Đại học Oxford tiêm thử nghiệm vaccine HIV, nỗ lực chấm dứt 40 năm chờ đợi
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford, Anh đã tiêm những liều đầu tiên của vaccine HIV tiềm năng cho những người tham gia trong cuộc thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn 1 được bắt đầu triển khai ngày 4/7.
Theo kênh RT, Đại học Oxford cho biết thử nghiệm có tên là HIV-CORE 0052 nhằm đánh giá tính an toàn, khả năng dung nạp và khả năng sinh miễn dịch của vaccine HIVconsvX. Dự án là một phần của Sáng kiến Hỗ trợ Vaccine Châu Âu, do Ủy ban Châu Âu tài trợ.
HIVconsvX có thể nhắm mục tiêu vào một loạt các biến thể HIV-1 và có khả năng trở thành một loại vaccine phù hợp để sử dụng trên khắp thế giới.
Các nhà khoa học sẽ tiêm hai liều vaccine cách nhau 4 tuần cho 13 người trưởng thành khỏe mạnh, âm tính với HIV, trong độ tuổi từ 18 đến 65, những người không được coi là có nguy cơ lây nhiễm.
Bước đột phá lớn về vaccine HIV đã đạt được khi các nhà khoa học tái cấu trúc các tế bào miễn dịch để hướng tới khả năng chữa khỏi.
Tomas Hanke, nhà nghiên cứu chính của thử nghiệm và là Giáo sư về Miễn dịch học vaccine tại Viện Jenner thuộc Đại học Oxford, cho biết: “Một loại vaccine HIV hiệu quả vẫn chưa đạt được trong 40 năm qua. Đây là thử nghiệm đầu tiên trong một loạt các đánh giá về chiến lược vaccine mới này ở cả những người âm tính với HIV để dự phòng và những người đang sống chung với HIV để được chữa khỏi.”
Giải pháp mà trường Oxford phát triển hoạt động dựa trên cơ chế kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể thông qua tế bào T tiêu diệt các mầm bệnh cụ thể, không giống như hầu hết các ứng cử viên vaccine HIV khác - tạo ra các kháng thể do tế bào B tạo ra để chống lại virus.
HIV tấn công hệ thống miễn dịch của cơ thể và có thể phát triển thành bệnh AIDS đe dọa tính mạng nếu không được điều trị.
Năm 2014, Liên Hợp Quốc đã công bố mục tiêu giảm số người mới nhiễm HIV xuống 500.000 người vào năm 2020. Tuy nhiên, năm ngoái đã có khoảng 1,5 triệu ca nhiễm HIV mới.
Nhóm nghiên cứu của Oxford dự kiến sẽ báo cáo kết quả vào tháng 4 năm sau. Họ cũng có kế hoạch bắt đầu các thử nghiệm tương tự ở châu Âu, châu Phi và Mỹ.
Tin nổi bật
Tin Video