Thế giới

Cuộc đua phát triển thuốc chữa Covid-19: Biến đại dịch thành bệnh có thể điều trị ở nhà?

Cùng với vaccine, các nhà khoa học trên thế giới đang bước vào cuộc đua phát triển các loại thuốc chữa Covid-19 nhằm gia tăng công cụ đối phó với virus SARS-CoV-2 và giúp những người mắc bệnh có thể điều trị ở nhà.

29/07/2021 09:12

Lấp đầy một trong những khoảng trống lớn nhất

Một công ty Nhật Bản đã bắt đầu cuộc thử nghiệm trên người loại thuốc điều trị Covid-19 đầu tiên dùng 1 lần/ngày, đồng thời cùng với Pfizer và Merck tham gia vào cuộc đua tìm kiếm thuốc chữa bệnh dịch này.

Công ty Shionogi có trụ sở ở Osaka, Nhật Bản cho biết, công ty này dự định phát triển một loại thuốc tấn công vào virus SARS-CoV-2. Theo Shionogi, loại thuốc dùng 1 lần/ngày này sẽ thuận tiện hơn. Công ty này đang thử nghiệm loại thuốc trên và các phản ứng phụ của nó trong những cuộc thử nghiệm đã bắt đầu vào tháng này và có thể sẽ tiếp tục cho tới năm sau.

Shionogi đã đi sau Pfizer và Merck nhiều tháng, những công ty đã bắt đầu bước vào các cuộc thử nghiệm giai đoạn sau của thuốc chữa Covid-19. Pfizer cho biết loại thuốc dùng 2 lần/ngày mà công ty này phát triển sẽ ra thị trường sớm nhất vào năm nay. Công ty này cũng đang chuẩn bị cho cuộc thử nghiệm thuốc chống virus trên hơn 2.000 bệnh nhân.

Cả 3 công ty trên đều hướng đến việc lấp đầy một trong những khoảng trống lớn nhất trong cuộc chiến đối phó với Covid-19. Vaccine vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa các ca bệnh trở nặng sau khi nhiễm các biến thể của virus SARS-CoV-2, trong đó có cả biến thể Delta dễ lây nhiễm. Tuy nhiên, một số người không muốn tiêm vaccine và thậm chí cả những người đã tiêm vaccine vẫn có thể mắc bệnh.

Cuộc đua phát triển thuốc chữa Covid-19: Biến đại dịch thành bệnh có thể điều trị ở nhà? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: DW

Các loại thuốc điều trị hiện nay, bao gồm cả thuốc remdesivir chống virus của công ty Gilead Sciences nhìn chung đều phải được thông qua ở các bệnh viện và chỉ được sử dụng trong một vài thời điểm. Các loại thuốc khác có thể được sử dụng trong các bệnh viện gồm có các loại thuốc kháng thể đơn dòng như loại thuốc của công ty Regeneron Pharmaceuticals và steroid dexamethasone, một loại thuốc chống viêm và dị ứng.

Hiện nay, các nhà sản xuất thuốc đang tìm kiếm một loại thuốc mà những người mắc Covid-19 có thể sử dụng ở nhà nếu họ có các triệu chứng nhẹ. Những loại thuốc như vậy từng được sản xuất để điều trị cúm, trong đó có Tamiflu của Roche Holding AG và Xofluza của Shionogi, mặc dù chúng không hiệu quả để điều trị cho tất cả bệnh nhân và cần phải được bác sĩ kê đơn.

"Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một loại thuốc uống an toàn như Tamiflu và Xofluza", ông Isao Teshirogi, giám đốc điều hành Shionogi cho hay. Ông cũng cho biết, thuốc chữa Covid-19 của Shionogi có thể vô hiệu hóa virus 5 ngày sau khi bệnh nhân sử dụng.

Theo ông Teshirogi, Shionogi dự kiến sẽ thử nghiệm loại thuốc này trên 50 - 100 tình nguyện viên khỏe mạnh ở Nhật Bản. Một cuộc thử nghiệm lớn hơn so sánh giữa thuốc này và giả dược trên bệnh nhân Covid-19 cũng sẽ bắt đầu ở Nhật Bản vào nửa cuối năm nay.

Tỷ lệ thất bại đối với những cuộc thử nghiệm thuốc nhìn chung khá cao. Bất kỳ phản ứng phụ nào, thậm chí cả những phản ứng tương đối nhẹ như nôn mửa, cùng có thể khiến thuốc chữa Covid-19 trở nên phi thực tế cho việc điều trị tại nhà.

Hiện vẫn chưa rõ liệu việc loại bỏ virus trong bệnh nhân mắc Covid-19 có giúp giảm những triệu chứng phức tạp như lượng oxy suy giảm khiến người mắc Covid-19 phải nhập viện hay không, các nhà nghiên cứu thuốc chữa Covid-19 đặt câu hỏi.

Không chỉ dừng lại ở vaccine

Thuốc chữa Covid-19 của Pfizer và Shionogi có thể ngăn chặn các ca mắc bằng cách ngăn chặn một loại enzyme gọi là protease mà virus cần để tự sao chép trong tế bào con người. 

Chất ức chế protease từng được sử dụng rộng rãi nhằm chống lại các virus khác như HIV, virus gây nên bệnh AIDS, nhưng khả năng chống chịu của virus cũng là một thách thức tiềm ẩn.

"Chúng ta đã rút ra bài học từ virus HIV rằng nếu không chú ý đến khả năng chống chịu của virus, bạn sẽ phát triển một loại thuốc mà rất nhanh chóng sẽ trở nên lỗi thời", Daria Hazuda, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu của Merck ở Cambridge, Mass cho hay.

Ông Teshirogi đánh giá, nghiên cứu ban đầu cho thấy virus không dễ phát triển các đột biến để thoát khỏi tác động từ loại thuốc của Shionogi.

Loại thuốc của Merck, hiện đang phát triển cùng với đối tác Ridgeback Biotherapeutics, cũng có tác dụng trong việc cản trở sự nhân lên của virus, bác sĩ Hazuda nói.

Merck cho biết hồi tháng 4 rằng, loại thuốc của công ty này, vốn được nghiên cứu cách đây nhiều năm như một phương pháp điều trị Ebola, đã thành công trong việc giảm tải lượng virus trong bệnh nhân Covid-19 và hạn chế nguy cơ phải nhập viện. Các nghiên cứu lớn hơn đang trong quá trình thực hiện, tập trung vào các bệnh nhân mắc Covid-19 từ 5 ngày trước đó và có những nhân tố rủi ro khiến bệnh diễn biến nghiêm trọng.

"Cho tới nay, dữ liệu về các biện pháp can thiệp cho thấy, càng chờ đợi lâu, chúng ta càng rơi vào bất lợi", ông Hazuda bình luận.

Trước đó, các nhà khoa học Israel cũng cho biết, họ xác định được 3 loại thuốc có triển vọng tốt trong điều trị Covid-19 khi đưa ra những kết quả được tiến hành trong phòng thí nghiệm.

Họ đã đặt các loại thuốc trên cùng với virus SARS-CoV-2 sống và tế bào con người vào trong ống nghiệm. Kết quả cho thấy "những loại thuốc này có thể bảo vệ các tế bào khỏi sự phá hủy của virus với hiệu quả gần 100%, tức là gần 100% tế bào vẫn sống mặc dù bị nhiễm virus", Giáo sư Isaiah Arkin thuộc Đại học Hebrew cho biết.

"Trái lại, trong điều kiện bình thường, khoảng một nửa tế bào sẽ chết 2 ngày sau khi tiếp xúc với virus", chuyên gia này cho hay, đồng thời khẳng định có những minh chứng rõ ràng cho thấy những loại thuốc trên có hiệu quả mạnh mẽ để đối phó với các biến thể đang thay đổi.

"Chúng ta đã có vaccine nhưng chúng ta không nên thỏa mãn với những gì mình đang có và tôi muốn chứng kiến những loại thuốc này trở thành một phần trong 'kho vũ khí" chống lại virus SARS-CoV-2".

Giáo sư Arkin lạc quan cho rằng các loại thuốc trên sẽ có hiệu quả với những biến thể trong tương lai dựa trên những gì họ đang nhằm vào.

"Các protein bao ngoài trong virus SARS-CoV-2 giống tới 95% các protein tương tự trong virus SARS vào đợt bùng phát năm 2003, trong khi protein gai giống tới chưa đến 80%. Điều đó tức là nếu chúng ta nhằm vào các protein bao ngoài, nhiều khả năng chúng ta có thể không phải chịu đựng đại dịch này nữa".

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn