Tin tức

Đà Nẵng: Lập tổ phản ứng nhanh xử lý ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư

(VOVTV) - Trước những bức xúc của người dân về vấn nạn sử dụng loa kéo hát karaoke trong khu dân cư vào đêm khuya và ngày càng phổ biến, một số địa phương tại thành phố Đà Nẵng đã thành lập tổ phản ứng nhanh xử lý ô nhiễm tiếng ồn.

Tác giả PV / VOV Miền Trung
24/03/2021 09:51

Hơn 1 tuần nay, cứ 21 giờ 30 phút hàng đêm, Tổ phản ứng nhanh xử lý tiếng ồn của phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng xuất phát đi kiểm tra địa bàn các khu dân cư. Tổ phản ứng nhanh gồm: lãnh đạo UBND phường, công an, quân sự, bảo vệ dân phố và cán bộ phụ trách văn hóa.

Lực lượng có nhiệm vụ nhắc nhở, yêu cầu người dân dừng sử dụng âm thanh công suất lớn. Sau 22 giờ tổ sẽ lập biên bản xử lý theo quy định về làm mất an ninh trật tự. Trung uý Nguyễn Minh Hiếu, Công an phường Nại Hiên Đông cho biết, hầu hết những trường hợp sử dụng loa kẹo kéo công suất lớn đều đã uống rượu, bia say xỉn. Có trường hợp khi gặp lực lượng kiểm tra thường có hành vi thiếu hợp tác.

Đà Nẵng: Lập tổ phản ứng nhanh xử lý ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư - Ảnh 1.

Đà Nẵng ra quân xử lý tiếng ồn âm thanh

"Khi gặp những trường hợp có thái độ chống đối thì tổ trưởng và các tổ viên sẽ chỉ định một đồng chí liên hệ với Tổ công tác 8394 tiến hành xuống hiện trường nơi xảy ra việc hát nhạc ồn ào có hành vi chống đối để xử lý", ông Hiếu nói.

Sau tuần đầu ra quân, tổ phản ứng nhanh xử lý tiếng ồn phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà đã tạm giữ 2 loa mở nhạc, karaoke ồn ào sau 22 giờ. Ông Hồ Tấn Phước, Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà cho biết, mấy đêm nay tổ phản ứng nhanh không phát hiện thêm trường hợp nào vi phạm. Người dân đã chấp hành quy định. Theo ông Phước, tổ phản ứng sẽ duy trì thực hiện tuần tra xử lý tiếng ồn đến hết tháng 3. Từ tháng 4 đến hết tháng 5, theo chỉ đạo của UBND thành phố Đà Nẵng, phường sẽ thay đổi khung giờ từ 19 giờ đi tuyên truyền bằng xe lưu động để người dân biết và chấp hành. Đến tháng 6 sẽ tiến hành xử lý theo chỉ đạo của UBND thành phố.

"Trong thời gian làm, chúng tôi có thuận lợi khi nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân và anh em cảm nhận thấy trách nhiệm của mình, phải kiên quyết xử lý vấn đề này để đảm bảo trong sinh hoạt của người dân"- ông Phước nói.

Đà Nẵng: Lập tổ phản ứng nhanh xử lý ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư - Ảnh 2.

Tổ phản ứng nhanh xử lý tiềng ồn phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng ra quân kiểm tra, tạm giữ 2 loa kéo gây ồn ào trong khu dân cư

Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng có văn bản tăng cường kiểm tra xử phạt các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư, bắt đầu từ ngày 1/6. Ông Đặng Thanh Tâm, chủ cơ sở kinh doanh quán nhậu ở đường Như Nguyệt, quận Hải Châu, cho rằng chủ trương của thành phố là đúng đắn và kịp thời: "Sau 21 giờ, chúng ta cũng nên hạn chế việc hát karaoke bằng loa kẹo kéo này, tránh làm phiền người khác. Bản thân tôi dù không làm việc vào thời điểm đêm nhưng vẫn ngồi thức mà cảm thấy ồn ào khó chịu. Mấy hôm nay, hiện tượng hát mất trật tự ở những quán xung quanh có ít hơn. Họ cũng có chấp hành và có nghỉ sớm, không hát khuya".

UBND thành phố Đà Nẵng giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan nghiên cứu quy định hiện hành; có văn bản gửi UBND các quận, huyện, xã, phường… hướng dẫn xử lý, xử phạt các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư, hoàn thành trong tháng 3 này. Hiện nay, các địa phương khó khăn nhất là xử phạt vi phạm hành chính về tiếng ồn trước 22 giờ, tiếng ồn vượt quá mức cho phép mới xử phạt được. Tuy nhiên, việc đo cường độ âm thanh còn bất cập, Tổ phản ứng nhanh của phường không có thiết bị tự đo được, không đủ thẩm quyền.

3.jpg

Tổ phản ứng nhanh xử lý tiếng ồn của phường Nại Hiên Đông nhắc nhở trường hợp karaoke ồn ào

Ông Huỳnh Bá Hảo, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan nghiên cứu các quy định pháp luật, thực tiễn thi hành, đề xuất phương án giải quyết.

"Đối với xử phạt trước 22 giờ thì cơ sở pháp lý áp dụng Nghị định 155 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ cũng như Nghị định 167 năm 2013 của chính phủ. Sau này, các ngành thống nhất có hướng dẫn cụ thể để các quận, huyện xã, phường áp dụng vào đó thực hiện xử phạt. Mức xử phạt từ 300.000 đến 500.000 đồng. Tuy nhiên, có hình thức phạt bổ sung, tịch thu tang vật phương tiện" - ông Hào nói.

Ý kiến của bạn