Đại gia đình 11 người mắc COVID-19 đều khỏi bệnh
(VOVTV) - Trong số hơn 8.000 bệnh nhân từ nhẹ đến nặng được điều trị khỏi, cho xuất viện ở Bệnh viện Dã chiến số 3 (Thủ Đức, TP.HCM) có một đại gia đình 11 thành viên. Trong đó có nhiều người triền miên thở máy, nhưng cuối cùng đều thoát khỏi hiểm nguy ngoạn mục.
Những đêm cấp cứu mãi không quên
Trước khoảng khắc TP.HCM chuẩn bị nới lỏng giãn cách, nhiều y bác sĩ ở Bệnh viện Dã chiến số 3 tràn ngập niềm tin, cho biết: Gần 3 tháng xuyên ngày đêm giành giật sự sống cho người bệnh COVID-19 với bao thăng trầm đáng nhớ. Có bệnh nhân bác sĩ cận kề chăm sóc lâu quá như hóa thành thân quen.
BS Bùi Thị Kim Kha và Trường An chung dòng xúc cảm: Có những đêm trực ở đây bác sĩ cũng phải làm tất cả mọi việc. Từ động viên, điều trị đến dìu đỡ người bệnh. Có hôm hết ca trực, đôi tay ai cũng như yếu ớt hơn, phải gồng hết sức mình để hỗ trợ bệnh nhân khi họ cần. Có bệnh nhân bị nặng, lâu ngày gần như nằm một chỗ. Có người tỉnh lại hay bứt rứt. Nhân viên y tế cùng các tỉnh nguyện viên phải vỗ về họ vào giấc ngủ, tỉnh dậy thì đấm bóp khắp người. Cuộc chạy đua với sự chuyển biến của căn bệnh này luôn khốc liệt.
Bệnh viện Dã chiến số 3 đặc biệt hơn các bệnh viện dã chiến khác vì được điều trị cả bệnh nhân nặng. Trong tổng số hơn 2.500 giường thì có đến 200 giường hồi sức. Vậy nên, từ đây nhiều F0 đến bên “cửa tử” đã được các thầy thuốc giành giật trở về với cuộc sống bình thường.
Trong số những sự hồi sinh ngọn mục, đáng nhớ nhất là đại gia đình bà Nguyễn Thị Gi (Quận 5). Gia đình bà có 11 người mắc, khi vào viện bản thân bà Gi chuyển biến nặng nhất. Các đêm trong phòng cấp cứu bà cùng các bệnh nhân khác luôn được các y bác sĩ không dời mắt theo dõi nhịp thở, nhịp sinh tồn.
Trở về trong hạnh phúc
Túc trực cấp cứu gần 3 tháng trời ở bệnh viện, BSCKI Lý Quốc Công, Trưởng Khoa Lâm sàng cho biết: Tôi thấy tóc mình như trắng thêm, da sạm đi. Con COVID-19 này nó rất lợi hại, mình phải "thần tốc" nhanh mới chặn được nó. Nhưng bù lại là niềm hạnh phúc vô giá khi thấy mỗi ngày từng đoàn bệnh nhân được cầm giấy xuất viện về nhà.
Cũng theo BSCKI. Lý Quốc Công, gia đình bà Gi khi 11 thành viên được đưa vào thì 3 ca thở máy HFNC và 2 ca thở oxy mask. Cũng như các bệnh nhân khác bị ảnh hưởng tuổi tác, bệnh nền nên bà Gi chuyển biến xấu, khó lường, các thầy thuốc phải xuyên ngày đêm kết hợp linh hoạt nhiều biện pháp để cứu chữa.
Vì bệnh tình quá nặng nên đúng một tháng rưỡi điều trị tích cực, ngày 29/9 bà Gi mới được xuất viện. BS Lê Đức Thành Nhân trực tiếp tham gia chữa trị cho bà Gi chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ rất rõ bệnh nhân Gi gần 80 tuổi. Nhiều tuần liền bà nằm trong danh sách những bệnh nhân cần được theo dõi sát tại phòng cấp cứu. Lúc ấy cụ đang thở oxy dòng cao qua mũi (HFNC). Giai đoạn đó theo các chuyên gia nhận định là rất quan trọng vì sau giai đoạn này là hai con đường rất khác, một bên là tương lai tươi sáng, một lại là “cửa tử”.
Để một bệnh nhân COVID-19 mức độ nguy kịch vượt qua cơn đại nạn thì ngoài sự chăm sóc y tế tận tình, chuyên nghiệp thì ý chí sống và tinh thần kiên cường, mạnh mẽ của bệnh nhân cũng là một yếu tố quan trọng. Các thành viên khác trong gia đình bà Gi sau nhiều tuần đều khỏe mạnh dần và xuất viện, chỉ còn lại mình bà là người cuối cùng. Có thể cùng với sự túc trực tận tình của y bác sĩ còn có ý chí muốn được về với con cháu là động lực giúp bà vượt lên.
“Dù công tác tuyến đầu vô cùng gian nan, vất vả nhưng khi nhìn thấy các bệnh nhân từng nguy kịch như bà Gi được xuất viện, tinh thần của chúng tôi lại được khích lệ, vững vàng trở lại chiến đấu chờ ngày cuộc sống bình yên, không còn bệnh nhân COVID-19”, bác sĩ Nhân chia sẻ.
Tin nổi bật
Tin Video