Cựu giám đốc Sở Y tế Cần Thơ bị đề nghị 9-10 năm tù
VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Bùi Thị Lệ Phi, cựu giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, 9 - 10 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây thiệt hại cho Nhà nước.
Ngày 14/2, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Bùi Thị Lệ Phi, Cao Minh Chu (2 giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ giai đoạn 5/2011 - 1/2020); Hoàng Thị Thúy Nga (47 tuổi, cựu chủ tịch Hội đồng sáng lập NSJ Group) và 17 đồng phạm về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây thiệt hại cho Nhà nước gần 33 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, Viện KSND TP.HCM đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo: Hoàng Thị Thúy Nga, Bùi Thị Lệ Phi 9 - 10 năm tù; Cao Minh Chu 8 - 9 năm tù; Kim Trọng Đoàn, Hồ Phương Quỳnh, Lê Huy Bình, 5 - 6 năm tù; Lương Tấn Thành, Nguyễn Viết Hồng, Đặng Xuân Minh 4 - 5 năm tù; Đoàn Thị Nở, Lê Thành Hưng, Hoàng Ngọc Hồng Phúc, Nông Thị Bích Sửu 3 - 4 năm tù; Hoàng Hà Anh, Phùng Thị Dương, Nguyễn Bảo Trân, Nguyễn Quốc Việt 2 - 3 năm tù; Nguyễn Duy Hùng, Vũ Quang Ngọc, Tạ Trường Xuân 24 - 36 tháng tù.
Ngoài ra, Viện KSND đề nghị HĐXX cấm làm công việc liên quan đến đấu thầu trong thời hạn 4 - 5 năm đối với Hoàng Thị Thúy Nga, Hoàng Hà Anh, Kim Trọng Đoàn, Lê Huy Bình; cấm làm công việc liên quan đến thẩm định trong thời hạn 4 - 5 năm đối với Đặng Xuân Minh, Nguyễn Quốc Việt, Vũ Quang Ngọc, Tạ Trường Xuân.
Theo đại diện Viện KSND TP.HCM, các bị cáo trong vụ án đều là những người có trình độ, được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác của mình, có bị cáo còn giữ những vị trí chủ chốt, đầu ngành, được giao quản lý nghề nghiệp đặc thù và quản lý tài sản của Nhà nước.
Do vậy, các bị cáo có đầy đủ năng lực để nhận thức được những hành vi nào đúng và trái quy định của pháp luật. Tuy nhiên, chỉ vì tư lợi, vì động cơ cá nhân, các bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội gây ảnh hưởng xấu và làm giảm uy tín của cơ quan Nhà nước, gây bất bình, tạo dư luận xấu trong xã hội, do đó cần phải xử lý nghiêm mới đủ sức răn đe, giáo dục.
Đại diện Viện KSND cho rằng, bị cáo Bùi Thị Lệ Phi đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình chỉ đạo cấp dưới là Cao Minh Chu (Phó Giám đốc Sở Y tế, đồng thời là trưởng ban quản lý dự án) để bị cáo Chu tiếp tục chỉ đạo các bị cáo khác tiếp nhận các báo giá, thông số kỹ thuật của thiết bị y tế do Công ty NSJ cung cấp để làm báo cáo xin vốn, lập dự toán, xây dựng kế hoạch mời thầu theo giá đã thống nhất với Công ty NSJ.
Trên cơ sở đó, bị cáo Cao Minh Chu ký tờ trình, trình Bùi Thị Lệ Phi ký các hợp đồng với các công ty tư vấn, công ty thẩm định, ký các hợp đồng tư vấn lựa chọn nhà thầu gói thầu và phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật đối với Công ty NSJ và Bình An trúng thầu 4 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 32 tỷ đồng.
"Bùi Thị Lệ Phi có vai trò chủ mưu, cầm đầu và Cao Minh Chu có vai trò là người thực hành, giúp sức tích cực, phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ thiệt hại cho Nhà nước hơn 32 tỷ đồng. Ngoài ra, bị cáo Bùi Thị Lệ Phi còn hưởng lợi số tiền 3,2 tỷ đồng và Cao Minh Chu được hưởng lợi số tiền 200 triệu đồng từ Hoàng Thị Thúy Nga" , vị đại diện Viện KSND nói.
Theo Viện KSND, bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga đã thành lập nhiều công ty với mục đích kinh doanh, trong đó có kinh doanh thiết bị y tế. Kết quả điều tra, thu thập tài liệu tại Công ty NSJ và các công ty khác của Nga có đủ căn cứ xác định các công ty của Nga đã thực hiện việc cung cấp trang thiết bị cho rất nhiều đơn vị. Trong đó, có nhiều đơn vị thuộc các cơ quan, tổ chức Nhà nước ở nhiều địa phương trên cả nước.
Do đó, bị cáo Nga, cũng như các bị cáo làm việc trong các công ty của Nga có đủ năng lực, kiến thức để biết và pháp luật cũng buộc các bị cáo phải biết các quy định về đấu thầu.
"Tuy nhiên, khi biết UBND TP Cần Thơ có kế hoạch giao cho Sở Y tế Cần Thơ tiến hành mua sắm vật tư trang thiết bị, Nga đã chủ động gặp ông Võ Thành Thống, lúc đó là Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ để nhờ ông Thống giới thiệu Nga với bà Bùi Thị Lệ Phi. Sau khi được ông Thống giới thiệu, Nga đã chủ động gặp, trao đổi, bàn bạc thống nhất với Bùi Thị Lệ Phi và Cao Minh Chu về việc tạo điều kiện cho Công ty Bình An và Công ty NSJ tham gia 4 gói thầu và trúng thầu theo giá Nga đưa ra trước đó, đi ngược lại quy trình đấu thầu mà Luật Đấu thầu đã đề ra", Viện KSND nêu quan điểm.
Do biết trước sẽ trúng thầu, Hoàng Thị Thúy Nga chỉ đạo Kim Trọng Đoàn, Phó Tổng Giám đốc tiến hành thương thảo mua hàng hóa gói thầu để độc quyền về hàng hóa, cản trở các đơn vị khác không mua được hàng hóa, không đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư; đồng thời ký các hợp đồng mua hàng giữa các công ty của Nga nhằm mục đích che giấu việc nâng giá hàng hóa.
"Toàn bộ hành vi của bị cáo Nga và các bị cáo cấp dưới đi ngược lại quy trình đấu thầu mà Luật Đấu thầu đã quy định. Do vậy, có đủ căn cứ xác định bị cáo Nga là chủ mưu, cầm đầu, tổ chức thực hiện tội phạm. Đặc biệt, bị cáo là người khởi xướng việc thực hiện hành vi phạm tội, tiếp cận lãnh đạo để tác động, dùng lợi ích vật chất để mua chuộc các cán bộ quản lý thực hiện theo đúng ý đồ của mình, trực tiếp điều hành toàn bộ hành vi phạm tội trong vụ án" , Viện KSND nhận định.
Theo Viện KSND, trong quá trình điều tra bị cáo Nga không thừa nhận hành vi phạm tội, tuy nhiên, qua phần thẩm vấn trực tiếp tại phiên tòa, bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm, thừa nhận mình là người có vai trò chủ mưu, cầm đầu tại vụ án.
“Nếu không phải do bị cáo, thì không có vụ án này, các bị cáo khác trong vụ án không phải ngồi ở đây”, bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga nói tại tòa.
Tin nổi bật
Tin Video