Tin tức

Cửa hàng ăn uống ở TP.HCM lo vắng khách sau thời gian dài giãn cách

(VOVTV) - Tại TP.HCM, tình hình buôn bán của nhiều cửa hàng ăn uống vẫn chưa khởi sắc mặc dù các điều kiện kinh doanh được nới lỏng. Do đó không ít cửa hàng, chuỗi ăn uống đang đối diện bài toán duy trì hoạt động kinh doanh và thích ứng với tình hình mới.

Tác giả Việt Hùng / VOV TP.HCM
09/10/2021 16:13

Trước đây, với lịch trình công việc bận rộn và thường xuyên ở lại công ty, chị Phạm Kiều Oanh, một nhân viên văn phòng tại quận Bình Thạnh là khách hàng thân thiết của các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến, sổ tay của chị không lúc nào thiếu số hotline của vài hàng quán quen, chỉ cần gọi là có ngay. Trong đợt giãn cách xã hội lần này, chị Kiều Oanh đã làm việc ở nhà liên tục hơn 3 tháng, do đó, việc chuẩn bị các bữa ăn hàng ngày cũng có khá nhiều thay đổi.

“Tôi quen dần với việc nấu ăn tại nhà, cũng cân nhắc hơn các khoản chi tiêu của mình. Tôi cảm thấy việc nấu ăn tại nhà cũng không quá khó như mình nghĩ, đôi khi làm mình quên việc đặt đồ ăn sẵn trên app”, chị Oanh chia sẻ.

Cửa hàng ăn uống lo vắng khách sau thời gian dài giãn cách - Ảnh 2.

Nhiều cửa hàng cà phê phải thay đổi cách thức vận hành, giảm chi phí mặt bằng

Nhiều văn phòng tại trung tâm thành phố vẫn duy trì hình thức làm việc từ xa. Không ít bạn trẻ đã hình thành thói quen tự pha cho mình tách cà phê sáng, tự nấu ăn trước giờ làm hay lúc nghỉ trưa… Số lượng khách quen với nhiều hàng quán vì thế mà giảm đi rõ rệt. Chị Ma Hương, chủ cửa hàng Bánh mì Pate Gia Lai trên đường Phạm Viết Chánh, quận Bình Thạnh cho biết, hiện nay lượng khách giảm khoảng 60% so với trước giãn cách do nhiều văn phòng chưa mở cửa trở lại, khách vãng lai đến mua hàng cũng ít đi nhiều.

Chị Ma Hương đã suy nghĩ đến việc phát tờ rơi, quảng cáo online và đăng ký bán trên nhiều ứng dụng trực tuyến: "Trước khi bán lại, tôi có chạy quảng cáo ở trên Facebook để khách hàng biết và đặt hàng. Sắp tới, tôi cũng sẽ quảng cáo đến các văn phòng khi người ta bắt đầu làm việc lại”.

Với thực tế nhu cầu giảm như hiện nay, nhiều chuỗi cửa hàng ăn uống đã tìm mọi cách để xoay sở. Không ít chuỗi cà phê hay đồ ăn có tiếng đã cắt giảm diện tích cửa hàng, tinh gọn bộ máy vận hành để phù hợp với xu hướng tiêu dùng sau giãn cách. Laha Cafe là một ví dụ. Chuỗi cửa hàng này hiện mới cho hoạt động trở lại 50% số cửa hàng tại TP.HCM. Anh Hoàng Việt, Giám đốc Laha Cafe cho hay, doanh số bán hàng thời gian qua chỉ còn 1/3 so với trước dịch, khách hàng có xu hướng chuyển qua sử dụng sản phẩm có thể tự pha chế tại nhà.

Anh Hoàng Việt cũng chia sẻ, một vài chủ nhà đã đồng ý giảm 50% tiền thuê nhưng gánh nặng chi phí vẫn rất cao. Một số cửa hàng sẽ trả lại hoặc chia sẻ phần diện tích dư thừa bằng việc cho thuê lại làm văn phòng hoặc hợp tác với các thương hiệu đồ ăn nhanh.

"Những mặt bằng nào không thể tận dụng được, không thể thương lượng được thì sẽ bỏ mô hình diện tích lớn để đầu tư mô hình diện tích nhỏ. Trước kia cần phải 50, 70 hoặc 100m2 nhưng bây giờ chỉ cần một quầy khoảng 5-9m2 là đã có thể triển khai một điểm bán cà phê được”, anh Hoàng Việt nói.

Cửa hàng ăn uống lo vắng khách sau thời gian dài giãn cách - Ảnh 3.

Trong khi các điều kiện kinh doanh tiếp tục được nới lỏng tại TP.HCM, doanh thu các cửa hàng ăn uống chủ yếu từ việc bán mang đi

Theo một số chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh chung, khi thu nhập của đa số người dân đang giảm sút thì nhu cầu ăn uống bên ngoài, mua về hay đặt trực tuyến thức ăn chế biến cũng giảm đi đáng kể. Có hàng quán phụ thuộc vào lượng khách là nhân viên văn phòng, nhưng nhiều công ty vẫn đang duy trì làm việc từ xa, do đó, việc buôn bán của những nơi này gặp không ít ảnh hưởng. Hơn nữa, không ít gia đình trẻ trước đây không quen bếp núc thì qua thời gian dài giãn cách đã biết nấu những món ăn đơn giản.

Ông Nguyễn Văn Út, một chuyên gia tư vấn chiến lược kinh doanh cho hay, các cửa hàng ăn uống cần nhanh chóng thích ứng tình hình mới để có sự điều chỉnh phù hợp: “Phải chọn lựa danh mục sản phẩm và cả dịch vụ bán hàng sao cho thật tối ưu, danh mục menu phải gọn lại. Các cửa hàng phải xác định phạm vi khu vực địa lý để phục vụ, từ đó, ước lượng nhu cầu cụ thể cho từng ngày".

Việc vận hành hiệu quả các cửa hàng ăn uống thời điểm sau giãn cách đang là bài toán không dễ dàng đối với nhiều cửa hàng, chuỗi ăn uống tại TP.HCM. Bên cạnh sự chủ động, linh hoạt thích nghi với các điều kiện kinh doanh mới, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp vẫn đang trông chờ tín hiệu lạc quan hơn từ thị trường.

Ý kiến của bạn