Cuộc chiến giữa tiền đạo và hậu vệ ở Premier League đã thay đổi
Ở Premier League, các tiền đạo như Greenwood và Jota đang tiến hóa mỗi ngày để trở nên linh hoạt trong mọi hệ thống chiến thuật. Thế nên, bây giờ, các hậu vệ không đơn thuần là chống lại một bộ ba tấn công hay một số 9 thực thụ, mọi thứ còn phức tạp hơn thế rất nhiều.
Với những lùm xùm xoay quanh tương lai của Harry Kane, đại chiến giữa Tottenham và Man City vào cuối tuần trước là bức tranh điển hình của bóng đá hiện đại. Với Kane chưa tập luyện, Tottenham buộc phải để Son Heung-min đá cao nhất. Với việc chiêu mộ Kane chưa thành công, Man City phải dùng Ferran Torres ở trung tâm hàng công.
Cả Son và Torres đều được coi là những cầu thủ chạy cánh. Ở đây, không phải chê khả năng ghi bàn của họ khi mỗi người đều đã lập hat-trick ở Premier League mùa trước, và cả hai đều hạnh phúc khi được chơi ở trung lộ. Nhưng bộ đôi này không phải những số 9 truyền thống.
Ở chiến thắng 3-0 trước Norwich, tiền đạo cắm của Liverpool là Diogo Jota. Như trên, tuyển thủ Bồ Đào Nha có xuất phát điểm là một cầu thủ bám biên.
Mason Greenwood cũng có những phút giây thăng hoa trong chiến thắng 5-1 của MU trước Leeds, đặc biệt gây ấn tượng với pha di chuyển dọc sân từ cánh trái băng vào vòng cấm dứt điểm nâng tỷ số lên 2-1. Greenwood được quy hoạch để thành một trung phong nhưng cả mùa trước, anh phải chơi bên hành lang phải.
Timo Werner thì vẫn còn là một điều bí ẩn với chính Chelsea. Werner không phải một tiền đạo cánh, cũng không giống một hộ công, cũng chẳng thể chơi như trung phong.
Cả 5 ứng viên hàng đầu cho chức vô địch Premier League mùa này đều không dùng một trung phong thực thụ nào ở vòng mở màn. Trên thực tế, điều này không phải phi lý nếu dựa trên cơ sở Cristiano Ronaldo và Lionel Messi đã thống trị thế giới hơn một thập kỷ qua.
"Hai tiền đạo đương đại xuất sắc nhất chỉ là tiền đạo chứ không phải trung phong", cựu danh thủ Alan Shearer nhận định. "Họ là những ví dụ tiêu biểu cho việc các tiền đạo đã biến đổi như thế nào. Vấn đề không phải là bạn ghi bàn như thế nào, đơn giản bạn phải làm được. Không ai miêu tả Ronaldo hay Messi là những tiền đạo bẩm sinh, hay số 9 thực thụ, nhưng hãy nhìn những gì họ làm được".
Thảo luận về vai trò của trung phong dựa trên khái niệm "số 9 ảo" đã hình thành từ 15 năm trước, kể từ khi Francesco Totti đứng cao nhất trong đội hình Roma dưới thời HLV Luciano Spalletti. Sau đó, vị trí này đạt đến đỉnh cao với Messi trong tay Pep Guardiola. Nhưng "số 9 ảo" vẫn được coi là một chiến thuật táo bạo, cầu kỳ, dùng làm phương án B nhiều hơn là một cách tiếp cận mặc định.
Cả 5 cầu thủ vừa nêu ở trên là Son, Torres, Greenwood, Jota và Werner đều không phải là "số 9 ảo". Greenwood thì thậm chí gần với "số 9" hơn. Jota thì chẳng giống "số 9 ảo" bằng người bị anh chiếm mất vị trí là Roberto Firmino. "Số 9 ảo" có thể hiểu là mũi tấn công trung lộ nhưng chơi như một "số 10" nhiều hơn là "số 9", gần như một tiền vệ công bổ sung.
Dẫu vậy, ý tưởng "số 9 ảo" vẫn ảnh hưởng lớn tới tiêu chí lựa chọn những tiền đạo đứng cao nhất của cả 5 đội bóng trên. Những người được chọn đều có thế mạnh là di chuyển tốc độ hơn là tác dụng tranh chấp. Tất cả chỉ cao từ 1m78 tới 1m84, họ thích chạy vào những khoảng trống hơn là lao vào những cuộc chiến tay đôi.
"Ronaldo chứng minh rằng những cầu thủ chạy cánh cũng có thể chơi ở trung lộ", Shearer tiếp tục. "Ronaldo xuất phát sự nghiệp ở biên phải nhưng đã trở thành một trong những tay săn bàn xuất sắc nhất mọi thời đại. Ronaldo ghi mọi loại bàn thắng. Vì thế, không nghi ngờ gì việc bạn có thể chuyển từ một cầu thủ bám biên sang thành một kẻ túc trực ở trung lộ, và biết cách làm thế nào để ghi bàn".
Nói về thời đại của mình, Shearer nhớ lại: "Khi tôi còn thi đấu, tôi luôn biết đối thủ của mình là ai trước mỗi trận. Lấy ví dụ: Tony Adams của Arsenal. Adams luôn thích những cuộc tranh chấp thể lực và tôi biết mình sẽ gặp khó. Ngược lại, Frank Leboeuf của Chelsea thì cực ngại đối đầu. Anh ta rất khác so với Adams, rất giỏi dùng chân nhưng lại luôn là đối tượng mà tôi nhắm vào".
Nhưng ở thời hiện đại, các tiền đạo có xu hướng tranh chấp với trung vệ đối phương. Nedum Onuoha, người từng có 188 trận thi đấu ở Premier League cho Man City, Sunderland và QPR từ 2004 tới 2015, giải thích về cách các trận đấu đã thay đổi:
"Khi tôi mới bắt đầu chơi bóng, vẫn còn rất nhiều đội chơi như Burnley bây giờ. Đó là cách cũ, nơi mà người ta luôn nói với các trung vệ là: "Phòng ngự đi, đánh đầu đi, phá bóng đi". Thứ đó không còn tồn tại nữa. Các trung vệ giờ phải hiểu về chiến thuật, đương nhiên là của cả đối thủ. Các tiền đạo ngày nay rất biết cách đứng vị trí. Bạn không thể thắng đối đầu khi phải đụng độ những số 9 ảo.
Trước đây, bạn còn nhìn thấy các số 9, nhìn thấy những cuộc tranh chấp ở khắp nơi. Nhưng không còn số 9 nữa khiến bạn gặp thêm vấn đề tâm lý, bạn phải theo dõi và nắm bắt tất cả mọi thứ đang diễn ra trên sân. Tôi thích được đối đầu với một số 9 hơn, tranh chấp trên không cả trận cũng được. Còn không thì bạn chẳng thể chiếm lợi thế từ họ, nếu không muốn bỏ lại một khoảng trống phía sau.
Khi Italia đấu với Tây Ban Nha ở bán kết EURO 2020, tôi thấy Chiellini và Bonucci săn lùng Dani Olmo nhưng chẳng bao giờ làm được. Và khi bạn quá lạm dụng việc đó, hai tiền đạo cánh của đối phương sẽ tiến vào khoảng trống mà bạn bỏ lại phía sau. Các hậu vệ biên của bạn không thể tự thiết lập bẫy việt vị.
Tôi đã nói chuyện với một cầu thủ từng đối đầu với Man City vào năm ngoái, và anh ấy nói điều khó khăn nhất là dù di chuyển đến đâu, anh ấy đều có cảm giác như mình bị dụ đến đấy, bởi vẫn còn thứ gì đó phía sau nữa. Ví dụ như khi anh ấy pressing tiền đạo cánh phải, rồi chợt nhận ra tiền đạo phải chỉ đứng ở đó để khiến các trung vệ - như anh ấy, mở toang không gian phía sau".
Để đối đầu với các tiền đạo kiểu mới, các trung vệ buộc phải thông minh hơn, biết chiến thuật hơn. Nhưng ở thời điểm này, cách phòng ngự chủ yếu vẫn là phản ứng theo đối thủ, chứ không phải là chủ động.
Victor Lindelof của MU là một ví dụ hơi... ngược. Trung vệ người Thụy Điển thường chơi tốt trước những đối thủ trong Big 6 - nơi tính chiến thuật được đẩy rất cao, nhưng lại cực kỳ bối rối trước các trung phong giàu sức mạnh của các đội bóng nhỏ. Raphael Varane có thể hoàn thành cả 2 nhiệm vụ, và đó là lý do anh được mua về để thay cho Lindelof.
Rất hiếm khi thấy các HLV thay đổi vị trí của các trung vệ vì lý do chiến thuật, mà chú trọng vào giữ tính ổn định. Và đó là lý do chúng ta không thấy những "trung vệ ảo", như một cách chống lại "số 9 ảo". Các trung vệ không thể tự ý rời bỏ không gian truyền thống của mình vì quá nhiều nỗi lo thường trực. Họ buộc phải nghĩ giải pháp cho mọi hoàn cảnh, trong khi các tiền đạo thường có thế mạnh riêng của mình. Chính vì thế, bao giờ tiền đạo cũng nhanh hơn trung vệ ít nhất một nhịp.
Tin nổi bật
Tin Video