Tin tức

Đa số thành viên Chính phủ đồng tình nâng thời hạn thị thực điện tử lên 3 tháng

Đa số thành viên Chính phủ thống nhất nâng thời hạn thị thực điện tử (E-visa) từ không quá 30 ngày lên không quá 03 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.

30/03/2023 14:33

Sáng 27/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng phát luật tháng 3/2023.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đột phá về thể chế là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện nền dân chủ XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Đa số thành viên Chính phủ đồng tình nâng thời hạn thị thực điện tử lên 3 tháng - Ảnh 1.

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng phát luật tháng 3/2023.

Thủ tướng chỉ rõ, thời gian qua, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đã từng bước đi vào quy củ, ngày càng chuyên nghiệp và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, xây dựng, hoàn thiện thể chế là một công việc phức tạp, khó, cần có quá trình đổi mới tư duy và hoàn thiện. Chính vì vậy, khi làm luật phải xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; những gì đã chín, đã rõ, có tính ổn định thì luật hóa. Những gì chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn nghiên cứu thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần; không cầu toàn nhưng không nóng vội.

Thủ tướng nhấn mạnh cần phải xác định, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là công việc thường xuyên, liên tục và dài hạn, cần tập trung lãnh đạo chỉ đạo, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đầu tư hơn nữa về nguồn lực, nhân lực. Nội dung này Chính phủ, Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các Bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo địa phương; cần quán triệt và chủ động, tích cực hơn nữa.

Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu cần tập trung thực hiện xây dựng, hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật trình Quốc hội xem xét thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến vào các dự án, dự thảo văn bản trình Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 5. Thủ tướng chỉ rõ, thời gian còn rất ít, công việc thì nhiều, phức tạp nên phải tích cực, khẩn trương và quyết liệt hơn.

Đa số thành viên Chính phủ đồng tình nâng thời hạn thị thực điện tử lên 3 tháng - Ảnh 2.

Các đại biểu dự phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng phát luật tháng 3/2023.

Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ thảo luận và cho ý kiến đối với 5 nội dung gồm 2 dự án Luật, 1 đề nghị xây dựng luật, 2 dự thảo Nghị quyết gồm: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông; Một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội tại Kỳ họp Thứ 5 tháng 5/2023; Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là những nội dung quan trọng, khó, phức tạp, có tác động sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp, cần sớm tháo gỡ về thể chế. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung trí tuệ; trình bày báo cáo, phát biểu ý kiến ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào vấn đề; thảo luận về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau, bảo đảm tiến độ, chất lượng của phiên họp.

Về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông, các thành viên Chính phủ cho rằng, việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết này là có cơ sở, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Việc trình Quốc hội cũng là để tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu có 5.000km đường cao tốc theo Chiến lược phát triển KTXH đã được Đại hội XIII thông qua. Đây là việc cấp bách, càng trình Quốc hội tháo gỡ sớm bao nhiêu thì càng đẩy nhanh được việc thực hiện các dự án giao thông bấy nhiêu.

Về các chính sách đề xuất, đặc biệt trong đó chính sách về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong các dự án PPP đa số thành viên Chính phủ thống nhất đề nghị không tính chi phí giải phóng mặt bằng trong hạn mức giới hạn tỷ lệ tham gia của nhà nước trong các dự án PPP. Thực tế, chi phí giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng mức đầu tư của Dự án, đặc biệt là những dự án ở đồng bằng. Do đó, đề xuất không tính chi phí giải phóng mặt bằng trong hạn mức giới hạn tỷ lệ tham gia của nhà nước trong các dự án PPP cũng chính là để tháo gỡ vướng mắc thực tế hiện nay.

Đa số thành viên Chính phủ đồng tình nâng thời hạn thị thực điện tử lên 3 tháng - Ảnh 3.

Toàn cảnh phiên họp

Về một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đa số thành viên Chính phủ thống nhất với 03 chính sách: Nâng thời hạn thị thực điện tử (E-visa) từ không quá 30 ngày lên không quá 03 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; Cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới; Nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.

Thủ tướng yêu cầu, Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và cần có đánh giá sơ bộ về chính sách cấp thị thực điện tử; đánh giá tác động của mỗi chính sách để có đủ căn cứ, cơ sở, tạo đồng thuận của Quốc hội.

Về Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, đây là một dự án luật quan trọng, tác động lớn tới quyền, lợi ích của người dân; nội dung có nhiều vấn đề mới nên còn có nhiều ý kiến khác nhau cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, các thành viên Chính phủ đề nghị việc hoàn thiện dự án Luật cần tuân thủ, phù hợp với các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ thông qua Đề nghị xây dựng Luật, quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan. Không cầu toàn, không nóng vội.

Đối với các nội dung mới như cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi, cho người gốc Việt Nam ở nước ngoài, tích hợp thông tin trên cơ sở dữ liệu… cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tham khảo có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam; chuẩn bị tốt nguồn lực thực hiện để phục vụ thuận lợi tối đa cho người dân và tổ chức tham vấn đối tượng tác động, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn; tăng cường truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận; tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội./.

Ý kiến của bạn