Cục trưởng Hàng không: Thiếu hụt máy bay khá trầm trọng
(VOVTV) - Tại Hội nghị giao ban công tác quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024 của Bộ Giao thông Vận tải diễn ra chiều ngày 1/4, Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết: Việc Nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) yêu cầu triệu hồi một số máy bay A321Neo của các Hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet khai thác đã khiến ngành hàng không nội địa rơi vào tình trạng thiếu hụt máy bay khá trầm trọng.
Cục trưởng Đinh Việt Thắng thông tin: "Việc triệu hồi động cơ sẽ làm các máy bay trên phải dừng khai thác trong năm 2024 và năm 2025 (thời điểm dừng máy bay bắt đầu từ tháng 1/2024). Tính đến hết ngày 31/3, đội bay của Việt Nam có 205 máy bay; đang khai thác 159 máy bay, 20 máy bay đang bảo dưỡng thiết bị định kỳ và 26 máy bay phải tháo động cơ để kiểm tra, sửa chữa theo yêu cầu của nhà sản xuất động cơ. Từ nay đến cuối năm, toàn bộ 42 máy bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ phải dừng hoạt động để khắc phục lỗi động cơ của nhà sản xuất".
Thông tin thêm về thời gian để hoàn thành sửa chữa, Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho hay, thời gian khắc phục động cơ bình thường mất khoảng 18 tháng. Tuy nhiên, số lượng máy bay trên thế giới bị lỗi động cơ rất lớn, khiến chuỗi cung ứng của nhà sản xuất bị đứt gãy. Cùng với đó, một số hãng hàng không phải tái cơ cấu nợ, khiến giá thuê máy bay trên thế giới bị đẩy vọt lên rất cao và khan hiếm máy bay, rất khó thuê.
"Dự báo, phải đến hết năm 2026, thậm chí sang đầu năm 2027, động cơ bị lỗi của các hãng hàng không Việt Nam mới hoàn thành việc khắc phục và trở lại hoạt động bình thường. Các yếu tố trên sẽ tác động trực tiếp đến lực lượng vận tải, quy mô đội máy bay và tải cung ứng trên các đường bay nội địa, quốc tế trong năm 2024 và 2025. Theo tính toán, dịp cao điểm Hè này, tổng tải thị trường cần khoảng 24 triệu chỗ", Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho biết thêm.
Việc thiếu máy bay có nguy cơ khiến vé máy bay trong dịp cao điểm Hè sắp tới khan hiếm và đắt hơn. Ngành hàng không đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt máy bay trong thời gian này.
Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng hàng không chủ động kế hoạch khai thác và có phương án dự phòng bổ sung số lượng máy bay bị thiếu hụt do dừng bay. Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát lại các quy trình để giảm thời gian quay đầu máy bay tại sân bay (cố gắng từ 45 xuống còn 35 phút), tăng thời gian bay đêm và đưa máy bay thân rộng vào khai thác.
Trước đó, từ tháng 9/2023, Nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) đã thông báo về việc phải thực hiện việc triệu hồi động cơ PW1100 trên các máy bay Airbus A321Neo để thực hiện việc kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất. Thống kê trên phạm vi toàn thế giới, ước tính có khoảng 600-700 động cơ PW1100 đang khai thác trên các đội bay hoạt động bị ảnh hưởng./.
Tin nổi bật
Tin Video