm dấu ấn lịch sử cố đô - Ảnh 5.

Nơi thư giãn của Hoàng Thái Hậu

Tử Cấm thành

Tử Cấm thành nằm hơi lui về phía sau của Hoàng thành... Khác với Hoàng thành có hào nước chạy quanh, Tử Cấm thành không có hào nước, tuy nhiên vẫn có tường thành xây bằng gạch, cao 3,72m, dày 0,72m. Mặt thành phía trước chỉ trổ một cửa duy nhất ở ngay chính giữa. Mặt sau có 3 cửa. Mặt trái trổ 4 cửa và mặt phải trổ 2 cửa. Đây là chốn cung cấm dành riêng cho vua và gia đình sinh hoạt. Trong thời cao điểm, tại đây có đến hàng chục cung điện huy hoàng tráng lệ và lầu son gác tía; hoàng gia đông đảo có đến hàng trăm thành viên.  

Đại nội Huế - Địa điểm mang đậm dấu ấn lịch sử cố đô - Ảnh 7.

Hình ảnh khách chụp tại Tử Cấm Thành

Không chỉ chiêm ngưỡng hết các công trình đồ sộ, kiến trúc nguy nga của Đại Nội Huế mà còn được đắm chìm trong không khí lễ hội Festival Huế hằng năm.

Nếu du khách đến Huế vào đúng mùa lễ hội sẽ được chiêm ngưỡng một khung cảnh đầy mới mẻ tại Đại Nội Huế. Festival Huế được tổ chức hàng năm vào mùa hè mang đến không khí sôi động và náo nhiệt, hoài niệm với nhiều màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, thu hút người dân bản địa cũng như đông đảo khách du lịch.

Đại nội Huế - Địa điểm mang đậm dấu ấn lịch sử cố đô - Ảnh 8.

Cùng thỏa thích ngắm nhìn những lễ hội diễn ra tại Đại nội Huế

Mùa hè năm nay, Festival Huế sẽ diễn ra từ 25/6 đến 30/6, với nhiều hoạt động nghệ thuật đặc sắc của Huế, các đoàn, nhóm nghệ thuật và ca sĩ độc lập có tính đặc thù, có chất lượng nghệ thuật cao ở các vùng văn hóa của Việt Nam và quốc tế, diễn ra trên những sân khấu chính ở Ngọ Môn, quảng trường Bia Quốc Học, Quốc Tử Giám, Cồn Dã Viên, công viên 3/2 và các tụ điểm biểu diễn trên các tuyến đi bộ ở trung tâm thành phố Huế.

Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, đồng hành, hưởng ứng, thể dục thể thao,... sẽ diễn ra liên tục trước, trong và sau thời gian Tuần lễ Festival bao gồm: Lễ hội ẩm thực “Kinh đô Huế với Bốn phương”, Lễ hội “Chợ quê ngày hội”, Lễ hội Khinh khí cầu, Ngày hội Áo dài Cộng đồng Huế, Chương trình hát nhạc Trịnh dành cho đối tượng không chuyên, Hội chợ thương mại Quốc tế, Chương trình Vietnam Summer Fair 2022, Giải đua thuyền SUP, Phố đêm Hoàng Thành, các cuộc hội thảo, trưng bày và triển lãm mỹ thuật,… sẽ mang đến những trải nghiệm độc đáo cho công chúng và du khách.

Festival Huế 2022 với nhiều nét đặc sắc, mới lạ hứa hẹn sẽ là nơi để du khách thưởng thức sự giao thoa sống động giữa truyền thống và hiện đại, trải nghiệm những sắc màu văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn, đắm mình trong không gian của một đô thị cổ kính, nhưng vẫn mang nét đẹp văn minh, nơi tụ hội tinh hoa văn hóa Việt Nam và Quốc tế.
Đại nội Huế - Địa điểm mang đậm dấu ấn lịch sử cố đô - Ảnh 10.

Đại nội Huế luôn là lựa chọn ưu tiên của khách du lịch mỗi khi tới Huế

Trải qua bao biến cố của lịch sử, công trình kiến trúc Đại nội Kinh thành Huế vẫn luôn sừng sững oai nghiêm, mãi là một di sanr quý báu của lịch sử triều Nguyễn để lại. Đến Huế, đừng quên “lạc vào” trong chốn cung đình xưa của Đại Nội Huế để có những trải nghiệm vô cùng thú vị nhé!

Các sự kiện trong Tuần lễ Festival với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” diễn ra từ 25/6 đến 30/6/2022

1. Chương trình Nghệ thuật Khai màn - 20h00 ngày 25/6/2022 tại Quảng trường Ngọ Môn

2. Lễ hội đường phố "Sắc màu văn hóa" - 16h30 từ ngày 26/6/2022 đến 29/6/2022

3. Chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế diễn ra hằng đêm từ 19h30 đến 21h30 các ngày từ 26/6/2022 đến 29/6/2022

4. Lễ hội bia - 17h30 ngày 26/6/2022

5. Chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn - 20h00 ngày 28/6/2022 tại sân khấu Ngọ Môn

6. Chương trình quảng diễn "Ngàn xưa âm vọng" ngày 28/6/2022

7. Chương trình "Hoàng cung giao hòa" ngày 29/6/2022 tại Đại Nội

8. Đêm nhạc giao lưu chia tay - 20h00 ngày 30/6/2022 tại Cồn Dã Viên


Ý kiến của bạn