Cưỡng chế đất lấn chiếm tại Hải Phòng: Khi chính quyền cơ sở tiếp tay và làm ngơ cho vi phạm…
(VOVTV) - Thành phố Hải Phòng vừa tổ chức cưỡng chế 159 công trình xây dựng trái phép lấn chiếm trên khu đất 9,2ha tại phường Thành Tô, quận Hải An. Qua vụ việc cho thấy bài học đắt giá “khi chính quyền cơ sở tiếp tay và làm ngơ cho vi phạm”, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai và trật tự xây dựng.
Đây là cuộc cưỡng chế có thể nói là lịch sử, không chỉ với sự tham gia của cả nghìn người mà số lượng công trình vi phạm và diện tích đất công bị lấn chiếm cũng “khủng” nhất từ trước tới nay ở thành phố Cảng.
Cưỡng chế thu hồi 9,2ha đất công bị lấn chiếm lần này chỉ là một phần diện tích trong 14,2ha vốn là đất quốc phòng quản lý tại phường Thành Tô, quận Hải An.
Cách đây 4 năm, vụ án “xẻ thịt đất quốc phòng” ở khu đất này đã bị tòa án xét xử với mức án lên tới 168 tháng tù giam giành cho 5 bị cáo, trong đó có nguyên Chủ tịch UBND phường Thành Tô từ năm 2009 với vai trò tích cực đã ký bản đồ khu dân cư, chuyển nhượng hơn 5ha đất quốc phòng trái luật theo hình thức phân lô, bán nền, thậm chí còn ký hàng chục trích đo để người dân mua đi bán lại, xác nhận vào đơn đề nghị cung cấp điện, nước để hợp thức việc sử dụng trái phép các công trình xây dựng trên đất quốc phòng.
Các hành vi tiếp tay cho vi phạm pháp luật của chính quyền cơ sở đã tạo ra sự “hỗn loạn” lấn chiếm đất công, xây dựng các công trình kiên cố trái phép trên khu đất quốc phòng theo kiểu mạnh ai nấy làm.
Đến năm 2014, toàn bộ khu đất 14,2ha (trong đó hơn 5ha phân lô bán nền) được giao cho một đơn vị quân đội làm dự án. Lợi dụng những sai phạm của chính quyền và các cơ quan liên quan, sự buông lỏng quản lý của đơn vị được giao đất, nhiều đối tượng xã hội đã thách thức pháp luật, ngang nhiên tổ chức san lấp, lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép nhiều công trình trên khu đất 9,2ha còn lại.
Trước thực trạng này, năm 2018, Bộ Quốc phòng buộc phải chuyển giao toàn bộ khu đất cho UBND thành phố Hải Phòng quản lý. Thế nhưng, sau năm 2018, tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép các công trình kiên cố trên mảnh đất này dường như vẫn chưa dừng lại.
Nếu như tại thời điểm bàn giao năm 2018, thống kê trên khu đất 9,2ha chỉ có 85 ngôi nhà xây dựng kiên cố từ 1-3 tầng thì đến thời điểm tổ chức cưỡng chế gần đây, các công trình xây dựng trái phép đã tăng lên con số 130 nhà ở kiên cố.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu quan điểm: “Chính quyền địa phương biết nhiều người lấn chiếm đất này, vậy tại sao không xử lý ngay từ khi hành vi lấn chiếm bắt đầu xảy ra? Chính quyền thực hiện quản lý đất đai như thế nào mà để xảy ra tình trạng, có một chủ sử dụng được giao đất mà không làm gì, rồi người khác - không phải chủ sử dụng đất đó đến lấn chiếm, kể cả tạo ra công trình này, công trình khác. Tôi cho rằng, đây là một kinh nghiệm rất lớn phải rút ra để Pháp luật quy định trách nhiệm rất cụ thể của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như chủ sử dụng đất".
Xuất phát từ những sai phạm liên quan đến vụ án phân lô, bán nền, xẻ thịt đất quốc phòng, cộng thêm sự buông lỏng công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng của chính quyền cơ sở và các đơn vị liên quan diễn ra trong nhiều năm đã tạo cơ hội cho các đối tượng xã hội tiếp tục ngang nhiên san lấp, lấn chiếm đất công, xây dựng nhiều công trình trái phép và bán lại cho nhiều người dân nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật.
Phần nhiều trong số họ chỉ vì thấy đất rẻ nên mua, bất chấp không có bất cứ giấy tờ nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đến khi phải chấp hành lệnh cưỡng chế giao trả mặt bằng cho nhà nước, nhiều hộ gia đình trắng tay và rơi vào cảnh “màn trời, chiếu đất”.
Một hộ dân phải bàn giao lại mặt bằng cho Nhà nước chia sẻ: “Gia đình tôi ở khu này từ năm 2016. Nói chung là mình cũng ở chỗ khác đến thôi, được người quen giới thiệu mua. Khi đó, đất chưa chuyển giao về phường, vẫn thuộc đất quân đội. Khi mua về mới biết có tình hình tranh chấp, vì mình không phải người khu này. Dân ở đây thì cũng không may, nhẹ dạ cả tin”.
Cuộc cưỡng chế lịch sử 159 công trình xây dựng trái phép lấn chiếm trên khu đất 9,2ha tại phường Thành Tô, quận Hải An được đánh giá là thành công. Tuy nhiên, xét cho cùng, cưỡng chế là biện pháp sau cùng mà các cơ quan hành chính nhà nước buộc phải thực hiện để bảo đảm trật tự, kỷ cương trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Khi buộc phải cưỡng chế, có nghĩa rằng các vi phạm đã cấu thành, cho dù việc cấu thành các vi phạm lấn chiếm đất công hay xây dựng các công trình kiên cố trái phép đều diễn ra trong một thời gian dài giữa “thanh thiên, bạch nhật” nhưng chính quyền cơ sở lại làm ngơ, lại buông lỏng quản lý, thậm chí còn tiếp tay cho vi phạm!
Nếu các cấp chính quyền địa phương, nhất là cấp phường, xã vốn sát với cơ sở nhất mà thực hiện nghiêm các quy định quản lý đất đai và trật tự xây dựng thì chắc chắn sẽ không xảy ra vụ án “xẻ thịt đất quốc phòng”, không làm mất uy tín và hình ảnh của quân đội, chính quyền và đương nhiên TP. Hải Phòng cũng không cần phải huy động cả nghìn người để cưỡng chế các công trình vi phạm, thu hồi lại đất công cho Nhà nước.
Tin nổi bật
Tin Video