Cuộc đua vaccine ngừa Covid-19 giữa các cường quốc
Ngày 2/12, Anh chính thức cấp phép sử dụng vaccine ngừa Covid-19 và tiến hành tiêm chủng cho toàn dân vào tuần tới. Động thái này của Anh đã kích hoạt cuộc đua cấp phép vaccine ngừa Covid-19 giữa các cường quốc. Ngay sau Anh, Nga là quốc gia mới nhất tuyên bố sẽ tiêm chủng cho toàn dân vào tuần tới.
Tổng thống Nga Putin cho biết, Nga đã sản xuất được khoảng hai triệu liều vaccine phòng Covid-19 và Nga sẽ bắt đầu tiêm chủng cho hai nhóm người có nguy cơ cao là bác sĩ và giáo viên trong tuần tới.
Không chỉ có Nga, các nước khác như Italia, Mỹ cũng đã lên kế hoạch cho đợt tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho toàn dân trong thời gian sớm nhất.
Theo Bộ trưởng Y tế Italia Roberto Speranza, chính phủ đang đặt mua 202 triệu liều vaccine Covid-19 từ các công ty khác nhau và đang chờ cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu phê duyệt. Ông Speranza cho biết, chiến dịch tiêm vaccine ở Italia sẽ được thực hiện từ mùa xuân đến mùa hè năm 2021, đối tượng ưu tiên tiêm trước là nhân viên y tế, người cao tuổi và những người sống trong viện dưỡng lão.
Mỹ cũng đang lên kế hoạch chuẩn bị tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho các nhóm đối tượng đầu tiên, sau khi hai hãng dược của nước này là Pfizer liên kết với hãng BioNTech của Đức và Moderna nộp đơn xin cấp phép sử dụng vaccine Covid-19 khẩn cấp lên Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).
Theo kế hoạch vào tuần tới, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ sẽ thảo luận về trường hợp vaccine của Pfizer và BioNTech để quyết định có cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin này hay không. Nếu được cấp phép, vắc-xin của Pfizer và BioNTech sẽ bắt đầu được đưa đi phân phối ngay trong tháng này.
Trước nhu cầu khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 tăng cao, các cơ quan cấp phép dược phẩm trên toàn cầu như Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) hay Tổ chức Y tế thế giới cũng đẩy nhanh quá trình phê duyệt vaccine của Pfizer và BioNTech. Tuy vậy, Tổ chức Tổ chức Y tế thế giới cũng cho rằng, thế giới vẫn cần có nhiều loại vaccine hơn nữa để đối phó với đại dịch.
Ông Mike Ryan, người đứng đầu Chương trình Y tế Khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới cho biết: “Tôi nghĩ là chúng ta cần phát triển thêm vaccine, chúng ta không nên dừng lại, chúng ta cần nhiều hơn những thành quả hiện nay, ba hoặc bốn loại vaccine. Chúng ta cần tăng sản lượng, giảm giá thành. Chúng tôi cũng ưu tiên những loại vaccine chỉ cần sử dụng một liều, vì tất cả vắc-xin cho đến nay đều là vaccine hai liều. Vì vậy, sự đổi mới vẫn chưa thể kết thúc, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, cần tiếp tục ủng hộ nghiên cứu.”
Về phần mình, Pfizer và BioNTech dự kiến sẽ đưa ra thị trường 50 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm nay và tăng sản lượng lên hơn 1 tỷ liều vào năm sau đồng thời khẳng định sẽ cung cấp đủ số lượng vắc-xin ngăn ngừa Covid-19 đáp ứng nhu cầu toàn cầu để chống lại đại dịch Covid-19.
Giám đốc điều hành của Hãng dược phẩm Mỹ Pfizer Inc, ông Albert Bourla cho biết sẽ cung cấp số lượng vaccine nhiều hơn so với nhu cầu sử dụng của thế giới. Nhưng trong 6 tháng đầu tiên có thể sẽ xảy ra tình trạng sản lượng ít hơn so với nhu cầu nên ông mong muốn chính phủ sẽ phân bổ vaccine công bằng và có phương pháp hiệu quả.
Trước đó vào hôm qua, Anh đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt lưu hành vắc-xin ngừa COVID-19, khi Cơ quan quản lý dược phẩm của nước này cấp phép sử dụng vắc-xin do hãng Pfizer của Mỹ và hãng BioNTech của Đức đồng phát triển./.
Tin nổi bật
Tin Video