Tin tức

Đại biểu Quốc hội: Nghệ sĩ vi phạm, dính bê bối cần bị cấm hoạt động có thời hạn

“Nghệ sĩ vi phạm pháp luật, vướng ồn ào về đời tư cần bị cấm hoạt động một thời gian để họ hiểu hơn về trách nhiệm của mình đối với xã hội” - ĐBQH Bùi Hoài Sơn nói.

08/10/2021 14:22

Gần đây, các nghệ sĩ Việt liên tục vướng phải những ồn ào không đáng có. Có người bị thôi chức Phó Hiệu trưởng tại một trường nghệ thuật vì phát ngôn không chuẩn mực trên mạng xã hội, có người gặp scandal về đời tư và rất nhiều người vướng nghi vấn không minh bạch khi làm từ thiện… 

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - chia sẻ với VTC News về vấn đề này.

- Thời gian gần đây, các nghệ sĩ nổi tiếng của showbiz Việt liên tiếp vướng phải điều tiếng không hay. Có người trong giới đã phải thốt lên: "Chưa bao giờ hình ảnh của nghệ sĩ lại xấu trong mắt công chúng như hiện nay". Ông nghĩ gì về thực trạng này?

Chúng ta phải phân tích vấn đề này trên hai khía cạnh: Sự phát triển của truyền thông, đặc biệt là các phương tiện truyền thông mới và các hoạt động của các nghệ sĩ. Trong xã hội ngày nay, các phương tiện truyền thông mới ra đời và phát triển ngày càng mạnh. Mọi người có cơ hội, có điều kiện để thể hiện ý kiến của mình một cách rộng rãi, trực tiếp và thẳng thắn.

Các nghiên cứu về truyền thông cho thấy, các phương tiện truyền thông mới không tạo ra các nhóm xã hội mới, nhưng chúng giúp củng cố những nhóm xã hội thiểu số, giúp họ nói lên tiếng nói của mình mà trước kia, với các phương tiện truyền thông truyền thống có sự kiểm duyệt rõ ràng, họ khó có cơ hội bày tỏ quan điểm. Những thông tin trái chiều trước kia có thể vẫn tồn tại trong xã hội nhưng ít có cơ hội, khả năng được đưa ra rộng rãi thì nay được thảo luận một cách công khai.

Trong khi các phương tiện truyền thông mới phát triển ồ ạt thì cách ứng xử của những người sử dụng nó lại chưa bị được điều tiết, quản lý. Bên cạnh những người có cách hành xử đúng đắn, cũng có nhiều người cho rằng đây là môi trường mang yếu tố cá nhân, thậm chí là ảo, có thể nói thoải mái những gì mình nghĩ mà không cần chịu trách nhiệm.

Với môi trường mạng, các thông tin xấu độc đó thường quyến rũ, hấp dẫn công chúng nhiều hơn. Người ta thích thú khi bàn tán về những thông tin xấu, thậm chí là say mê với chúng. Vậy nên chúng ta thấy rất nhiều thông tin tiêu cực xuất hiện ồn ào trên mạng, không chỉ riêng giới nghệ sĩ.

Bên cạnh đó, cũng không thể phủ nhận, có một số bộ phận nghệ sĩ quên đi trách nhiệm, vai trò của mình. Nhiều người vướng bê bối đời tư, có người vướng lùm xùm tình ái, có những người làm từ thiện nhưng chưa minh bạch các thông tin, hoạt động. Điều này khiến cho hình ảnh một bộ phận nghệ sĩ trở nên không còn đẹp trong mắt công chúng.

Đại biểu Quốc hội: Nghệ sĩ vi phạm, dính bê bối cần bị cấm hoạt động có thời hạn - Ảnh 1.

NSƯT Đức Hải bị thôi chức Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn vì những phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội

- Từ trước tới nay, các nghệ sĩ vẫn làm từ thiện. Vậy theo ông, tại sao trong thời gian gần đây, chuyện từ thiện của nghệ sĩ lại được nhắc đến và thắc mắc nhiều đến thế?

Tôi nghĩ trong thời gian gần đây, các nghệ sĩ làm từ thiện nhiều hơn trước kia. Đa phần họ làm do lòng tốt và mong muốn hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên cũng có một số rất ít nghệ sĩ không làm được như thế hoặc có những hành động khiến một số người thắc mắc. 

Với sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông mới, những thắc mắc này, dù chưa được kiểm chứng đúng sai, vẫn được truyền đi rất nhanh, khiến nhiều người đặt dấu hỏi về việc thiện nguyện của các nghệ sĩ, về cách ứng xử của họ cũng như về vai trò của nghệ sĩ trong bối cảnh xã hội hiện nay.

Đại biểu Quốc hội: Nghệ sĩ vi phạm, dính bê bối cần bị cấm hoạt động có thời hạn - Ảnh 2.

ĐBQH Bùi Hoài Sơn

Công chúng đòi hỏi sao kê không chỉ đơn thuần là họ muốn nghệ sĩ minh bạch trong việc làm từ thiện, mà hơn cả, đó là dấu hiệu cho thấy, niềm tin của công chúng vào một nghệ sĩ nào đó đang lung lay.

Công chúng đòi hỏi sao kê không chỉ đơn thuần là muốn các nghệ sĩ minh bạch trong việc làm từ thiện, mà hơn cả, đó là dấu hiệu cho thấy, niềm tin của công chúng vào một số nghệ sĩ nào đó đang lung lay.

ĐBQH Bùi Hoài Sơn

Vì thế, vấn đề của nghệ sĩ ở đây không chỉ là cung cấp sao kê một cách đầy đủ để chứng minh sự minh bạch của bản thân trong hoạt động từ thiện mà hơn thế, họ phải ý thức rằng, hình ảnh của mình trong công chúng đang bị có vết mờ.

Họ phải sớm có sự thay đổi để lấy lại tình yêu và niềm tin của công chúng. Nếu không, rất có thể họ sẽ phải nhận những hậu quả không mong muốn.

- Bên cạnh câu chuyện làm từ thiện, cũng có nhiều nghệ sĩ bị "bóc phốt" về đời tư, về những phát ngôn thiếu chuẩn mực. Ông nghĩ sao về hiện tượng này?

Về mặt luật pháp, nghệ sĩ là công dân nên họ có quyền bảo mật những thông tin về đời tư của mình. Mọi người khác trong xã hội phải tôn trọng. Tuy nhiên, mong muốn, nhu cầu biết về đời tư của nghệ sĩ rất lớn. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà trên thế giới cũng thế.

Được khán giả quan tâm - đó là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm của nghệ sĩ. Họ phải giữ gìn hình ảnh, uy tín của mình, không chỉ trên sân khấu mà còn cả ở cuộc sống đời thường, để có ý thức hơn trong từng lời nói, từng hành động, thậm chí từng bài chia sẻ trên mạng xã hội.

Hơn nữa, chúng ta cũng cần phải làm rõ có những câu chuyện tuy là đời tư của nghệ sĩ nhưng vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục, xâm phạm tới lợi ich của người khác, ảnh hưởng tới xã hội, hoặc thậm chí là vi phạm pháp luật thì công chúng có quyền được chú ý, được săm soi, được lên án và được quyền yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc. Và khi đó, người nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình.

Chẳng hạn như với trường hợp ca sĩ Jack. Rõ ràng, việc có con với ai là câu chuyện riêng tư của anh ta. Tuy nhiên việc anh ta là một người cha nhưng lại thiếu trách nhiệm với con thì chúng ta cần phải lên án.

Đại biểu Quốc hội: Nghệ sĩ vi phạm, dính bê bối cần bị cấm hoạt động có thời hạn - Ảnh 4.

Vướng ồn ào đời tư nhưng Jack vẫn có mặt trên truyền hình

- Khi bị "bóc phốt", một số nghệ sĩ đã chọn cách khởi kiện. Ông đánh giá thế nào về hành động này?

Tôi nghĩ không chỉ nghệ sĩ mà bất cứ ai, nếu thấy người nào đó đưa thông tin không đúng về mình thì có quyền tìm tới pháp luật để được bảo vệ.

Chúng ta đang sống trong xã hội thượng tôn pháp luật. Trong xã hội đó, bất kỳ điều gì không được xử lý trên tinh thần của pháp luật, né tránh pháp luật đều tạo ra sự nghi ngờ. Thế nên, tôi nghĩ nếu các nghệ sĩ cho rằng mình bị vu khống thì nên chủ động đưa ra pháp luật, đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.

- Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đi kiện là việc làm thiếu khôn ngoan của nghệ sĩ vì cho dù thắng kiện, họ vẫn có thể mắc phải một số sai lầm nào đó, mà công chúng luôn thích xoáy vào sai lầm nhiều hơn. Điều đó khiến cho hình ảnh của nghệ sĩ bị ảnh hưởng.

Không chỉ nghệ sĩ, mà bất cứ người bình thường nào cũng có lúc làm tốt, lúc làm chưa tốt, thậm chí làm sai. Nhưng việc gì ra việc đó. Công chúng và xã hội đều hiểu nghệ sĩ họ điểm mạnh, điểm yếu nào. Quan trọng nhất, nghệ sĩ cần cho công chúng thấy sự minh bạch, sự cầu thị của bản thân.

Đại biểu Quốc hội: Nghệ sĩ vi phạm, dính bê bối cần bị cấm hoạt động có thời hạn - Ảnh 5.

Đàm Vĩnh Hưng là một trong những nghệ sĩ khởi kiện người tung thông tin thất thiệt về mình trên mạng xã hội

- Trong bối cảnh các nghệ sĩ liên tiếp vướng ồn ào, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra Bộ Quy tắc ứng xử đối với nghệ sĩ. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Trước hết, chúng ta cần phải làm rõ, Bộ Quy tắc ứng xử của các nghệ sĩ mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang soạn thảo không phải là luật. Nó giống như một bộ khung để các nghệ sĩ nhìn vào đó có thể hiểu cái gì nên làm và không nên làm, cái gì được phép và không được phép để từ đó định hướng, thay đổi hành vi của mình.

Bộ Quy tắc ứng xử cũng cũng giúp các cơ quan quản lý có thêm phương án nữa để tăng cường tính chế tài cho các nghị định xử phạt đối với nghệ sĩ.

Cơ quan quản lý đưa ra các bộ quy tắc ứng xử, các nghị định không phải với mục đích xử phạt mà để các nghệ sĩ có nhận thức đúng, tránh những hành vi lệch lạc cũng như vi phạm pháp luật, qua đó xây dựng được môi trường nghệ thuật lành mạnh để nghệ sĩ có thể cho ra đời các tác phẩm truyền cảm hứng cho xã hội.

- Trung Quốc đang có những biện pháp rất mạnh tay để chấn chỉnh lại showbiz; các nghệ sĩ vi phạm pháp luật hay đạo đức đều có thể bị cấm sóng. Theo ông, chúng ta có nên áp dụng phương pháp này?

Tôi nghĩ, mỗi đất nước cần có cách xử lý riêng sao cho phù hợp nhất. Việc "phong sát" có thể phù hợp với văn hóa Trung Quốc nhưng với chúng ta thì không.

Tôi nghĩ giải pháp phù hợp với văn hóa Việt Nam quy định tạm dừng biểu diễn một thời gian đối với những nghệ sĩ vi phạm pháp luật, vướng ồn ào về đời tư. Việc làm này giúp các nghệ sĩ có cơ hội hiểu hơn về trách nhiệm của họ đối với xã hội cũng như đạo đức nghề nghiệp.

Nếu trong thời gian đó, họ cầu thị và có những thay đổi tích cực, chúng ta nên có cơ chế để tạo điều kiện để họ quay trở lại, cống hiến nhiều hơn cho nghệ thuật, cho công chúng vì họ là người có tài. Chúng ta cố gắng để tài năng của họ được phát triển, phục vụ xã hội. Điều này cũng phù hợp với truyền thống "đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người trở lại" của dân tộc Việt Nam.

Ý kiến của bạn