Cuối năm quyết thu thuế của Google, Facebook, Netflix, Youtube
Tổng cục Thuế yêu cầu có biện pháp buộc các tổ chức kinh doanh nền tảng số, thương mại điện tử như Google, Facebook, Netflix, Youtube phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế.
Báo cáo về tình hình thu ngân sách tháng 7 và triển khai nhiệm vụ cuối năm, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đưa ra nhiều giải pháp tăng thu trong bối cảnh ngân sách khó khăn.
Một trong những giải pháp trọng tâm của cơ quan thuế là tập trung thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đối với các doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao về thuế như hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu, các chính sách ưu đãi miễn giảm thuế, giao dịch liên kết; các giao dịch liên quan đến thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số và các giao dịch đáng ngờ...
Đặc biệt, cơ quan thuế phải có các biện pháp, yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ nghĩa thuế đối với thu nhập từ hoạt động kinh doanh và thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định (đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài lớn như Google, Facebook, Netflix, Youtube...).
Theo thông tin mới nhất, hiện Google, Facebook, Netflix, Youtube... vẫn chưa đóng thuế đầy đủ, minh bạch tại Việt Nam cũng như ủy nhiệm cho các ngân hàng, đối tác tại Việt Nam thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế.
Về cơ chế, ngay cả cơ quan thuế, tổ chức tài chính hiện cũng vướng mắc trong việc kiểm soát nộp thuế đúng pháp luật của các công ty đa quốc gia và các đối tác trong nước.
Hiện các nền tảng mạng xã hội, trong đó có Google, Facebook, Netflix, Youtube... chiếm khoảng 70% thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, bỏ túi hàng tỷ USD mỗi năm tuy nhiên chỉ đóng thuế nhỏ giọt và tận dụng mọi kẽ hở để né thuế.
Theo Nghị định 70/2021/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 15/9 tới đây, các nền tảng mạng xã hội, trong đó Google, Facebook, Netflix, Youtube... sẽ phải nộp thuế đầy đủ tại Việt Nam bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua bên thứ 3 là ngân hàng, trung gian tài chính.
Về tổng thu ngân sách Nhà nước, hết tháng 7, ngành thuế thu được hơn 763.800 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó hầu hết số thu đến từ nội địa 741.800 tỷ đồng (chiếm 97%).
Theo Tổng cục Thuế, thu ngân sách 7 tháng đầu năm đạt khá chủ yếu do tình hình kinh tế hồi phục từ những tháng cuối năm 2020 duy trì cho đến nửa đầu năm 2021. Ngoài ra, tăng thu đột biến từ một số nguồn thu do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ mà Chính phủ đã triển khai thực hiện trong năm 2020, trong đó một số ngành tăng trưởng khá như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô...
Chia sẻ với Dân trí, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, các phương án thu thuế của các tổ chức kinh doanh mạng xã hội đã được lên kế hoạch từ 2020, giải pháp thu hộ, thu gián tiếp cũng đã được tính đến. Cơ quan thuế cũng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, các Sở Kế hoạch và Đầu tư để rà soát, kiểm soát các thuê bao, đối tác của các nền tảng xuyên biên giới nhằm bắt buộc họ thực hiện đúng nghĩa vụ.
Thực tế, theo đại diện Tổng cục Thuế, các nghĩa vụ thuế của các tổ chức xuyên biên giới tại Việt Nam trong vài năm qua đều thực hiện tự nguyện; các đối tác tại Việt Nam cũng thực hiện theo cơ chế đó. Tuy nhiên, về lâu dài, bắt buộc họ phải thực hiện các quy định mới đủ các điều kiện kinh doanh tại Việt Nam.