Đà Nẵng đề xuất cấm người dân ra đường từ 20 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau
(VOVTV) - Chiều 29/7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Đà Nẵng họp đánh giá 7 ngày thực hiện các biện pháp mạnh về phòng, chống dịch, đề xuất thực hiện một số biện pháp nghiêm ngặt hơn, giảm lây nhiễm trong cộng đồng. Trong đó có ý kiến đề xuất cấm người dân ra khỏi nhà từ 20 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.
Qua 7 ngày tăng cường các biện pháp mạnh về phòng chống dịch, thành phố Đà Nẵng ghi nhận 189 ca mắc COVID-19, ít hơn so với 7 ngày trước đó. Từ ngày 18/6 đến nay, số trường hợp xét nghiệm thấp hơn nhưng số ca bệnh phát hiện tăng hơn gấp 3 lần so với đợt dịch trước, bình quân mỗi ngày phát sinh 19 ca. Điều này cho thấy, dịch diễn biến phức tạp hơn, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng rất lớn. Các ca bệnh xuất hiện nhiều ở nơi tập trung đông người như cảng cá, chợ, doanh nghiệp.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng nhận định, qua 7 ngày thực hiện chủ trương siết chặt biện pháp phòng chống dịch đã đạt được kết quả quan trọng, dịch bệnh được kiềm chế. Tuy vậy, vẫn còn những dịch vụ không thiết yếu chưa tạm dừng hoạt động. Người ra đường ngày sau đông hơn ngày trước, người dân chưa thực hiện cách ly nhà với nhà. Một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là, thực hiện công tác phòng chống dịch còn mang tính đối phó. Tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng chưa được phát huy mạnh mẽ. Việc phối hợp giữa các đơn vị với địa phương chưa nhịp nhàng. Công tác phòng chống dịch còn tập trung vào một bộ phận cán bộ, chưa được bổ sung nhân tố mới.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố Đà Nẵng chủ trương tiếp tục thực hiện các biện pháp dịch tễ như thần tốc lấy mẫu, thí điểm cách ly F1 tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm toàn dân. Các quận huyện vận động các khách sạn trên địa bàn làm khu cách ly tập trung.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến các ngành, địa phương, Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị UBND thành phố ban hành Chỉ thị dừng tất cả các hoạt động kể cả xây dựng cơ bản; Cho phép chợ, siêu thị hoạt động nhưng giảm, giãn tuyệt đối quầy hàng trong chợ, chỉ được phép 50% số hộ kinh doanh hàng thiết yếu tại chợ; Cho phép hoạt động công vụ với yêu cầu chỉ được 50% cán bộ, nhân viên trong đơn vị đến Cơ quan làm việc, dừng công tác tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính một cửa. Thành phố chỉ cho phép cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thiết yếu được hoạt động; Đối với cơ sở hoạt động phải có biện pháp phòng chống dịch đảm bảo; Cho phép hoạt động vận chuyển thiết yếu ra vào nội đô; Người dân không được ra đường từ 20 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau, trừ trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, hỏa hoạn...
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống dịch với biện pháp quyết liệt hơn, cơ chế đột phá hơn. Ông Nguyễn Văn Quảng khẳng định tất cả những biện pháp thành phố đang thực hiện là cao hơn yêu cầu của Chỉ thị 16. Tuy nhiên, nhiều ngành địa phương vẫn còn đề nghị thành phố thực hiện Chỉ thị 16. Điều này chứng tỏ, nhận thức của các ngành, địa phương chưa đến nơi, đến chốn, dẫn đến lúng túng trong việc triển khai ở cấp cơ sở.
Từ nhận thức như vậy dẫn đến việc triển khai các biện pháp theo Công văn 4537 của thành phố chưa hiệu quả, việc xử phạt còn rất ít trong khi thực tế, người dân vi phạm rất nhiều. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện, biện pháp để triển khai còn hạn chế. Tối nay, Ban Thường vụ Thành ủy triệu tập họp với sự tham gia của Bí thư các quận ủy, huyện ủy, Thường trực HĐND, Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND thành phố và một số sở ngành liên quan đến quyết định các biện pháp tiếp theo.
Ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị các địa phương chuẩn bị tinh thần, lực lượng để triển khai các biện pháp mạnh hơn: "Ban Thường vụ Thành ủy sẽ họp, sẽ thảo luận và quyết định các biện pháp mạnh. Nhưng vấn đề tổ chức triển khai trên thực tế của các đồng chí cấp cơ sở mới là quan trọng nhất. Tôi thấy các đồng chí đều đề xuất thành phố thực hiện các biện pháp mạnh. Các đồng chí chuẩn bị tinh thần, lực lượng để thực hiện các biện pháp mạnh như đề xuất của các đồng chí".
24 giờ qua, thành phố Đà Nẵng ghi nhận 51 ca mắc mới, trong đó 28 ca đã cách ly, 5 ca trong khu phong tỏa, 18 ca chưa cách ly. Trong ngày hôm nay 29/7, Đà Nẵng xét nghiệm cho 30.744 lượt người, phát hiện 3 trường hợp trong cộng đồng không có triệu chứng. Từ ngày 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 501 ca mắc, chủng Delta.
Hiện, thành phố Đà Nẵng lo ngại 3 chuỗi ca bệnh lây lan nhiều là chuỗi ca bệnh liên quan đến cảng cá Thọ Quang, đã lây nhiễm 107 trường hợp; Chuỗi ca bệnh liên quan đến trung tâm Giết mổ gia súc, gia cầm Đà Sơn đã lây nhiễm 45 ca, 16 chợ xuất hiện ca mắc liên quan đến lò mổ Đà Sơn và cảng cá Thọ Quang. Hiện, 47/56 phường xã ở Đà Nẵng xuất hiện ca mắc, 127 điểm phong tỏa cứng.
Tin nổi bật
Tin Video