Kinh doanh

Đã hoàn tất chuẩn bị đấu thầu lại vàng miếng sau 11 năm

(VOVTV) - Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho việc đấu thầu vàng miếng, nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường, can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch và hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tác giả VOVTV / TTXVN
15/04/2024 17:50

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ gửi thông báo trước 1 ngày đấu thầu. Sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu. Các đơn vị trên có 30 phút để quyết định, khối lượng và giá mua; 1 tiếng sau khi đóng thầu Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố kết quả. Các doanh nghiệp sẽ phải đặt cọc để tham gia đấu thầu, muộn nhất vào 17h ngày nhận thông báo thầu.

Đã hoàn tất chuẩn bị đấu thầu lại vàng miếng sau 11 năm- Ảnh 1.

Hiện có 26 đơn vị bao gồm cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước. Trong số đó, đến thời điểm này có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC.

Như vậy sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước quay trở lại với tổ chức đấu thầu vàng miếng. Phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/3/2013. Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu. Khi đó, giá vàng SJC vẫn đắt hơn vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ (Nghị định 24), trong đó theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước và theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, với các công cụ, điều kiện đã có, chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ điều hành thị trường vàng theo quy định để can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả; đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; khuyến khích sản xuất và xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để bình ổn giá vàng.

Theo đó, đối với thị trường vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới.

Đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ.

Theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan yêu cầu doanh nghiệp triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý.

Đồng thời, thực hiện ngay nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng. Với hoạt động thanh tra, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành đã thành lập xong đoàn thanh tra và sẽ triển khai ngay trong tháng 4 này.

Đặc biệt, với Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24), Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết đã có báo cáo tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện Nghị định 24 và cũng đã đề xuất một số phương hướng chỉnh sửa, bổ sung đối với Nghị định 24 và triển khai trong thời gian tới.

Trong thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng thế giới và trong nước, giá vàng trong nước đã biến động mạnh, tăng nhanh, chênh lệch cao với giá quốc tế. Để ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp. Đồng thời, thực hiện kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng trên toàn quốc vào các năm 2022, 2023...

Trong khi đó, giá vàng trưa nay (15/4), chênh lệch giữa giá mua - bán vàng tăng lên mức cao chưa từng có là trên 3 triệu đồng/lượng.

Tại thời điểm 13 giờ 30 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 83,3 - 85,52 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra), tăng 3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 2,6 triệu đồng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 83- 85,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 2,4 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 2,3 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Cùng thời điểm, Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 75,48- 77,18 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 800 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 75,55 - 77,45 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 800 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua./.

Ý kiến của bạn