Đại hội Thi đua yêu nước ngành Công Thương lần thứ III (2020 - 2025)
(VOVTV) - Ngày 29/9, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước ngành Công Thương lần thứ III (2020 - 2025) với sự tham dự của đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.
Phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực thi đua, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ
Phát biểu khai mạc Đại hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao những thành tựu của ngành Công Thương đạt được trong gần 70 năm qua và đặc biệt trong những năm gần đây. Trong đó có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước thường xuyên, liên tục trong toàn ngành.
Cụ thể, sản xuất công nghiệp được củng cố, tiếp tục giữ vững vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội cả nước. Bình quân giai đoạn 2016-2020, ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng 30% GDP và cũng là lĩnh vực có đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 duy trì với tốc độ cao, bình quân 8%/năm; cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng ngành khai khoáng, phù hợp với tái cơ cấu ngành.
Thương mại trong nước giữ vững vai trò là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 9%/năm, đóng góp 12 – 13% GDP, thu hút khoảng 12,1% tổng lao động toàn xã hội, hỗ trợ tích cực giải quyết việc làm, nâng thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống người dân, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, đòng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sự phát triển của cả nền kinh tế. Cung cầu, giá cả hàng hóa được giữ ổn định, kể cả trong giai đoạn cả nước gặp khó khăn do Covid-19.
Lực lượng quản lý thị trường được tổ chức theo mô hình ngành dọc, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, ngày càng nâng cao chất lượng, triển khai đồng bộ, kịp thời nhiệm vụ, thể hiện vai trò chủ công trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Giai đoạn 2016 - 2020, trung bình mỗi năm lực lượng Quản lý thị trường xử lý khoảng 90.000 vụ vi phạm pháp luật góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương đã được ký kết, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về kinh tế, thúc đẩy tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Đồng thời, giúp mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, đưa cán cân thương mại nghiêng về phía xuất siêu, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu thay đổi theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt 10,5%/năm; nhập khẩu được kiểm soát tốt, nhiều chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu bền vững giai đoạn 2011 – 2020 đã về đích trước kế hoạch.
Cũng trong giai đoạn qua, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét thông qua nhiều Luật có ý nghĩa quan trọng như Luật Quản lý ngoại thương, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Cạnh tranh sửa đổi, Luật Hóa chất, Pháp lệnh quản lý thị trường… Bộ Công Thương cũng đi đầu trong công tác tổ chức bộ máy, cán bộ và công tác cải cách hành chính.
Ngoài ra, công tác phòng vệ thương mại đã được triển khai đồng bộ, toàn diện và tích cực; Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào trong hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đã mang lại nhiều kết quả hết sức tích cực…
Để đạt được kết quả này, 5 năm qua, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã bám sát chức năng nhiệm vụ, kế hoạch công tác năm, triển khai chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động phối hợp với chuyên môn đẩy mạnh các phong trào thi đua trong như “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô”… Các nội dung thi đua được các cấp công đoàn ngành triển khai đăng ký thực hiện với nhiều hoạt động, hình thức thiết thực nhằm khơi dậy tính năng động, sáng tạo trong CNVCLĐ, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành Công Thương trong những năm qua.
Xác định thể chế là khâu đột phá quan trọng của ngành
Phát biểu tại Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những kết quả đã đạt được trong phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong 5 năm qua của ngành Công Thương; đồng thời, chúc mừng các đại biểu điển hình tiên tiến về dự Đại hội thi đua yêu nước - những bông hoa tươi thắm trong phong trào thi đua của ngành Công Thương.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, những thành tựu ngành Công Thương đạt được trong 5 năm qua, cùng với sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Chính phủ, tinh thần lao động hăng say của hàng vạn CBCNV còn là kết quả của các phong trào thi đua yêu nước được phát động thường xuyên, liên tục trong toàn ngành Công Thương. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên chức, người lao động ngành Công Thương không quản khó khăn gian khổ, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tiếp tục xây dựng nên những thành tựu mới trong phát triển ngành Công Thương nói riêng và trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung.
Theo Phó Thủ tướng, chúng ta đang ở trong một giai đoạn lịch sử đầy thử thách, khó khăn nhưng cũng nhiều thời cơ và thuận lợi mới. Tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.
Phó Thủ tướng yêu cầu, trong bối cảnh đó, ngành Công Thương cần có chiến lược và sách lược phù hợp để quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đảng, Quốc hội đã đề ra, trước mắt là “mục tiêu kép” - đẩy lùi dịch bệnh và không để đứt gãy các hoạt động kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch ở mức cao nhất.
Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ, trong thời gian tới, phong trào thi đua yêu nước của ngành Công Thương cần tập trung vào thực hiện nhiệm vụ to lớn mà Đảng và Nhà nước đã giao, cụ thể tập trung vào những nội dung sau:
Thứ nhất, xác định thể chế là khâu đột phá quan trọng của ngành, trong đó, đặc biệt lưu ý tới hoàn thiện hệ thống thể chế xử lý, ứng phó với các vấn đề về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và tác động đến các vấn đề về cạnh tranh, phòng vệ thương mại...
Thứ hai, tiếp tục tập trung tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, hiện đại, hội nhập và phát triển bền vững.
Thứ ba, tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đặc biệt là năng lực thực thi và hiện thực hóa các FTA để mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu.
Thứ tư, tập trung phát triển thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả khu vực thị trường gần 100 triệu dân với sự gia tăng cao của tầng lớp trung lưu, trong đó, cần đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thương mại và phát triển thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế từ thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ năm, về phong trào thi đua yêu nước, các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần tăng cường chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hướng công tác thi đua vào nhiệm vụ trọng tâm, đột phá...
Với những thành tích đã đạt được, tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Công Thương lần thứ III, Bộ Công Thương đã vinh dự nhận Cờ Thi đua của Chính phủ. 5 cá nhân, trong đó có trưởng đoàn và phó đoàn đàm phán CPTPP vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Bộ Công Thương cũng Trao Cờ thi đua của Bộ Công Thương cho 22 đơn vị thuộc Bộ./.