Đà Nẵng nới lỏng biện pháp chống dịch, doanh nghiệp tăng quy mô hoạt động
(VOVTV) - Từ 8h sáng ngày 16/9, thành phố Đà Nẵng quyết định nới lỏng thêm một số hoạt động để người dân tham gia. Theo đó, các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong khu công nghệ cao và các khu công nghiệp được bố trí tối đa số người làm việc tùy theo quy mô, đảm bảo các điều kiện an toàn phòng chống dịch.
Hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Long và chị Nguyễn Thị Trung, quê ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế vào thuê nhà trọ ở tổ 67, phường Hoà Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cả hai vợ chồng đều là công nhân trong Khu công nghiệp Hoà Khánh, công việc bị cắt giảm, thu nhập giảm sút. Hai vợ chồng cùng hai con nhỏ quanh quẩn trong căn phòng trọ chật hẹp, khó khăn chồng chất. Khi thành phố nới lỏng một số hoạt động, công ty có thể tiếp nhận thêm người làm việc, vợ chồng anh Nguyễn Văn Long vui mừng.
“Vợ chồng tôi mong muốn nhanh hết dịch để đi làm lại bình thường, có thu nhập trang trải cuộc sống, tiền nhà trọ, tiền sữa, tiền học cho con cái. Chúng tôi mong cuộc sống trở lại bình thường để trẻ con đi học, ở nhà không có người chăm sóc. Mấy cháu không có máy tính để học trực tuyến, học qua điện thoại, lo sẽ ảnh hưởng đến việc học sau này”, anh Long tâm sự.
Trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách “ai ở đâu thì ở đó”, Công ty TNHH Điện Tử Foster Đà Nẵng tại Khu Công nghiệp Hòa Cầm, phường Hoà Thọ Tây, Quận Cẩm Lệ tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”. Sau ngày 16/9, thành phố nới lỏng cho phép doanh nghiệp tăng thêm người lao động đến làm việc nhưng chỉ ở mức 70% trong tổng số gần 750 lao động của công ty. Như vậy, gần 225 lao động của công ty vẫn chưa thể đi làm.
Ông Bùi Minh Vũ, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện Tử Foster Đà Nẵng cho biết, thời điểm cuối năm, số lượng đơn hàng tăng nên công ty càng gặp khó khăn trong sản xuất do thiếu lao động: “Mấy tháng qua, công ty chúng tôi bị giảm sút đơn hàng và công suất nên hiện tại rất căng. Nếu tình hình dịch bệnh an toàn, chúng tôi mong thành phố cho phép công ty tăng thêm số lượng công nhân viên đi làm việc tại nhà máy. Được như vậy, chúng tôi có thể chủ động sản xuất theo phương án “sản xuất an toàn, an toàn để sản xuất” để đáp ứng dần nhu cầu của khách hàng”.
Thời điểm hiện tại, thành phố Đà Nẵng có hơn 370 doanh nghiệp với gần 36 nghìn lao động hoạt động. Khi thành phố Đà Nẵng cho phép tăng thêm số lượng người làm việc, các doanh nghiệp, nhà máy tại Khu công nghiệp Hoà Khánh đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đảm bảo an toàn để đón thêm công nhân đi làm trở lại. Tuy nhiên, do thời gian giãn cách kéo dài, nhiều doanh nghiệp giảm số lao động làm việc nên đơn hàng bị dồn ứ. Việc tuyển thêm lao động vào thời điểm này cũng gặp khó khăn do nhiều lao động ngoại tỉnh trở về quê khi thành phố bùng phát dịch và chưa thể quay trở lại.
Theo quy định mới về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của thành phố Đà Nẵng, từ ngày 16/9, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp có dưới 100 lao động được bố trí tối đa số người làm việc; Đối với nhà máy có từ 100 lao động trở lên được bố trí tối đa 70% số người làm việc (nếu 70% số người làm việc chưa đến 100 người thì được bố trí tối đa 100 người); Trường hợp đủ điều kiện thực hiện phương án “3 tại chỗ” (làm việc, ăn, uống, nghỉ ngơi tại chỗ) thì được bố trí số người làm việc theo phương án cam kết.
Đối với nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất ngoài khu công nghệ cao và các khu công nghiệp có dưới 100 lao động được bố trí 70% số người làm việc. Nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất có từ 100 lao động trở lên được bố trí tối đa 50% số người làm việc (nếu 50% số người làm việc này chưa đến 70 người thì được bố trí tối đa 70 người); Trường hợp đủ điều kiện thực hiện phương án “3 tại chỗ” thì được bố trí số người làm việc theo phương án...
Ông Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng khuyến cáo, các doanh nghiệp cần siết chặt các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống, dịch khi tiếp nhận thêm người lao động trở lại làm việc.
“Các doanh nghiệp chỉ nên tiếp nhận người lao động đến từ những vùng thật sự an toàn. Các doanh nghiệp cần phải kiểm soát chặt các đơn vị cung ứng hàng hoá, vật tư, suất ăn từ bên ngoài vào vào doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải thành lập được Tổ an toàn Covid-19, phát huy vai trò của công nhân, giám sát y tế đối với một nhóm công nhân từ 20 đến 30 người”, ông Trần Văn Tỵ nói.
Tin nổi bật
Tin Video