Cựu Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức bị tuyên phạt 21 năm tù
(VOVTV) - Sau 2 ngày xét xử, sáng nay (1/12), Toà án Nhân dân TP.HCM đã đưa ra phán quyết đối với các bị cáo trong vụ án sai phạm đấu thầu gây thiệt hại hơn 102 tỷ đồng tại Bệnh viện TP. Thủ Đức. Cựu Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức Nguyễn Minh Quân bị tuyên phạt 21 năm tù về 2 tội “Tham ô tài sản” và “Rửa tiền”.
Cáo trạng truy tố là đúng, không oan sai
Hội đồng xét xử nhận định, cáo trạng truy tố bị cáo Nguyễn Minh Quân cùng 8 đồng phạm về các tội "Tham ô tài sản", "Rửa tiền" và "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" là có căn cứ, đúng quy định pháp luật, không oan sai. Tại toà, các bị cáo cũng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng quy kết.
Theo đó, bị cáo Nguyễn Minh Quân được xác định phạm tội với vai trò là người chỉ đạo, các bị cáo khác trong vụ án đều là người phụ thuộc, làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo, không được hưởng lợi từ hành vi phạm tội của mình.
Hội đồng xét xử cũng đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo trong vụ án, như: có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội, thành khẩn khai báo, chủ động nộp khắc phục hậu quả vụ án, có nhiều thành tích trong quá trình công tác và có nhiều đóng góp trong phòng chống dịch COVID-19… Nhiều bị cáo là trụ cột gia đình, có người thân già yếu, ốm đau, con nhỏ.
Tuy nhiên, theo Hội đồng xét xử, các bị cáo đều tham gia thực hiện nhiều gói thầu khác nhau, với thiệt hại của các gói thầu đều trên 1 tỷ đồng nên các bị cáo phải bị áp dụng tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần.
Về quan điểm của luật sư bào chữa cho rằng hành vi của bị cáo Quân không phạm tội "Tham ô tài sản" mà chỉ phạm tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", Hội đồng xét xử xét nhận định, ông Quân là Giám đốc và là chủ tài khoản Bệnh viện Thủ Đức.
Bị cáo Quân là người có quyền hạn, trách nhiệm quản lý đối với tài sản bệnh viện, trong đó có quyền quyết định chi tiền của bệnh viện để mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ cho hoạt động khám, chữa bệnh.
Mặt khác bản chất các công ty tham gia đấu thầu đều là doanh nghiệp "sân sau" của bị cáo Quân. Việc thực hiện các thủ tục dự thầu chỉ là một phương thức. Thủ đoạn của cựu Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức là chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, nên hành vi của bị cáo Quân có đủ yếu tố cấu thành tội "Tham ô tài sản".
Thiệt hại của vụ án giảm 1 tỷ đồng
Theo cáo trạng xác định, số tiền mà bị cáo chiếm đoạt của Bệnh viện TP. Thủ Đức là hơn 103 tỷ đồng, bằng với số tiền mà bị cáo Nguyễn Văn Lợi (Giám đốc Công ty TNHH TMDV Sản xuất Nguyễn Tâm) đã chuyển cho bị cáo Quân.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử xác định tổng số tiền lợi nhuận của 4 công ty "sân sau" của bị cáo Quân, do bị cáo Lợi quản lý thu được từ 27 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế của Bệnh viện TP.Thủ Đức chỉ có 102,52 tỷ đồng. Do đó, thiệt hại của Nhà nước trong vụ án là 102,52 tỷ đồng, chứ không phải hơn 103 tỷ đồng như cáo trạng.
Hội đồng xét xử cũng nhận định, để che giấu nguồn tiền đã chiếm đoạt được, bị cáo Nguyễn Minh Quân cùng với vợ là Nguyễn Trần Ngọc Diễm đã chỉ đạo bị cáo Nguyễn Văn Lợi rút tiền mặt, chuyển khoản vào tài khoản của cá nhân hoặc chuyển khoản sử dụng theo chỉ định vợ chồng ông Quân.
Bị cáo Quân bị phạt 21 năm tù
Toà tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Quân 16 năm tù về tội "Tham ô tài sản" và 5 năm tù về tội "Rửa tiền". Tổng hợp hình phạt chung buộc bị cáo Quân chấp hành là 21 năm tù.
Cùng các tội danh trên, bị cáo Nguyễn Văn Lợi bị tuyên án 12 năm tù tội "Tham ô tài sản" và 3 năm tù về tội "Rửa tiền". Tổng hình phạt là 15 năm tù.
Đối với nhóm bị cáo phạm tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", Hội đồng xét xử tuyên phạt như sau:
Hai cựu Phó Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức gồm: bị cáo Nguyễn Thị Ngọc, Nguyễn Lan Anh bị tuyên lần lượt là 2 năm 6 tháng tù và 3 năm 6 tháng tù.
Các bị cáo: Ngô Trương Ngọc Bích, (Trưởng Phòng Vật tư thiết bị y tế - Bệnh viện TP.Thủ Đức) và Đặng Thị Hiên (kế toán trưởng - Bệnh viện TP.Thủ Đức) cùng mức án 3 năm 6 tháng tù; bị cáo Nguyễn Huy Việt (nhân viên Phòng Vật tư thiết bị y tế - Bệnh viện TP.Thủ Đức) và bị cáo Trần Hậu Nghĩa (Giám đốc Công ty TNHH thiết bị y tế Hải Đăng) cùng bị tuyên 3năm tù.
Riêng bị cáo Nguyễn Trần Ngọc Diễm (vợ bị cáo Quân) bị đề nghị mức hình phạt 3 năm tù về tội "Rửa tiền", cho hưởng án treo.
Theo bản án, từ năm 2016 đến 2020, Bệnh viện TP. Thủ Đức đã đấu thầu 31 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế. Trong đó có 28 gói thầu đã phê duyệt kết quả trúng thầu và hoàn thiện thanh toán với tổng số tiền hơn 346 tỷ đồng.
Bị cáo Quân đã chỉ đạo bị cáo Nguyễn Văn Lợi thành lập các công ty "sân sau", gồm: Công ty TNHH Ngọc Đạo, Công ty TNHH TMDV Sản xuất Nguyễn Tâm, Công ty TNHH Thanh Vương Sài Gòn và Công ty TNHH Dược phẩm Trung Dung do vợ Quân, Lợi, vợ Lợi và Phạm Thị Bích Chi (Kế toán Công ty Nguyễn Tâm) đứng tên đại diện theo pháp luật.
Các doanh nghiệp này được sử dụng để ký hợp đồng khống, mua bán lòng vòng nâng giá máy móc, thiết bị y tế; sau đó được lập hồ sơ, tham gia đấu thầu vào Bệnh viện TP. Thủ Đức.
Ông Quân được xác định là đã chỉ đạo, gây sức ép với nhân viên dưới quyền thông đồng với bị cáo Nguyễn Văn Lợi lập, hoàn thiện hồ sơ, ký hợp thức các hồ sơ thầu để ấn định cho các công ty "sân sau" của Quân trúng 27 gói thầu theo giá đã nâng khống, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 102 tỷ đồng.
Các bị cáo còn lại nguyên là cán bộ nhân viên Bệnh viện TP.Thủ Đức đều biết rõ các công ty tham gia đấu thầu đều là doanh nghiệp "sân sau" của ông Quân nhưng vẫn thông đồng, thực hiện hành vi gian dối để các pháp nhân này trúng thầu.
Tin nổi bật
Tin Video