Đại biện lâm thời Đại sứ quán Indonesia: Tết là truyền thống rất đẹp của người Việt Nam
(VOVTV) - Đón Tết Tân Sửu tại Việt Nam, bà Mariati Lita Saadia Pratama, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam rất vui và phần nào cảm thấy thân thuộc. Với bà, Tết là một truyền thống rất đẹp và ý nghĩa của người Việt Nam, cũng như ngày lễ Eid của người Hồi giáo.
PV: Thưa bà, một năm cũ đã qua đi với nhiều sự kiện đáng nhớ. Đối với bà, năm 2020 để lại những dấu ấn như thế nào đối với thế giới cũng như trong mối quan hệ Việt Nam - Indonesia?
Bà Mariati Lita Saadia Pratama, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam: Tôi tin rằng năm 2020 là năm đáng ngạc nhiên đối với tất cả chúng ta khi phải đối mặt với đại dịch toàn cầu COVID-19, tác động đến nhiều khía cạnh của cuộc sống và xã hội. Bên cạnh tác động tiêu cực, COVID-19 cũng buộc chúng ta phải thích nghi và tìm ra những cách thức sáng tạo hơn trong việc quản lý cuộc sống của mình.
Chúng ta đã thích ứng và tận dụng các tiến bộ công nghệ trong những thời điểm như thế này. Chưa bao giờ chúng ta thấy các hình thức trực tuyến được sử dụng nhiều như bây giờ. Chưa bao giờ chúng ta thấy các nhà lãnh đạo thế giới dùng nền tảng trực tuyến để tổ chức các hội nghị cấp khu vực hoặc đa phương nhiều như hiện nay. Khi Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN, tôi thấy Việt Nam đã rất nỗ lực để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ và đảm bảo rằng tất cả các thành viên của ASEAN đều đoàn kết để ứng phó với những thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra.
Ngoài ra, tôi rất ấn tượng về cách tiếp cận của Việt Nam trong việc xử lý đại dịch. Tôi nhớ rằng đất nước các bạn đã phản ứng nhanh khi các trường hợp COVID-19 đầu tiên xuất hiện. Ngay từ tháng 1, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực hết sức để đảm bảo rằng đại dịch có thể được kiểm soát một cách hiệu quả. Mọi người được yêu cầu đeo khẩu trang khi ra ngoài và rửa tay thường xuyên. Tôi thấy rằng hầu hết mọi người đều chấp hành kỷ luật, tuân theo mọi chỉ đạo của chính phủ, đặc biệt là về các biện pháp về y tế, sức khỏe cộng đồng.
Phản ứng nhanh chóng và toàn diện của chính phủ Việt Nam cũng như tính kỷ luật của người dân đã góp phần vào thành công của đất nước trong việc quản lý đại dịch trong năm 2020. Trong khi các nước khác trên thế giới vẫn đang áp dụng biện pháp phong tỏa một phần hoặc thậm chí toàn bộ thì ở Việt Nam, trong năm 2020, người dân có thể tận hưởng một cuộc sống tương đối bình thường và thậm chí tổ chức các sự kiện lớn, ví dụ như kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao của Indonesia và Việt Nam.
Đại sứ quán Indonesia tại Hà Nội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Đêm hữu nghị Indonesia - Việt Nam tại Nhà hát Lớn Hà Nội với khoảng 500 khán giả. Điều này khiến tôi càng tự tin khẳng định Việt Nam đã làm rất tốt trong việc quản lý đại dịch COVID-19.
PV: Kết thúc năm 2020, có thể nói phần lớn các quốc gia trong đó có Việt Nam và Indonesia đã rất nỗ lực trong việc phòng chống dịch. Tuy nhiên, những thách thức lớn vẫn còn. Theo bà, năm 2021 sẽ đòi hỏi điều gì ở các quốc gia?
Bà Mariati Lita Saadia Pratama: Theo tôi, COVID-19 sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức lớn đối với thế giới và đối với Việt Nam. Chúng ta đều biết rằng đại dịch sẽ còn tồn tại trong một thời gian dài. Tác động tiêu cực của đại dịch này khiến cuộc sống bình thường, những điều chúng ta thường cho là điều đương nhiên, thay đổi.
Chúng ta không thể dễ dàng kết luận dịch COVID-19 khi nào sẽ kết thúc và khi nào thì cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, tôi tin rằng, chúng ta rồi sẽ chiến thắng dịch bệnh. Một số quốc gia đã bắt đầu chương trình tiêm chủng. Ví dụ, Indonesia đã bắt đầu chương trình tiêm chủng quốc gia vào ngày 13 tháng 1 năm 2021. Dự kiến, chúng tôi sẽ tiến hành việc tiêm chủng cho 70% người dân Indonesia trong 12 hoặc 15 tháng tới.
Ngoài ra, trong thời gian đầy thử thách này, chúng ta không thể không hợp tác nhau. Chúng ta phải chung tay và phối hợp để chống lại đại dịch này cũng như xây dựng một kế hoạch phục hồi sau đại dịch để ngăn chặn những suy giảm kinh tế xã hội tiềm ẩn.
Tôi tin rằng, trong năm nay, Indonesia và Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ khu vực để thúc đẩy nỗ lực chống lại đại dịch COVID-19, chẳng hạn như thông qua việc thành lập Trung tâm ASEAN đáp ứng các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và bệnh truyền nhiễm mới nổi (ACPHEED).
PV: Vào thời điểm này, người Việt Nam đang đón Tết Nguyên đán, một dịp lễ quan trọng để đoàn tụ gia đình và cầu mong những điều may mắn. Sống và làm việc xa quê hương, hẳn là cái Tết của Việt Nam cũng gợi lên trong bà nhiều cảm xúc?
Bà Mariati Lita Saadia Pratama: Chúng tôi biết rằng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là thời gian hạnh phúc nhất trong năm của người Việt Nam, đó là lúc người dân khắp mọi miền đất nước đều về quê, dành thời gian quý giá này bên gia đình và bạn bè thân thiết. Phong tục này rất giống với ngày lễ Eid của người Hồi giáo chúng tôi, đó cũng là dịp lễ quan trọng và chúng tôi cũng sẽ dành thời gian để quây quần bên gia đình của mình, cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến với bản thân, gia đình, bạn bè và cả cho đất nước.
Đối với Tết Việt Nam, tôi rất thích ngắm nhìn các món đồ người dân Việt Nam dùng để trang trí nhà của chuẩn bị đón Tết, chúng rất đẹp và nhiều màu sắc, gợi lên không khí rộn ràng. Tôi cũng nóng lòng muốn xem pháo hoa trong dịp Tết. Tôi nhận thấy, đối với người Việt Nam, Tết được xem là dịp khởi đầu mới mẻ và mọi hoạt động truyền thống chuẩn bị trước khi đón Tết Nguyên đán đều nhằm thu hút nhiều may mắn và tài lộc trong năm sắp tới.
Tết là một truyền thống rất đẹp và ý nghĩa của người Việt Nam. Xin gửi đến các bạn lời chúc một năm mới hạnh phúc, nhiều yêu thương, niềm vui và bình an. Chúc mừng năm mới!
PV: Xin cảm ơn những lời chúc của bà và nhân dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, xin chúc bà sức khỏe dồi dào cùng nhiều may mắn và thành công!
Tin nổi bật
Tin Video