Đà Nẵng sẵn sàng cho 7 ngày tạm dừng mọi hoạt động
(VOVTV) - Chiều 15/8, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 thành phố Đà Nẵng đã họp trực tuyến, kiểm tra lại công tác chuẩn bị cho việc thực hiện chủ trương tạm dừng mọi hoạt động trong thời gian 7 ngày, bắt đầu từ 8h sáng 16/8. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho việc thực hiện chủ trương “ai ở đâu thì ở đó” cơ bản hoàn tất.
Cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch được kết nối với tất cả quận huyện, sở ngành và 56 xã, phường trong toàn thành phố. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng có thể kiểm tra công tác chuẩn bị đến từng phường, xã.
Theo báo cáo đại diện 7, xã phường từ cơ sở cho thấy, hầu hết người dân trên địa bàn thành phố đều ủng hộ chủ trương tạm dừng mọi hoạt động trong thời gian 7 ngày. Rút kinh nghiệm trong việc cung ứng thực phẩm tại vùng cách ly y tế quận Sơn Trà, từng phường, xã ở thành phố Đà Nẵng chủ động hợp đồng với siêu thị tại địa phương, chuẩn bị 4 đến 5 xe tải nhỏ để vận chuyển lương thực.
Nhiều Đảng ủy phường phân công từng Đảng viên phụ trách từ 4-5 hộ gia đình, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân trong thời gian 7 ngày tới. Các phường đều phát phiếu đến hộ dân đăng ký mua lương thực, thực phẩm để sớm cung ứng thực phẩm cần thiết.
Hầu hết các phường, xã đều củng cố lại Tổ Covid cộng đồng, thiết lập các nhóm Zalo tổ dân phố để người dân đăng ký thực phẩm, thông báo thời gian xét nghiệm, tiêm chủng… Các địa phương cũng dự trữ thực phẩm thiết yếu sẵn sàng cung ứng khi phát sinh tình huống cần xử lý.
Hiện nay, thực tế tại các địa phương, tổ trưởng tổ dân phố phải gánh vác quá nhiều nhiệm vụ, dẫn đến quá tải, khó đáp ứng được hết nhiệm vụ cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân. Thành bại hay không là hoạt động của Tổ Covid-19, phải khắc phục được tình trạng khoán trắng cho tổ trưởng tổ dân phố.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng yêu cầu UBND các xã, phường huy động thêm lực lượng như Đảng viên, Công an, quân nhân nghỉ hưu, công chức về hưu, giáo viên, cán bộ, công chức, sở ngành, UBND quận, huyện đang làm việc tại nhà theo quy định và các lực lượng tình nguyện viên khác, để đảm bảo Ban Điều hành huy động từ 32-40 người chia thành 3 ca, 4 kíp, mỗi kíp 8-10 người, phục vụ công tác chống dịch tại cơ sở.
Đến chiều 15/8, 90 doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp với hơn 10 nghìn công nhân làm việc, chiếm 15% số công nhân làm việc tại các khu công nghiệp. Trong đó 1 doanh nghiệp thực hiện 1 cung đường, 2 điểm đến, còn lại là làm việc ăn ở tại chỗ. 85% còn lại trở về nơi cư trú. Các địa phương cần thực hiện tốt an sinh xã hội đối với số công nhân tạm dừng làm việc.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, đến thời điểm này, các địa phương chuẩn bị cơ bản kỹ lưỡng, còn một số khó khăn vướng mắc thì tiếp tục tháo gỡ để thực hiện tốt hơn. Từ nay đến sáng 16/8, các ngành giải quyết rốt ráo những phần việc còn lại. Sáng 16/8, Công an thành phố tổ chức lễ ra quân thực hiện nhiệm vụ mới.
8 giờ sáng 16/8, Ban Thường vụ Quận ủy gửi báo cáo về Thường trực Thành ủy về công tác chỉ đạo thực hiện, trong đó nêu rõ việc phân công trách nhiệm từ Cấp ủy viên phụ trách địa bàn nhằm gắn trách nhiệm của mỗi cán bộ được phân công phụ trách địa bàn.
Văn phòng Thành ủy thông báo cho các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách địa bàn các quận, huyện chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện tại địa phương mình quản lý 17 giờ hàng ngày, các quận, huyện phải có báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện nhiệm vụ thực hiện Quyết định 2788 của UBND thành phố. Trong đó, cần đánh giá quá trình triển khai thực hiện, nêu rõ những kiến nghị đề xuất. Trên cơ sở đó, Văn phòng Thành ủy tổng hợp báo cáo Thường trực Thành ủy.
Các quận, huyện, sở ngành trong chỉ đạo thực hiện đảm bảo 3 nhiệm vụ lớn. Đó là, triển khai tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đảm bảo đúng đối tượng, đủ mức độ bao phủ địa bàn. Thứ hai là các quận, huyện đến từng phường, xã đến tổ dân phố chịu trách nhiệm giám sát để đảm bảo không để người dân ra khỏi nhà. Thứ ba là nhiệm vụ cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân. Hàng ngày, Công an thành phố phải có báo cáo và công khai địa bàn nào làm tốt và không tốt.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu Sở Công thương và chính quyền địa phương phải đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân: "Nếu như trong ngày mà nhận được phản ánh của người dân về việc không được cung ứng lương thực, thực phẩm hoặc có việc vi phạm hoặc là thiếu trách nhiệm của các cơ quan đơn vị thì phải tổng hợp báo cáo. Đồng chí cấp ủy được phân công phụ trách địa bàn đó phải chịu trách nhiệm về việc đó. Hàng ngày, nếu tổng đài của chúng ta nhận được phản ánh mà qua kiểm tra đúng là dân đang thiếu, cung ứng không đúng, không đủ lương thực, thực phẩm, kể cả cung ứng rau héo, thịt thối, cá thối thì phải quy được trách nhiệm cá nhân, xem đó là lỗi của ai và phải có báo cáo hàng ngày".
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu Công an thành phố phải tăng cường kiểm tra thực hiện quy định “người dân không ra đường” tại khu dân cư, nhất là đường nhỏ, khu đông người.
Lãnh đạo các địa phương quan tâm đặc biệt đến việc công tác xét nghiệm các trường hợp liên quan đến những ca mắc mới ngoài cộng đồng, xét nghiệm sàng lọc toàn dân. Trong quá trình thực hiện xét nghiệm sàng lọc, các địa phương không bỏ sót những công nhân ở trong khu lán trại công nhân, khu nhà trọ, ngư dân ở âu thuyền, rút kinh nghiệm một số điểm hạn chế về công tác tiêm chủng. Các quận, huyện phân công lãnh đạo các ngành về giám sát công tác xét nghiệm, không để xảy ra tình trạng đông người.
Tin nổi bật
Tin Video