Tin tức

Cùng bị Trung Quốc 'quấy rối' ở Biển Đông, vì sao Indonesia và Malaysia hành xử khác biệt?

Trong khi Malaysia thể hiện lập trường ngày càng cứng rắn hơn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, thì Indonesia lại đưa ra phản ứng một cách thận trọng.

29/10/2021 09:14

Phản ứng khác nhau trước hành vi gây hấn của Trung Quốc

Trong 2 năm qua, công ty dầu khí Petronas thuộc sở hữu của chính phủ Malaysia vẫn tiếp tục khai thác mỏ khí đốt ở Bãi cạn Luconia nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này, bất chấp điều mà một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ cho là “hành vi quấy rối thường nhật” của tàu Trung Quốc.

Malaysia không muốn từ bỏ lợi ích của mình tại Bãi cạn Luconia - nơi có mỏ khí đốt Kasawari với trữ lượng ước tính lên tới  85 tỷ m3 khí đốt, đồng thời bày tỏ lập trường cứng rắn với các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp. Hồi tháng 6 vừa qua, Malaysia đã điều các máy bay chiến đấu chặn 16 máy bay vận tải quân sự của Trung Quốc tiến gần không phận nước này mà không thông báo trước và triệu Đại sứ Trung Quốc yêu cầu giải thích về vụ việc.

Không chỉ riêng Malaysia, quốc gia láng giềng Indonesia cũng cáo buộc Trung Quốc xâm phạm vùng biển của nước này và lên tiếng phản đối hành vi gây hấn của Bắc Kinh. Indonesia không coi mình là một bên trong tranh chấp Biển Đông, nhưng "yêu sách đường 9 đoạn" phi pháp do Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia xung quanh quần đảo Natuna. Trong năm 2019 và 2020, Indonesia đã nhiều lần đệ trình công hàm phản đối tàu cá Trung Quốc Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Tuy vậy, một số nhà quan sát cho rằng, phản ứng của Jakarta được đưa ra một cách dè dặt, đặc biệt là đối với vụ việc ngày 31/8, khi tàu khảo sát Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 10 (Haiyang Dizhi 10) của Trung Quốc tiến gần một mỏ dầu khí quan trọng có tên gọi Tuna Block ở biển Natuna.

Trong bài phát biểu tại Washington ngày 18/10, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan dường như đã đánh giá thấp sự hiện diện của tàu Trung Quốc tại vùng biển mà Indonesia tuyên bố chủ quyền, nói rằng: “Chúng tôi tôn trọng quyền tự do hàng hải ở Biển Natuna”. Điều đó khiến một số nhà phân tích tự hỏi liệu giọng điệu thận trọng và dè dặt của Indonesia có bị chi phối bởi các khoản đầu tư và vaccine ngừa Covid-19 của Trung Quốc hay không?

Cùng bị Trung Quốc 'quấy rối' ở Biển Đông, vì sao Indonesia và Malaysia hành xử khác biệt? - Ảnh 1.

Tàu Hải quân Malaysia tập trận ở Biển Đông. Ảnh: DPA

Theo Ủy ban điều phối đầu tư Indonesia (BKPM), Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 của Indonesia trong năm 2020 với số tiền đầu tư 4,8 tỷ USD. Bên cạnh đó, các công ty dược phẩm của Trung Quốc như Sinovac và Sinopharm, đã cung cấp 215 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho Indonesia.

Xem xét ở một khía cạnh khác, nhà nghiên cứu Gilang Kembara tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Jakarta cho rằng, sở dĩ Indonesia tỏ ra thận trọng là bởi nước này lo ngại vấn đề có khả năng biến thành một “cuộc tranh cãi chính trị, từ đó làm gia tăng tâm lý bài Trung Quốc tại Indonesia”.

Ông Iman Prakoso, nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Sáng kiến Công lý Đại dương Indonesia, nhận xét rằng, phản ứng của nước này đối với hoạt động của tàu Hải Dương Địa Chất 10 khác biệt đáng kể so với cách tiếp cận của họ vào năm 2019.

“Mặc dù Indonesia tăng cường tuần tra xung quanh Biển Natuna nhưng không đưa ra bất cứ công hàm phản đối nào để đáp trả hành vi xâm phạm của tàu Trung Quốc. Điều đó không có nghĩa là chính phủ Indonesia xem nhẹ sự hiện diện của tàu Hải Dương Địa Chất 10. Có lẽ Jakarta muốn tránh gia tăng căng thẳng và ưu tiên cho việc duy trì ổn định trong khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19”.

Toan tính khác nhau

Ông Bill Hayton, chuyên gia cấp cao thuộc Chương trình châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) nhận định, cả Indonesia và Malaysia đều cho rằng quan hệ của họ với Trung Quốc bao trùm trên nhiều lĩnh vực và không muốn vấn đề Biển Đông chi phối, tuy nhiên, mỗi nước có những tính toán khác nhau.

Trong bài viết có tiêu đề “Biển Đông: Cuộc tranh giành quyền lực tại châu Á”, ông Bill Hayton cho rằng: “Malaysia đang thực hiện các hoạt động khai thác dầu mỏ, khí đốt ở Biển Đông và có thể tiếp tục làm điều này bất chấp sự quấy rối của Trung Quốc. Malaysia đã triển khai các tàu hải quân để bảo vệ hoạt động khai thác của nước này đồng thời được sự hỗ trợ từ các lực lượng hải quân của nước khác. Indonesia không tiến hành hoạt động khai thác ở bất cứ khu vực “nhạy cảm nào” ở thời điểm hiện tại và nước này chỉ đơn giản muốn theo dõi Trung Quốc đang làm gì bên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình”.

Theo chuyên gia này, Indonesia cũng có thể triển khai tàu hải quân để xua đuổi tàu Trung Quốc nhưng họ đã lựa chọn tránh đối đầu. “Indonesia không chịu thiệt hại về tài sản do các hành động của Trung Quốc nhưng nước này cần chú ý đến hậu quả pháp lý”, chuyên gia Bill Hayton nhận xét.

Trong khi đó, chuyên gia Zachary Abuza  tại Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia (Mỹ) cho rằng, dù Malaysia cố gắng để “không bị bắt nạt” nhưng không chắc nước này theo đuổi lập trường “cứng rắn hơn” Indonesia. Điển hình là việc Kuala Lumpur đã “mua tàu Trung Quốc để tự vệ trước hành vi gây hấn của Trung Quốc”. Tháng 9 vừa qua, Malaysia đã tiếp nhận tàu tuần tra ven bờ (LMS ) thứ 3 từ Trung Quốc và chiếc thứ 4 dự kiến được bàn giao vào tháng 12/2021.

Trung Quốc là nhà đầu tư hàng đầu của Malaysia kể từ năm 2016 và là đối tác thương mại lớn nhất kể từ năm 2009. Riêng trong năm 2020, nước này đã đầu tư 4,41 tỷ USD vào Malaysia.

Về phần mình, Indonesia tuyên bố thực hiện các biện pháp ngoại giao để đảm bảo quyền lợi của nước này không bị vi phạm. Một quan chức của Indonesia khẳng định, Jakarta tin tưởng vào việc thực thi UNCLOS 1982, vì vậy bất cứ hành động nào mà nước này thực thi sẽ dựa trên UNCLOS.

Theo nhà nghiên cứu Collin Koh tại Trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam của Singapore, vai trò của dư luận cũng là một trong những yếu tố khác dẫn đến phản ứng khác biệt giữa hai nước.

“Các cuộc tranh luận công khai tại Indonesia về vấn đề Biển Đông có nhiều bên tham gia hơn và quy tụ nhiều ý kiến trái chiều hơn, có thể tạo ra thách thức tiềm tàng đối với chính phủ. Trong khi ở Malaysia, mức độ tranh luận công khai không gay gắt như vậy mặc dù phe đối lập đôi khi vẫn nêu vấn đề Trung Quốc và Biển Đông trong các phiên họp Quốc hội”.

Các nhà phân tích khác thì cho rằng, khác biệt thực sự có thể nằm ở việc Indonesia vẫn chưa thể đưa ra một chính sách nhất quán đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Chuyên gia Zachary Abuza  lưu ý, Tổng thống Indonesia Joko Widodo có một chính sách riêng khác với chính sách của Bộ trưởng điều phối các vấn đề hàng hải. Lực lượng vũ trang cũng theo đuổi chính sách khác với chính sách của Hải quân Indonesia.

Tuy vậy, ông Zachary Abuza cho rằng, cả Indonesia và Malaysia đều có điểm chung là các lực lượng quân sự của hai nước chủ yếu hoạt động mạnh mẽ trên đất liền, dù các mối đe dọa trên biển ngày càng gia tăng. “Các bên vẫn hạn chế về nguồn lực dành cho hải quân hoặc lực lượng tuần duyên và Trung Quốc đã lợi dụng điểm yếu này”.

Ý kiến của bạn