Cuộc gặp trực tiếp Mỹ - Trung đầu tiên thời Biden: Cành ô liu hay lời cảnh báo?
Cuộc gặp cấp cao trực tiếp Mỹ - Trung đầu tiên liệu sẽ là “cành ô liu” mà 2 bên chìa cho đối phương hay là lời cảnh báo về căng thẳng trong tương lai giữa hai nước?
Các nhà quan sát Trung Quốc nhận định, cuộc trao đổi sắp tới giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Alaska, Mỹ không thể tạo nên bất kỳ đột phá nào về mặt ngoại giao.
Cuộc gặp cấp cao – Kỳ vọng thấp
Mặc dù cuộc gặp ngày 18/3 tới có thể là khởi đầu cho những cuộc gặp trong tương lai nhưng cuộc gặp trực tiếp đầu tiên này giữa các quan chức cấp cao Mỹ - Trung kể từ khi ông Biden nhậm chức được cho là không thể tạo ra bất kỳ giải pháp đáng kể nào cho những căng thẳng hiện nay giữa Washington và Bắc Kinh.
Sự chia rẽ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã trở nên rõ ràng khi tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Blinken bác bỏ việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi cuộc gặp này là "một cuộc đối thoại chiến lược" và khẳng định rằng ở thời điểm này, Mỹ không có ý định đưa ra bất kỳ cam kết nào.
Pang Zhongying, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Ocean cho biết, Mỹ đang thể hiện rằng mối quan hệ này sẽ không quay trở lại như dưới thời cựu Tổng thống George W Bush và Barack Obama, thậm chí cả khi Bắc Kinh muốn đưa mọi thứ "quay lại đúng hướng".
"Một cuộc đối thoại chiến lược là câu chuyện của ngày hôm qua. Việc thúc đẩy cuộc gặp này giữa 2 bên chỉ 50 ngày sau khi ông Biden nhậm chức vốn đã rất khó khăn rồi... Dù vậy, Mỹ phần nào đã thể hiện thiện chí khi mới các quan chức Trung Quốc tới Mỹ và tổ chức một cuộc gặp ở Alaska, một địa điểm ở giữa hai bên", chuyên gia Pang Zhongying bình luận.
Ngày 12/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, còn được gọi là Quad, nhằm thảo luận về sự "gây hấn" và các hành động "cưỡng ép" của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng sẽ tới Tokyo và Seoul vào đầu tuần này để gặp những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc.
Chuyên gia Pang nhận định, sự sắp xếp lịch trình trên phản ứng chính sách ngoại giao giàu kinh nghiệm từ Washington bởi dường như Mỹ đang tìm cách giăng "thiên la địa võng" với Trung Quốc. Chuyên gia này cũng đánh giá Mỹ "rất thẳng thắn" khi tuyên bố mối quan hệ song phương này bao hàm cả đối đầu, cạnh tranh và hợp tác.
"Thậm chí cả khi họ không thể trao đổi về những vấn đề quan trọng trong cuộc gặp này, đây cũng là điểm khởi đầu bởi dù sao, hai nhà lãnh đạo của 2 nước sẽ phải gặp nhau vào một thời điểm nào đó. Hai bên vẫn chưa thực sự đàm phán. Đây mới là giai đoạn tiền đàm phán, vì thế, chúng ta không nên đặt quá nhiều kỳ vọng".
Cành ô liu hay lời cảnh báo?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhận định với báo giới hồi tuần trước rằng, Mỹ có kế hoạch đối phó với Trung Quốc "từ vị thế sức mạnh" qua việc kêu gọi các đồng minh của Washington ở Ấn Độ - Thái Bình Dương cùng hợp tác, tái gia nhập các tổ chức đa phương và nhấn mạnh vào các giá trị Mỹ.
"Không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi thực hiện các bước đi trên trước khi trao đổi với Bắc Kinh ở một cấp độ cao hơn", người phát ngôn Ned Price cho hay.
Ren Xiao, giám đốc Trung tâm Chính sách đối ngoại Trung Quốc tại Đại học Fudan nhận định, dù vậy, việc hai bên tham gia vào một cuộc trao đổi vẫn có ý nghĩa quan trọng để "ngăn chặn sự hiểu lầm và vượt qua những quan điểm trái ngược".
"Tôi không nghĩ họ có thể giải quyết những vấn đề cụ thể nhưng cuộc gặp này sẽ khiến hai bên hiểu đúng về ý định của nhau. Có nhiều vấn để cần thảo luận sâu hơn trong những cuộc gặp khác bởi chúng liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau và chúng cần được giải quyết dần trong 4 năm tới", chuyên gia này cho hay.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tuần trước cho biết, cuộc gặp diễn ra trên lãnh thổ của Mỹ có ý nghĩa quan trọng. Bà Jen Psaki cũng thông báo phía Mỹ sẽ nêu những quan ngại của nước này về các vấn đề như Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc), đại dịch Covid-19, cũng như thảo luận về cách thức hai nước có thể hợp tác cùng nhau.
Một học giả giấu tên ở Bắc Kinh đánh giá cả Mỹ và Trung Quốc đều không đặt kỳ vọng cao vào cuộc gặp sắp tới với sự tham gia của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, những người vốn có quan điểm rất cứng rắn và rõ ràng.
"Viễn cảnh lý tưởng cho phía Trung Quốc là có một tuyên bố chung sau đó, thể hiện những tín hiệu tích cực và cho thấy sẽ có những cuộc trao đổi trong tương lai giữa 2 bên", học giả này nhận định.
"Dù vậy, có lẽ sẽ không có một tuyên bố như vậy bởi Mỹ đã khẳng định rõ ràng rằng nếu Trung Quốc không đưa ra nhượng bộ thì sẽ không có bất kỳ cuộc trao đổi nào nữa. Tuy nhiên, với những vấn đề liên quan đến Hong Kong (Trung Quốc) và Tân Cương, về cơ bản sẽ không có sự nhượng bộ nào từ phía Trung Quốc".
Wang Huiyao, người sáng lập và là chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa thì nói rằng cả Bắc Kinh và Washington đều hiểu mối quan hệ của hai bên bao gồm cả cạnh trạnh và hợp tác.
"Gặp mặt trực tiếp chắc chắn vẫn tốt hơn là không gặp. Một cuộc gặp trực tiếp có giá trị bằng cả nghìn hình thức giao tiếp khác. Tôi chắc chắn đây không phải cuộc gặp duy nhất và nó sẽ còn tiếp tục", chuyên gia Wang Huiyao đánh giá.
Tin nổi bật
Tin Video