Cuộc sống của những đứa trẻ ven lòng hồ thủy điện Sơn La
(VOVTV) - Trong khi đời sống ngày càng phát triển thì vẫn còn bắt gặp rất nhiều trẻ em ở vùng núi xa xôi phải sống trong điều kiện hết sức khó khăn.
Trường học xa nhà, một số học sinh phải ở bán trú tại trường, sử dụng nước suối để tắm giặt và ăn uống sinh hoạt hàng ngày. Đó là cuộc sống của những đứa trẻ ở ven lòng hồ thủy điện Sơn La, thuộc địa phận xã Chiềng Lao, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.
Chính vì nằm ven lòng hồ thủy điện nên địa hình nơi đây khá phức tạp, giao thông cách trở, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Chưa kể đến bão lũ thường xuyên xảy ra, nguy hiểm luôn rình rập bất cứ lúc nào. Khi lòng hồ bắt đầu được quy hoạch để chứa nước làm thủy điện, rất nhiều hộ dân đã phải rời bỏ nơi ở lâu nay, di chuyển đến nơi khác để sinh sống.
Được biết tỉnh Sơn La đã tập trung chỉ đạo thực hiện xã hội hóa, khuyến khích đầu tư mở rộng các trường mầm non tư thục. Đến nay toàn tỉnh có 847 cơ sở giáo dục đào tạo, gồm 270 trường mầm non; 285 trường tiểu học; 10 trường tiểu học- trung học cơ sở; 220 trường trung học cơ sở; 33 trường trung học phổ thông; 14 trung tâm giáo dục thường xuyên; kỹ thuật, hướng nghiệp, dạy nghề và 05 trường cao đẳng, trung cấp, trung cấp chuyên nghiệp.
Tỉnh Sơn La duy trì 54 trường Phổ thông Dân tộc bán trú (13 trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học, 41 trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS). Có 13 trường ngoài công lập, gồm 12 trường mầm non và 01 trường tiểu học. Được chính phủ hỗ trợ tiền và gạo, tỉnh đã vận động, hỗ trợ kinh phí làm nhà bếp, phụ cấp cho người nấu ăn tập trung ở 295 trường học đối với học sinh bán trú thuộc các xã đặc biệt khó khăn, nâng cao được chất lượng giáo dục, giảm 1/2 số học sinh bỏ học qua từng năm.