Covid-19 - Câu chuyện buồn của một bác sĩ Ấn Độ
(VOVTV) - Rohan Aggarwal năm nay 26 tuổi. Anh còn chưa hoàn thành khóa thực tập sau khi tốt nghiệp, nhưng tại 1 trong những bệnh viện tốt nhất Ấn Độ, anh đang phải quyết định ai được sống và ai phải chết.
Khi hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ đứng trước bờ vực sụp đổ trong làn sóng thứ hai của dịch Covid-19, Aggarwal phải làm việc 27 giờ/ngày, bao gồm cả trực ca đêm cấp cứu. Ai cũng hiểu bệnh viện không có đủ giường, không có đủ oxy và máy thở để cứu giữ sự sống cho những người tuyệt vọng nơi cổng bệnh viện. "Cứu ai, không cứu ai, chúng tôi không phải sinh ra để làm việc đó, chúng tôi cũng chỉ là người," anh nói.
Đã hai tuần, ngày nào Ấn Độ cũng có thêm hơn 300 nghìn ca mắc mới, ấy là con số ước tính chưa đầy đủ. Ở thủ đô New Delhi, lúc nào hơn 5000 giường ICU cũng chật kín. Bệnh nhân chạy từ bệnh viện này sang bệnh viện khác, chết trên đường đi, chết ở nhà, trong khi những chiếc xe chở oxy dưới dự giám sát của quân đội chở nguồn hy vọng sống ít ỏi tới tiếp tế cho các bệnh viện đang cạn kiệt. Các nhà xác, lò thiêu hoạt động hết công suất, khói bay mù mịt lên trời trong khi cứ vài phút lại có thêm một xác bệnh nhân.
Trong những ca làm việc không ngơi nghỉ, Aggarwal cho biết, anh cũng sợ nếu có gì xảy ra với anh, chính anh cũng sẽ không có nổi 1 chiếc giường điều trị ngay tại nơi anh làm việc.
Anh chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19. Trong đợt tiêm vaccine đầu tiên hồi tháng 1 dành riêng cho bác sĩ, anh bị ốm.
Trong phòng cấp cứu, bệnh nhân và người nhà chen kín mọi chỗ, nhiều người không hề phòng bị gì cả, dù cho là một chiếc khẩu trang vải cũng không có. Bác sĩ và y tá cũng thôi không mang đầy đủ đồ bảo hộ. Giường bệnh sát sạt nhau, tận dụng mọi không gian còn trống.
Trước khi có dịch, bệnh viện Holy Family, nơi anh làm việc, là một trong những bệnh viện tốt nhất Ấn Độ, thu hút bệnh nhân từ nhiều nước trên thế giới đến chữa trị, và tới giờ, đây vẫn là bệnh viện tốt nhất, nhưng đã phải cùng chung số phận với nhiều bệnh viện khác trong cả nước khi năng lực nội trú chỉ được 275 bệnh nhân thì đang phải tiếp nhận 385 bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân phải nằm chung giường.
Phòng cấp cứu là nơi cứu chữa tương đối đơn giản, thường do các bác sĩ thực tập phụ trách. Các bác sĩ thâm niên và các bác sĩ chuyên khoa làm việc tại phòng chăm sóc đặc biệt, nơi tiếp nhận các ca nặng và thường biến chứng nhanh. Nhưng giờ, hệ thống đó đã bị đảo ngược. Phòng cấp cứu trở thành phòng nặng nhất trong toàn bệnh viện.
Trực tới khoảng 3h sáng là hết ca, Aggarwal mắt đã đỏ quạch vì mệt mỏi. Nhưng dù có về nhà, đi ngủ, hay ở đâu đi chăng nữa, lúc nào thứ mà Aggarwal nghe thấy cũng là tiếng máy theo dõi nhịp tim. Thật khó có thể quên đi những ca tử vong trong ca trực, không phải vì anh thiếu cố gắng, mà là vì thiếu nguồn lực.
Thường thì Aggarwal ăn trưa ngay tại viện, nhưng hôm nay, anh muốn được nghỉ ngơi, tránh khỏi bầu không khí nặng nề ngột ngạt đang bao phủ.
"Tôi cần nghỉ, một hai tiếng ra khỏi bệnh viện sẽ giúp tôi lấy lại sức lực. Vì tôi sẽ lại phải quay trở lại đó làm 24-28 tiếng nữa mới được nghỉ."
Gần 3h chiều, Aggarwal trở lại ca trực trong phòng cấp cứu, giữa những người bệnh và người nhà đang cầu cứu xin nhập viện.
Sau 27 tiếng đồng hồ nữa, ca trực kết thúc, sự mệt mỏi thường trực khiến anh chỉ muốn ngủ cả ngày.
Nhưng anh vẫn còn việc phải làm, cha của một người bạn bị ốm và người bạn cầu cứu anh, cũng như rất nhiều lời cầu cứu khác anh nhận được hàng ngày. 9/10 trường hợp anh không thể làm gì, dù người cầu xin có tha thiết đến đâu đi chăng nữa.
Tin nổi bật
Tin Video