Tin tức

Cư dân Discovery Complex bỏ tiền tỉ mua nhà bỗng thành 'ở chui', quận Cầu Giấy nói gì?

Dự án chung cư Discovery Complex nằm ngay tại vùng “đất vàng” - trung tâm quận Cầu Giấy, dù đã bị đình chỉ từ lâu, chưa được nghiệm thu PCCC nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, đưa cư dân vào sinh sống từ gần 4 năm nay dẫn đến hàng loạt vấn đề bất cập.

21/10/2021 08:43

Như thông tin VOV.VN đã phản ánh trước đó, hiện nay hơn 500 hộ dân tại chung cư cao cấp Discovery Complex số 302 Cầu Giấy, Hà Nội vẫn đang kêu cứu. Dù bỏ ra tiền tỷ mua nhà, nhưng cư dân tại đây lại phải sống trong những căn hộ chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy (PCCC), điều này không chỉ tiềm ẩn những nguy cơ về an toàn cháy nổ, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy như người dân không được cấp sổ đỏ, không được đăng ký tạm trú. Nhiều cư dân ngán ngẩm cho rằng, họ bỏ tiền ra mua nhà, nhưng đến khi vào ở mới biết mình đang phải “sống chui”.

Mua nhà với mong muốn an cư lạc nghiệp, nhưng nhiều năm nay, các hộ dân tại đây lại thường xuyên phải “cõng” đơn kêu cứu gửi đi khắp nơi, từ chủ đầu tư, cơ quan chức năng, đến báo chí với mong muốn được giải quyết những vấn đề đang gặp phải.

Sau nhiều lần liên hệ với chủ đầu tư dự án Discovery Complex là Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Dịch vụ Cầu Giấy để làm rõ những nội dung theo phản ánh của cư dân, tuy nhiên VOV.VN vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía công ty này.

Cư dân Discovery Complex bỏ tiền tỉ mua nhà bỗng thành 'ở chui', quận Cầu Giấy nói gì? - Ảnh 1.

Chung cư Discovery Complex số 302 Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Trao đổi với VOV.VN, ông Vũ Trung Kiên, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy cho biết, hiện nay đã có khoảng hơn 2.000 nhân khẩu chuyển vào sinh sống thường xuyên tại chung cư Discovery Complex. Ông Kiên xác nhận chung cư này có những vi phạm về trật tự xây dựng. Cụ thể, chủ đầu tư đã tự ý thay đổi công năng của một số hạng mục trong tòa nhà, biến tầng cây xanh thành rạp chiếu phim, tăng số lượng căn hộ so với thiết kế được phê duyệt ban đầu và một số sai phạm khác…

Trước câu hỏi của phóng viên rằng, Discovery Complex là dự án lớn nằm ngay giữa vùng đất “vàng” của quận, vi phạm những quy định về trật tự xây dựng, vậy tại sao đến nay vẫn chưa được xử lý, để tồn tại kéo dài trong nhiều năm?

Ông Vũ Trung Kiên cho biết: “Việc cấp phép xây dựng không thuộc thẩm quyền của quận Cầu Giấy, quận chỉ xử lý những vi phạm về trật tự xây dựng, khi có ý kiến về vi phạm trật tự xây dựng tại dự án này, chúng tôi đã tiến hành xử lý. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư vẫn cố tình cho người dân vào sinh sống. Chúng tôi cũng đã yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện các yêu cầu về PCCC để được nghiệm thu. Ngay thời điểm phát hiện sai phạm, lúc này người dân còn chưa vào sinh sống, chúng tôi đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra”.

Cư dân Discovery Complex bỏ tiền tỉ mua nhà bỗng thành 'ở chui', quận Cầu Giấy nói gì? - Ảnh 2.

Cư dân chung cư Discovery Complex treo băng rôn phản đối những vi phạm của chủ đầu tư

Theo quy định, công trình chưa được nghiệm thu PCCC tức chưa đảm bảo yêu cầu để đưa cư dân vào ở, biết là sai phạm, tại sao chính quyền địa phương vẫn để chủ đầu tư tiếp tục đưa cư dân vào sinh sống?

Ông Vũ Trung Kiên trả lời: “Chúng tôi đã có văn bản gửi rất nhiều lần, có nhiều động thái, yêu cầu chủ đầu tư kiểm tra hợp đồng với cư dân, nếu chưa đảm bảo các điều kiện thì chưa được đưa cư dân vào sinh sống, tuy nhiên họ vẫn cố tình dùng nhiều cách để đưa dân vào ở. Khi chính quyền hỏi thì nói rằng người dân chỉ vào để sửa chữa nhà chứ chưa ở, nhưng sau đó lại ở luôn”.

Vị lãnh đạo này cho biết, đến nay UBND quận Cầu Giấy đã nhiều lần có các văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội, đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra vào làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, tuy nhiên quá trình xử lý vi phạm vẫn gặp nhiều vướng mắc.

Theo ông Vũ Trung Kiên, nhiều chủ đầu tư các chung cư cao tầng hiện nay do áp lực về tiến độ bàn giao nhà nên bất chấp đưa người dân vào sinh sống ngay cả khi chưa đảm bảo các yêu cầu theo quy định. Về phía người dân lại không hề hay biết công trình đã được nghiệm thu về công tác quản lý chất lượng công trình hoặc PCCC hay chưa. Đến khi người dân đã vào ở, việc xử lý sai phạm rất khó khăn.

“Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xem xét xử lý sai phạm tại chung cư Discovery Complex, xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư. Nhưng muốn xử lý công trình sai phạm đó thì phải đề nghị người dân ra ngoài mới có thể tiến hành xử lý, đó cũng là vướng mắc khi xử lý vi phạm về trật tự xây dựng”, ông Vũ Trung Kiên nói.

Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy cho rằng, trong vụ việc này, trách nhiệm lớn nhất thuộc về chủ đầu tư.

Thông tin về hướng khắc phục những vướng mắc mà người dân đang gặp phải, ông Vũ Trung Kiên cho biết, hiện UBND quận Cầu Giấy đã chỉ đạo UBND phường Dịch Vọng thành lập tổ dân phố, tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng cho hơn 500 hộ dân tại chung cư Discovery Complex. UBND quận cũng đã yêu cầu Công an quận rà soát, thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện đăng ký hộ khẩu cho người dân; yêu cầu ngành điện lực Cầu Giấy kiểm tra các quy định, giảm tiền điện cho người dân trong thời gian Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16 như quy định của Chính phủ.

Cư dân Discovery Complex bỏ tiền tỉ mua nhà bỗng thành 'ở chui', quận Cầu Giấy nói gì? - Ảnh 3.

Đại diện UBND quận Cầu Giấy cho rằng trách nhiệm lớn nhất thuộc về chủ đầu tư. (Ảnh: KT)

“Trong tuần này chúng tôi sẽ tiếp tục có văn bản đôn đốc yêu cầu UBND phường Dịch Vọng thực hiện các nội dung chỉ đạo này”, ông Kiên cho hay.

Riêng về vấn đề cấp sổ đỏ cho người dân, ông Kiên cho rằng, việc này rất khó, vì khi chưa được nghiệm thu PCCC thì không có cách nào để người dân sở hữu sổ đỏ.

Những dự án sai phạm về xây dựng tại Hà Nội, chưa đảm bảo về PCCC không còn là chuyện mới, song nhiều năm nói mãi nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Không ai khác, chính người dân đang phải chịu nhiều vướng mắc, hệ lụy từ những sai phạm này.

Trước đó, hồi tháng 5/2021, UBND TP. Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu tăng cường công tác PCCC và cứu hạn cứu hộ đối với nhà cao tầng.

Trong đó, UBND TP. Hà Nội cũng đã yêu cầu Công an thành phố xây dựng, trình UBND thành phố ban hành kế hoạch khắc phục tồn tại vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng đối với các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó, có công trình cao tầng, chung cư cao tầng đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC.

Tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND, ngày 4/7/2017, quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC có hiệu lực; tập hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để tham mưu UBND thành phố báo cáo, đề xuất HĐND thành phố điều chỉnh phù hợp với thực tiễn; kiểm tra, đôn đốc việc khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC tại các công trình nhà cao tầng thuộc diện điều chỉnh Nghị quyết 05/2017/NQ-HĐND.

Đặc biệt, UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu Công an TP. Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan để giải quyết khiếu nại, tố cáo về PCCC và Cứu nạn cứu hộ tại các khu chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố. Làm rõ, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sai phạm trong trật tự xây dựng, quản lý vận hành chung cư, nhà cao tầng theo quy định. Xem xét truy tố trách nhiệm hình sự đối với các chủ đầu tư, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cố tình vi phạm các quy định về PCCC, chây ỳ không khắc phục các tồn tại, vi phạm quy định về PCCC theo quy định.

Trước đó, theo phản ánh của người dân, nhiều người sau khi mua nhà mới phát hiện dự án Discovery Complex chưa được nghiệm thu về PCCC dẫn đến nhiều cái “không” như không được đăng ký tạm trú, hộ khẩu thường trú, không thể đăng ký học đúng tuyến cho con, không sổ đỏ, không được mua điện trực tiếp từ ngành điện lực Cầu Giấy, không được giảm giá tiền điện.

Bên cạnh đó, khi rao bán, chủ đầu tư cũng “quảng cáo” hàng loạt các tiện ích như khu vực tầng cây xanh, khu vui chơi… nhưng đến khi mua nhà, người dân mới phát hiện những tầng tiện ích đã được chuyển đổi công năng, biến thành rạp chiếu phim. Ngoài ra, nhiều hộ dân cũng “tố” chủ đầu tư trước đó chậm bàn giao nhà theo hợp đồng nhưng không đền bù cho cư dân. Một số hộ khi bàn giao nhận nhà thì diện tích lớn hơn so với thiết kế ban đầu. Với phần diện tích tăng lên, khách hàng có thể phải đóng thêm số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.

Nhiều năm nay, theo cơ quan chức năng, công tác xử lý vi phạm vẫn đang diễn ra, nhưng đến khi nào kết thúc để quyền lợi của người dân được đảm bảo lại là câu hỏi chưa có câu trả lời.

Ý kiến của bạn