Cụm tháp Chăm ngàn tuổi độc đáo ở Bình Định hút khách check-in
Bình Định đang bảo tồn nhiều di tích kiến trúc - văn hóa Chăm, đặc biệt là các tháp Chăm cổ với nghệ thuật kiến trúc độc đáo, mang nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa đang là điểm đến hấp dẫn du khách.
Hệ thống tháp Chăm của tỉnh Bình Định được hình thành trong khoảng thế kỷ XI-XIII. Hiện nay còn lại 14 công trình tháp Chăm, tập trung thành 8 cụm tại các địa điểm khác nhau.
Trong đó, tháp Bánh Ít (4 tháp), tháp Dương Long (3 tháp), tháp Đôi (2 tháp) là các cụm công trình đặc sắc, còn tồn tại gần như nguyên vẹn, trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách khám phá, nhất là khách nước ngoài.
Ngoài ra, còn có các tháp như Cánh Tiên (xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn), tháp Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước), tháp Thủ Thiện (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn)…
Tọa lạc ngay trong trung tâm thành phố biển Quy Nhơn, di tích tháp Đôi (phường Đống Đa) là công trình kiến trúc Chăm độc đáo. Công trình xây vào cuối thế kỷ thứ XII, gồm tháp phía Bắc cao hơn (khoảng 20m) và tháp phía Nam kề bên (cao khoảng 18m) có kiến trúc tương đồng.
Khác với các tháp Chăm truyền thống có kết cấu nhiều tầng, tháp Đôi chỉ có hai phần chính là khối thân vuông và phần đỉnh hình tháp có điêu khắc trang trí, ảnh hưởng từ kiến trúc đền thờ Khmer.
Bên trong tháp thờ bộ ngẫu tượng Linga - Yoni bằng sa thạch, cũng được phục chế lại từ nguyên mẫu dựa trên bản vẽ của nhà nghiên cứu người Pháp. Năm 1980, Tháp Đôi này được xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Cách trung tâm TP Quy Nhơn khoảng 20km về hướng Bắc, di tích tháp Bánh Ít (thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) là cụm tháp Chăm cổ còn tồn tại nhiều công trình nhất ở Bình Định, gồm 4 tòa tháp lớn nhỏ. Người dân gọi là tháp Bánh Ít, bởi nhìn từ xa các ngôi tháp tựa như chiếc bánh ít lá gai, đặc sản nức tiếng của địa phương này.
Đây là quần thể kiến trúc độc đáo với dáng vẻ kiến trúc đa dạng, trang trí đẹp, có giá trị nghệ thuật cao. Cụm tháp Bánh Ít được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1982, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xếp hạng Top Việt Nam về quần thể tháp Chăm.
Hiện nay, tháp Bánh Ít là một điểm tham quan hấp dẫn du khách đến với Bình Định, đặc biệt nhiều du khách quốc tế mê mẩn, say sưa khi nghe về nguồn gốc, lịch sử của tháp Chăm này.
Tháp Dương Long (xã Tây Bình và Bình Hòa, huyện Tây Sơn) cách trung tâm TP Quy Nhơn gần 40km. Đây được coi là cụm tháp gạch cao nhất Việt Nam, với độ cao ngôi tháp chính giữa là 39m, hai tháp còn lại cao khoảng 32m.
Không như hầu hết công trình tháp Chăm ở Việt Nam được xây bằng gạch, tháp Dương Long lại có sự kết hợp nhiều chi tiết bằng đá, mang vẻ đẹp khác lạ.
Tháp Dương Long tọa lạc trên địa thế đất rộng, bằng phẳng, nên thường được các võ đường chọn làm nơi tập luyện, biểu diễn, để môn sinh cảm nhận được hào khí quê hương, nơi được mệnh danh là "cái nôi" của nhiều môn phái võ cổ truyền Việt Nam.
Theo ban quản lý các di tích đền tháp Chăm ở Bình Định, hiện các tòa tháp chỉ có chức năng phục vụ nghiên cứu lịch sử và tham quan, không còn là nơi đồng bào Chăm dùng để tổ chức lễ nghi truyền thống, sự kiện văn hóa, do cộng đồng người Chăm ở địa phương còn rất ít.