Đã có cơ chế làm việc với các nền tảng mạng xã hội về gỡ bỏ thông tin xấu độc, sai sự thật
(VOVTV) - Trả lời chất vấn của đại biểu tại phiên ngày 7/11, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam đã có cơ chế làm việc với các nền tảng mạng xã hội về việc gỡ bỏ các thông tin xấu độc, quảng cáo sai sự thật; đồng thời thể chế hóa các quy định về trách nhiệm của các bên.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều 7/11, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn và trả lời chất vấn nhiều nội dung liên quan đến các lĩnh vực khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động - thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Đinh Văn Thê (Gia Lai) cho biết, theo số liệu báo cáo của Chính phủ, có 5% số lao động là người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài trong tổng số 142.799 lao động cả nước hiện nay. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm rõ tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong việc đưa lao động người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài.
Để nâng cao tỷ lệ người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài nhằm tìm kiếm, khai thác ngành nghề, thị trường lao động nước ngoài phù hợp với điều kiện của người dân tộc thiểu số, cần có những giải pháp cụ thể nào trong thời gian tới? Đặc biệt là công tác tuyên truyền đào tạo, chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân tộc thiểu số có cơ hội tham gia làm việc, lao động ở nước ngoài - đại biểu đoàn Gia Lai chất vấn.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đưa lao động người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài là chủ trương rất lớn trong tổng thể đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài. Hiện đã có những chương trình dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể trong Chương trình mục tiêu Quốc gia đã dành một chương trình dành cho đồng bào dân tộc thiểu số đi lao động nước ngoài, được miễn phí các chế độ chính sách bao gồm: học nghề, học ngoại ngữ.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có một kênh riêng để thường xuyên theo dõi, hỗ trợ đối tượng này. Tuy nhiên, kết quả đưa thanh niên là người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài chưa nhiều. Nguyên nhân chủ yếu do công tác tuyên truyền, vận động và phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều trường hợp đi nước ngoài rồi nhưng buồn, nhớ nhà nên phải quay về. Thời gian tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục quan tâm tìm giải pháp cho vấn đề này.
Về chất vấn của đại biểu liên quan đến lao động nữ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, tỷ lệ lao động nữ tại các khu công nghiệp, các lĩnh vực thâm dụng lao động bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là ngành giày da, dệt may. Sau phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng đề án và đã trình bước đầu với Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ trong chương trình đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Bộ đề xuất các ưu tiên trong nghiên cứu khoa học, vay vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.
Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, giao Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam xây dựng đề án hỗ trợ đối tượng là lao động nữ lập nghiệp. Đồng thời, giao Ngân hàng Chính sách xã hội bố trí nguồn vốn riêng hỗ trợ phụ nữ trong khởi nghiệp và lập nghiệp.
Tại phiên chất vấn, trả lời đại biểu về mô hình trung tâm y tế cấp huyện, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong thời gian qua, mô hình quản lý đã có nhiều lần thay đổi. Báo cáo giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách y tế cơ sở, y tế dự phòng đã nêu rõ những nội dung liên quan đến những việc đã làm được, chưa làm được của mô hình tổ chức trung tâm y tế cấp huyện.
Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội ban hành tại Kỳ họp thứ 5 đã khẳng định việc cần triển khai thực hiện trong sắp xếp trung tâm y tế cấp huyện về thuộc Ủy ban nhân dân huyện để đảm bảo thống nhất quản lý, đồng thời đảm bảo sự chỉ đạo chuyên môn của Sở Y tế. Gần đây nhất, Ban Bí thư có chỉ thị khẳng định việc triển khai thực hiện mô hình trung tâm y tế cấp huyện chuyển về cho UBND huyện quản lý.
“Nghị quyết 99 nêu nội dung này cần thực hiện trước ngày 1/7/2025. Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp cùng các bộ ngành rà soát các quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của trung tâm y tế cấp huyện để tham mưu, ban hành sửa đổi theo thẩm quyền”, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Trả lời chất vấn của đại biểu Đoàn Thị Lê An về phủ sóng vùng sâu vùng xa, miền núi, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết khi có đại dịch COVD-19, học trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ đã có Chương trình Sóng và máy tính cho em. Trên cơ sở đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các nhà mạng và các Sở tiến hành rà soát từng vùng lõm sóng để tiến hành phủ sóng.
“Đến nay đã có 2100 vùng lõm sóng đã được phủ sóng. Tỉ lệ phủ sóng 4G của Việt Nam hiện 99,8% xếp trên dân số. Trong khi các nước thu nhập trung bình cao, tỉ lệ này là 99,4%”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện vẫn còn 420 điểm lóm sõng cần tiếp tục thực hiện phủ sóng. Thời gian tới, Bộ sẽ sử dụng Quỹ Viễn thông công ích cho nhiệm vụ này và phấn đấu hoàn thành trước tháng 6/2024. Tuy nhiên, điều khó khăn là có đến 150 điểm lõm sóng chưa có điện. Bộ đã làm việc với Tập đoàn Điện lực để đưa điện đến các vùng này, trong đó có tính đến phương án điện mặt trời.
Về quảng cáo thực phẩm chức năng và thuốc sai sự thật trên không gian mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết các quảng cáo này có trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Vừa qua, Việt Nam đã có cơ chế làm việc với các nền tảng này về việc gỡ bỏ các thông tin xấu độc, quảng cáo sai sự thật; đồng thời thể chế hóa các quy định về trách nhiệm của các bên.
“Hiện nay, tỉ lệ thực thi các yêu cầu của quản lý nhà nước về gỡ những thông tin xấu độc, sai sự thật trên mạng xã hội là rất nghiêm. Vấn đề là phải có phát hiện và báo cáo. Vấn đề đặt ra là bộ, ngành, địa phương quản lý gì trong thế giới thực phải di chuyển lên không gian mạng và thực hiện việc quản lý đó trên không gian mạng. Nếu thực thi gặp khó khăn sẽ có hỗ trợ của Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Công an. Mặt khác, các bộ ngành lên không gian mạng chưa nhiều và nghĩ đây là trách nhiệm riêng của Bộ Thông tin - Truyền thông. Đây là quan niệm cần được thay đổi”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết./.
Tin nổi bật
Tin Video