Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định giữ lãi suất cơ bản ở mức 0-0,25%
(VOVTV) - Ngày 26/1, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) quyết định giữ mức lãi suất ở mức gần bằng 0%, song cho biết sẽ sớm tăng chi phí đi vay sau một năm lạm phát gia tăng.
Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) của Fed đã giữ nguyên mức lãi suất cơ bản từ 0% đến 0,25%, mức được thiết lập vào tháng 3/2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát. Theo nhận định của Fed, các chỉ số về hoạt động kinh tế và việc làm tiếp tục được củng cố.
Các lĩnh vực bị ảnh hưởng bất lợi nhất bởi đại dịch COVID-19 đã được cải thiện trong những tháng gần đây song lại đang phải đối mặt với các đợt dịch mới.
Trong khi đó, việc làm đã tăng ổn định trong những tháng gần đây và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm đáng kể.
Sự mất cân bằng cung cầu liên quan đến đại dịch và sự mở cửa trở lại của nền kinh tế đã tiếp tục góp phần làm tăng mức độ lạm phát.
Các điều kiện tài chính vẫn phù hợp, một phần phản ánh các biện pháp chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế và dòng tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ.
Fed cũng cho rằng, đường đi của nền kinh tế Mỹ tiếp tục phụ thuộc vào diễn biến đại dịch COVID-19.
Những tiến bộ về tiêm chủng và sự nới lỏng hạn chế nguồn cung dự kiến sẽ hỗ trợ hoạt động kinh tế và việc làm cũng như giảm lạm phát.
Các rủi ro đối với triển vọng kinh tế vẫn còn, bao gồm cả các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.
Trong khi đó, FOMC tìm cách đạt được việc làm và lạm phát tối đa ở mức 2% trong dài hạn, và để đạt được mục tiêu này FOMC đã quyết định giữa phạm vi lãi suất ở mức 0-0,25%. Với lạm phát trên 2% và thị trường lao động mạnh mẽ, FOMC sẽ sớm nâng phạm vi mục tiêu lãi suất.
Bắt đầu từ tháng 2/2022, FOMC sẽ tăng lượng nắm giữ chứng khoán kho bạc lên ít nhất 20 tỷ USD mỗi tháng và chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp lên ít nhất 10 tỷ USD/tháng.
Việc mua và nắm giữ chứng khoán liên tục của Fed sẽ tiếp tục thúc đẩy thị trường vận hành trơn tru và các điều kiện tài chính phù hợp, do đó hỗ trợ dòng chảy tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.
FOMC cũng sẽ tiếp tục theo dõi các tác động thông tin đối với triển vọng kinh tế, bao gồm sức khỏe cộng đồng, điều kiện thị trường lao động, áp lực lạm phát cũng như các phát triển tài chính và quốc tế.
Trước đó, Fed được cho là sẽ trì hoãn việc tăng lãi suất trong kỳ họp lần này ngay cả khi cơ quan này thay đổi cách tiếp cận đối với vấn đề chỉ số giá cả tăng.
Theo các dự báo được công bố vào tháng 12/2021, đa số các thành viên FOMC dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất ít nhất ba lần trong năm 2022, sau khi lạm phát tăng cao hơn kỳ vọng của họ.
Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) trừ đi giá thực phẩm và năng lượng, thước đo lạm phát của Fed, đã tăng với tốc độ hàng năm là 4,7% vào tháng 11/2021, cao hơn gấp đôi so với mục tiêu trung bình hàng năm của Fed là 2%.
Theo chỉ số giá tiêu dùng của Bộ Lao động Mỹ, giá tiêu dùng đã tăng 7% vào năm 2021. Trong khi Fed đã trì hoãn việc tăng lãi suất khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi sau giai đoạn đi xuống do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, các quan chức cho rằng không còn đủ khả năng để duy trì mức lãi suất thời kỳ khủng hoảng trong bối cảnh giá cả và nhu cầu lao động đều tăng cao.
Ngay sau khi Fed công bố quyết định giữ lãi suất ở mức 0-0,25%, các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) đã đồng loạt tăng điểm.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones Industrial Average tăng 211,08 điểm (tương đương 0,62%) lên 34.508,81 điểm, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 53,09 điểm (1,22%) lên 4.409,54 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 274,68 điểm (2,03%) lên 13.813,97 điểm./.
Tin nổi bật
Tin Video