Tin tức

Cuộc chiến Nga - Ukraine đặt thế giới vào nguy cơ chiến tranh hạt nhân ngày càng lớn

Các nhà lãnh đạo thế giới đã cảnh báo cuộc chiến ở Ukraine có thể châm ngòi cho chiến tranh hạt nhân và điều này khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi thế giới hiện tiến gần đến thảm họa này như thế nào?

19/03/2022 07:06

Chiến tranh hạt nhân ở ngay trước mắt?

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ngày 14/3 đã nhận định với báo giới tại New York rằng: "Chiến tranh hạt nhân, điều chúng ta từng không thể nào nghĩ tới, hiện đã là khả năng hiện hữu".

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh lực lượng hạt nhân cảnh giác cao vào tháng trước, đồng thời cảnh báo phương Tây về "những hậu quả thảm khốc" nếu can thiệp vào chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

Cuộc chiến Nga - Ukraine đặt thế giới vào nguy cơ chiến tranh hạt nhân ngày càng lớn - Ảnh 1.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars của Nga được phóng trong cuộc tập trận của lực lượng hạt nhân trong video được Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 19/2. Ảnh: Reuters

Mặc dù Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định chiến tranh hạt nhân không thể xảy ra, nhưng sự e ngại về khả năng Tổng thống Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân đã tiết chế phản ứng của phương Tây trong cuộc xung đột này, trong đó có việc phương Tây từ chối thực hiện vùng cấm bay ở Ukraine theo đề nghị của Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Ukraine đã từ bỏ kho vũ khí hạt nhân thời Liên Xô vào năm 1994. Chỉ có Nga hoặc các cường quốc hạt nhân khác như Pháp, Anh và Mỹ mới có thể khiến cuộc chiến ở Ukraine leo thang thành chiến tranh hạt nhân.

Nga không muốn leo thang đến ngưỡng chiến tranh hạt nhân? 

Pavel Podvig, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Giải trừ Quân bị ở Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Geneva cho biết khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân là rất thấp nếu cuộc xung đột chỉ giới hạn trong lực lượng của Nga và Ukraine.

"Rất khó để tưởng tượng rằng Nga sẽ bắt đầu sử dụng vũ khí hạt nhân... Họ không có ‘tối hậu thư quân sự’ trong tình huống này", ông Podvig giải thích.

Học thuyết quân sự của Nga giới hạn vũ khí hạt nhân chỉ sử dụng trong những trường hợp có các hành vi gây hấn nhằm vào nước Nga. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, nguy cơ tấn công hạt nhân sẽ gia tăng "nếu có xung đột trực tiếp với sự tham gia của NATO hoặc Mỹ".

30 thành viên của NATO bao gồm cả những cường quốc hạt nhân như Mỹ, Anh và Pháp, cũng như các nước có biên giới giáp với Ukraine như Ba Lan. Ông Podvig cho rằng chiến tranh hạt nhân sẽ là "điều tồi tệ nhất cho cả thế giới".

Trong khi đó, nhà quan sát Alberque William Alberque - Giám đốc nghiên cứu Kiểm soát Vũ trang, Công nghệ và Chiến lược tại Viên Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London thì nhận định, Tổng thống Putin sẽ sử dụng những kịch bản có rủi ro cao, chẳng hạn như chiến tranh hạt nhân để gây sức ép cho đối phương. Ông cũng lo ngại về thái độ sẵn sàng "nói là làm" của nhà lãnh đạo Nga.

Dù vậy, chuyên gia này vẫn cho rằng Tổng thống Nga không muốn leo thang xung đột đến ngưỡng chiến tranh hạt nhân.

John Erath, giám đốc chính sách cấp cao tại Trung tâm Kiểm soát vũ trang và Không phổ biến vũ khí hạt nhân có trụ sở tại Washington nhận định: "Bất kỳ thời điểm nào, nếu có một quốc gia hạt nhân nào đó tham gia vào cuộc xung đột này, mối nguy hiểm sẽ trở nên hiện hữu. Càng nhiều quốc gia hạt nhân tham gia, càng có nhiều vũ khí hạt nhân thì mối nguy hiểm càng lớn".

Sự đổ vỡ của các thỏa thuận kiểm soát vũ khí

Các chuyên gia cảnh báo, mối đe dọa hạt nhân không chỉ giới hạn trong cuộc chiến Nga - Ukraine. Nếu cuộc xung đột này kết thúc mà không có chiến tranh hạt nhân xảy ra, những bài học trong lịch sử cho thấy, điều đó vẫn có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới và đẩy các nước tăng thay vì giảm sự phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân.

Hans M. Kristensen, giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân tại Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ có trụ sở tại Washington bày tỏ sự lo ngại về “số phận” các hiệp ước kiểm soát vũ khí, trong đó có Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (New START) và khả năng làm mới nó vào năm 2026. New START là thỏa thuận kiểm soát vũ trang duy nhất còn lại và sẽ hết hạn vào năm 2026. Khi đó, "lần đầu tiên kể từ những năm 1970, không có bất kỳ giới hạn nào với các hình thức vũ khí hạt nhân".

Chuyên gia Erath đánh giá, một trong những lợi ích của hiệp ước START là nó bắt buộc các bên ký kết, gồm Nga và Mỹ, phải minh bạch về các chương trình vũ khí của mình - một điều khoản giúp kiềm chế cuộc chạy đua vũ trang.

Cả 4 chuyên gia đều cho rằng trong khi cuộc chiến ở Ukraine làm dấy lên mối nguy hiểm về sự leo thang hạt nhân thì nó còn có nguy cơ khiến các hiệp ước kiểm soát vũ trang khó có thể tiếp tục duy trì hoặc làm mới. Ông Podvig cùng cho biết ông lo ngại ý tưởng sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ được bình thường hóa khi các quốc gia cho rằng điều đó sẽ bảo vệ họ.

Chiến tranh hạt nhân sẽ là kết thúc của nền văn minh

Theo đánh giá mới nhất vào đầu năm 2022, Nga có khoảng 4.477 đầu đạn hạt nhân, nếu tính cả đầu đạn đã không sử dụng nữa thì là 6.000. Trong khi đó, Mỹ có khoảng 5.500 đầu đạn với 3.800 đầu đạn trong số đó có thể triển khai nhanh. Nếu toàn bộ vũ khí này được kích hoạt, sức phá hủy của nó khó có thể tính toán toàn diện. Ước tính, đương lượng nổ tương đương với khoảng 3 triệu tấn TNT đã được kích hoạt trong Thế chiến II. Lấy một ví dụ so sánh, mỗi tàu ngầm Trident của Anh đã có thể mang 4 megaton TNT, tương đương với 40 đầu đạn hạt nhân. Điều đó tức là mỗi tàu ngầm này đã có thể gây ra những vụ nổ với sức phá hủy lớn hơn toàn bộ những vụ nổ hạt nhân diễn ra trong Thế chiến II.

Cuộc chiến Nga - Ukraine đặt thế giới vào nguy cơ chiến tranh hạt nhân ngày càng lớn - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Alliance For Science

Một nghiên cứu năm 2008 đã xem xét kịch bản chiến tranh hạt nhân Nga và Mỹ với việc Nga sử dụng 2.200 vũ khí hạt nhân nhắm vào các nước phương Tây trong khi Mỹ nhắm vào Nga và Trung Quốc với mỗi nước sử dụng 1.100 vũ khí. Như vậy, tổng cộng 4.400 đầu đạn hạt nhân được kích hoạt, tương đương với khoảng một nửa kho hạt nhân mà Mỹ và Nga sở hữu hiện nay.

Theo nghiên cứu này, nếu một cuộc chiến hạt nhân toàn diện xảy ra, ước tính sẽ có 770 triệu người thương vong trực tiếp và tạo ra khoảng 180 teragram (1 teragram bằng 1 triệu tấn) tro bụi từ các thành phố và các khu rừng đang bốc cháy. Tại Mỹ, khoảng một nửa dân số trong phạm vi 5km quanh khu vực số 0 (zero ground) và 1/5 dân số nước này sẽ thiệt mạng ngay lập tức.

Một nghiên cứu sau đó vào năm 2019 thì cho rằng sẽ có khoảng 150 teragram tro bụi trong không khí sau khi chiến tranh hạt nhân toàn diện nổ ra. Vụ nổ này có thể tạo nên nhiều khói tới nỗi chỉ 30 - 40% ánh sáng Mặt trời chiếu tới bề mặt Trái Đất trong 6 tháng.

Nhiệt độ sẽ giảm mạnh trong khi thời tiết luôn dưới 0 độ C trong suốt mùa hè ở Bán cầu Bắc. Tại Iowa, mô hình trên cho thấy nhiệt độ sẽ ở mức dưới 0 độ C trong 760 ngày liên tiếp. Sẽ không có mùa nào khác trong năm ngoài mùa đông hạt nhân.

Không chỉ nhiệt độ giảm mà vụ nổ hạt nhân còn kéo theo nhiều hệ lụy khác và có thể phải mất khoảng 1 thập kỷ để khí hậu quay trở về trạng thái bình thường trên hành tinh của chúng ta.

Vào lúc đó, phần lớn nhân loại đã diệt vong. Sản lượng lương thực trên thế giới giảm hơn 90% gây nên nạn đói toàn cầu khiến hàng tỷ người chết. Tại hầu hết các quốc gia, chưa tới 1/4 dân số sống sót vào cuối năm thứ 2 của viễn cảnh này.

Lấy một số liệu khác để so sánh, với 150 teragram tro bụi từ chiến tranh hạt nhân, con số này tương đương với lượng khói và tro bụi trong bầu khí quyền khi một thiên thạch va vào Trái Đất cách đây 65 triệu năm, xóa sổ loài khủng long và 2/3 loài vào thời điểm đó.

Cái giá của chiến tranh hạt nhân là sự tự sát của hành tinh và không có bất kỳ bên nào giành chiến thắng.

Chính phó giám đốc Cơ quan Kiểm soát vũ khí và Không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Bộ Ngoại giao Nga Igor Vishnevetsky cũng cho rằng: "Kiểu chiến tranh này sẽ không xảy ra. Nhiều chuyên gia hiểu rõ về các hậu quả của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Đó sẽ là sự chấm dứt của nền văn minh và không được phép xảy ra dưới bất kỳ hình thức nào".

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn