Đặc khu kinh tế Thâm Quyến phát triển thần tốc trong 40 năm qua
VOV.VN - Ngày 14/10, phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Đặc khu kinh tế Thâm Quyến, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định thực tiễn thành công của Đặc khu kinh tế Thâm Quyến.
Trong bài phát biểu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điểm lại chặng đường phát triển thần tốc trong 40 năm qua của Đặc khu kinh tế Thâm Quyến, từ GDP chỉ đạt 270 triệu nhân dân tệ (khoảng 40 triệu USD) năm 1980 đã tăng lên 2.700 tỷ nhân dân tệ (khoảng 400 tỷ USD) vào năm 2019, với tốc độ tăng trưởng trung bình 20,7%/năm, tổng lượng kinh tế đứng thứ 5 trong danh sách các thành phố tốp đầu của châu Á, thu nhập trung bình của người dân Thâm Quyến năm 2019 đạt 62.500 nhân dân tệ (khoảng gần 10.000 USD/năm) tăng 31,6 lần so với thu nhập năm 1985.
Trong 40 năm qua, Thâm Quyến kiên định thực hiện song song hai chính sách “thu hút vào” và “đi ra ngoài”, tích cực tận dụng hai thị trường, hai nguồn tài nguyên trong nước và quốc tế. Từ kim ngạch ngoại thương năm 1980 chỉ đạt 180 triệu USD, đã tăng lên 431,5 tỷ USD năm 2019, tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi năm đạt 26,1%.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: “Thực tiễn thành công của Đặc khu kinh tế Thâm Quyến cho thấy, chính sách chiến lược của Trung ương Đảng về phát triển Đặc khu kinh tế là hoàn toàn đúng đắn. Đặc khu kinh tế không những cần phải tiếp tục làm mà cần phải làm tốt hơn nữa, nâng cao trình độ hơn nữa”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, nhằm thích nghi với bối cảnh mới, tháng 8/2019, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện đã công bố toàn văn Ý kiến về việc ủng hộ xây dựng thành phố Thâm Quyến thành Khu kiểu mẫu đi đầu của Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, Thâm Quyến sẽ được ưu tiên hỗ trợ và thí điểm về chính sách, nhân lực vật lực để đi đầu trong việc thiết lập hệ thống kinh tế hiện đại hóa, đáp ứng các yêu cầu phát triển chất lượng cao, tập trung vào các ngành dịch vụ hiện đại và công nghệ cao.
Đây vừa là vinh dự vừa là sứ mệnh lịch sử mà Trung ương Đảng giao cho Thâm Quyến. Thời gian tới Thâm Quyến cần tiếp tục kiên trì quan điểm phát triển mới, kiên trì cải cách mở cửa cũng như không ngừng đổi mới sáng tạo, là đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, cũng như là điểm sáng để nhiều địa phương khác học tập.
Tháng 4/1979, Đặng Tiểu Bình lần đầu tiên đề cập yêu cầu thành lập “Đặc khu xuất khẩu”, sau đó đến tháng 3/1980 đổi từ “Đặc khu xuất khẩu” sang “Đặc khu kinh tế” và Thâm Quyến được chọn là nơi để thử nghiệm. Đặc khu kinh tế là nơi được ưu tiên về chính sách thuế, môi trường đầu tư cũng như thu hút kỹ thuật, chính sách quản lý hiện đại.
Mô hình đặc khu kinh tế được coi là dấu mốc phát triển mới của Trung Quốc trong việc đẩy mạnh thực hiện chính sách cải cách mở cửa của nước này. Hiện Trung Quốc có 07 đặc khu kinh tế bao gồm: Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu, Hạ Môn, Hải Nam, Horgos, Kashgar và 18 khu thí điểm thương mại tự do FTA./.