Cuộc gặp lịch sử trong quan hệ Nhật - Hàn
(VOVTV) - Ngày 16/3, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk–yeol bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản và dự kiến có cuộc hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Hàn Quốc đến Nhật Bản kể từ năm 2011, được kỳ vọng sẽ trở thành một dấu mốc quan trọng để cải thiện và phát triển quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản.
Chuyến thăm diễn ra sau khi Hàn Quốc công bố kế hoạch chấm dứt tranh cãi hiện nay về vấn đề lao động thời chiến với Nhật Bản, cho thấy thiện chí thúc đẩy mối quan hệ tích cực của Hàn Quốc với Nhật Bản. Trước đó, Hàn Quốc cũng dừng việc khiếu nại Nhật Bản lên Tổ chức Thương mại thế giới liên quan các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản đối với các vật liệu sử dụng cho công nghệ cao. Những động thái tích cực nhằm phá băng quan hệ với Nhật Bản của chính phủ Hàn Quốc làm “mềm lòng" Nhật Bản, đồng thời phủ lên khu vực một năng lượng tích cực.
Điểm nhấn
Chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk–yeol có những điểm nhấn quan trọng không phải bất cứ chuyến thăm cấp cao nào cũng có được, nhất là trong thời điểm hiện tại.
Thứ nhất, thể hiện chính sách ngoại giao hai nước có những thay đổi tích cực khi khẳng định coi trọng hợp tác với các nước láng giềng. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk–yeol trong thời gian gần đây đều có những phát biểu thể hiện mạnh mẽ hy vọng cải thiện quan hệ hai bên vốn đã nguội lạnh từ lâu. Trong Sách Trắng Quốc phòng, hai bên đều nhấn mạnh rằng từng nước đều là nước láng giềng quan trọng và có nhiều lợi ích trong tương lai.
Thứ 2, khẳng định lời hứa của cả hai bên đều được thực hiện. Vào ngày 10/5 năm ngoái, khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống, ông Yoon Suk-yeol bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ hướng tới tương lai với Nhật Bản bất chấp những tranh chấp chưa được giải quyết như vấn đề phụ nữ mua vui trong thời chiến; lao động cưỡng bức… Theo đó, Tổng thống Yoon Suk –yeol đã có những hành động cụ thể khi ngay lập tức sau đó đã cử một phái đoàn tham vấn chính sách tới Nhật Bản cùng với một lá thư gửi tới Thủ tướng Fumio Kishida, hay tăng cường các cuộc điện đàm, gặp gỡ bên lề tại các Hội nghị…đề cập tới việc cải thiện quan hệ hai nước.
Đối với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuy không được coi là quyết liệt như Tổng thống Yoon Suk–yeol, nhưng trong chính sách ngoại giao được công bố sau khi nhậm chức Thủ tướng vào tháng 10/2021, việc cải thiện quan hệ với Hàn Quốc được coi là nhiệm vụ cần thực hiện. Điều đáng nói là Nhật Bản đã thay đổi cách nhìn nhận đối với Hàn Quốc trong các vấn đề mâu thuẫn, dần cởi bỏ quan điểm cũ, hoan nghênh và cũng chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc hội đàm vốn đã mong đợi từ lâu.
Thứ 3, nhấn mạnh việc bình thường hóa quan hệ song phương không chỉ mang lại lợi ích cho hai nước, mà còn là tín hiệu tích cực cho cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Hàn Quốc lần này đã đánh dấu bước tiến đáng kể trong mối quan hệ Hàn-Nhật.
Mâu thuẫn có được giải quyết?
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk–yeol và Thủ tướng Kishida Fumio sẽ có cuộc hội đàm mang tính lịch sử. Tại hội đàm, những biện pháp cụ thể nhằm giải quyết các khúc mắc giữa hai bên là chủ đề chính được dư luận quan tâm.
Hai bên dự kiến sẽ thảo luận việc nối lại hoạt động "ngoại giao con thoi" sau 12 năm gián đoạn. Hoạt động ngoại giao con thoi Hàn-Nhật bắt đầu vào năm 2004 qua các chuyến thăm thường niên của lãnh đạo hai nước, song đã bị ngưng trệ sau chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Lee Myung-bak vào tháng 12/2011.
Nội dung quan trọng đặc biệt chắc chắn được đề cập là việc bồi thường cho nạn nhân thời chiến theo phán quyết của Tòa án Hàn Quốc. Về vấn đề này, Nhật Bản luôn coi đó là điều không thể chấp nhận được và nhiều lần yêu cầu Hàn Quốc phải có biện pháp giải quyết cụ thể. Riêng phía Hàn Quốc, đặc biệt là Tổng thống Yoon Suk–yeol đã từng cân nhắc giải pháp hợp lý là để bên thứ ba-tổ chức trực thuộc Chính phủ chi trả các khoản bồi thường. Tuy nhiên, Tổng thống Yoon Suk–yeol nhận định phán quyết năm 2018 của Tòa án tối cao yêu cầu các doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường cho nạn nhân có nhiều mâu thuẫn với “Hiệp định về quyền yêu sách Hàn-Nhật" năm 1965. Theo đó, ông nhấn mạnh nghĩa vụ của bản thân trong việc giải quyết vấn đề này một cách hợp lý.
Như vậy, có thể lạc quan nói rằng ánh sáng của mâu thuẫn không chỉ nhìn thấy ở phía cuối con đường, mà ánh sáng đang rất gần.
Bên cạnh đó, một nội dung không thể không bàn tới, thậm chí là vấn đề khai mào cho hội đàm lần này đó là thúc đẩy hợp tác Hàn-Nhật, Hàn-Nhật-Mỹ trước các động thái khiêu khích hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên ngày càng gia tăng. Cụ thể, hai bên có khả năng xúc tiến nhanh việc chia sẻ thông tin về radar định vị tên lửa của Triều Tiên.
Ngoài ra, việc thúc đẩy hợp tác, giao lưu văn hóa, ngoại giao nhân dân…sẽ được đề cập chi tiết, bởi đây là những vấn đề từ trước đến nay vẫn đang duy trì và chờ đợi cơ hội mới cho sự phát triển mạnh mẽ mới.
Tăng cường an ninh khu vực
Trong bối cảnh tình hình khu vực Đông Bắc Á và thế giới đang đối mặt với những bất ổn hiện hữu như Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa; xung đột Nga-Ukraine chưa thấy dấu hiệu của một kết thúc sớm; tình hình kinh tế khó khăn khi vài ngày trước ngân hàng Silicon Valley của Mỹ sụp đổ và khả năng tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu…thì an ninh quốc gia trong tất cả các vấn đề trên vô cùng quan trọng trong chính sách của mỗi nước.
Bởi vậy, trong cuộc hội ngộ lịch sử này, hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ nỗ lực để làm thế nào tổ chức trở lại Đối thoại an ninh Nhật-Hàn. Nếu thuận lợi thì trong vòng 5 năm trở lại đây, Đối thoại an ninh hai nước sẽ có cơ hội được tổ chức, thống nhất được những vấn đề cụ thể đảm bảo an ninh, an toàn mang tính toàn cầu với sự tham gia của hai bên.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno trong buổi họp báo ngày 15/3 nhấn mạnh rằng Hàn Quốc là nước láng giềng quan trọng cần hợp tác ở nhiều vấn đề trong đó có vấn đề mang tính toàn cầu. Hợp tác song phương và hợp tác Nhật-Hàn-Mỹ có vai trò không thể thiếu nhằm thực hiện chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Cụ thể các bên cho rằng sự liên kết mở rộng và chặt chẽ sẽ ngăn chặn được chiến lược mở rộng phát triển hạt nhân của Triều Tiên ở mức độ nào đó, hay giải quyết vấn đề an ninh hàng hải khi có quốc gia vẫn đang đơn phương thay đổi hiện trạng với mục đích mở rộng ảnh hưởng…Như vậy, vượt qua những khúc mắc để thúc đẩy quan hệ hợp tác phục vụ mục đích lợi ích chung là biện pháp mà Nhật Bản và Hàn Quốc mong muốn xây dựng trong thời gian tới. Bởi hai bên nhận thức được rõ ràng vị thế của họ trong khu vực cũng như trên thế giới khi đều là đồng minh của Mỹ.
Việc “phá băng” quan hệ Nhật-Hàn không chỉ mở ra kỳ vọng cải thiện quan hệ song phương mà còn góp phần củng cố quan hệ đối tác an ninh 3 bên Hàn-Mỹ-Nhật nhằm giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu.