Covid-19 ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh giao cảm của con người
Một nghiên cứu mới đây cho thấy Covid-19 có thể gây rối cơ chế phản ứng “chiến hay tránh” của cơ thể.
Covid-19 ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh giao cảm
Virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm sang nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể, bao gồm cả não. Live Science đưa tin, các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng trong một số trường hợp hiếm hoi, nhiễm SARS-CoV-2 có thể dẫn đến nhiều dạng tổn thương não, bao gồm cả chứng viêm gây chết người. Trong một số trường hợp, virus cũng có liên quan đến “sương mù não” và các vấn đề tâm thần khác ở bệnh nhân, theo một báo cáo khác của Live Science.
Nhưng vẫn còn nhiều điều chưa biết về những tác động tinh vi mà nhiễm SARS-CoV-2 điển hình có thể có đối với hệ thần kinh. Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã tuyển dụng một nhóm nhỏ thanh niên ở Hoa Kỳ đang hồi phục hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, để kiểm tra xem liệu virus có gây ra những thay đổi trong hệ thần kinh giao cảm hay không.
Hệ thần kinh giao cảm điều chỉnh các chức năng không tự chủ của cơ thể như huyết áp, sự giãn nở đồng tử và nhiệt độ cơ thể - điều khiển phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy” (fight-or-flight) của cơ thể. Ví dụ: khi đối mặt với nguy hiểm, chẳng hạn như một con vật hoang dã đến gần, hệ thần kinh giao cảm sẽ kích hoạt tiết ra hormone và nhịp tim để tăng sự tỉnh táo, giúp đưa thêm máu đến các cơ.
Tác giả chính của nghiên cứu Abigail Stickford, Phó Giáo sư khoa học sức khỏe và thể dục tại Đại học bang Appalachian ở North Carolina cho biết, “chiến đấu hoặc bỏ chạy” là một cơ chế tuyệt vời trong các tình huống căng thẳng cao độ”, chẳng hạn như khi một con gấu đang đuổi theo bạn, “nhưng khi hệ thống đó được nâng cao hoặc kích thích quá lâu, nó không còn hoạt động hoàn hão” nữa.
Stickford và nhóm của bà đã chọn 16 thanh niên trước đó đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, có biểu hiện bệnh nhẹ và hiện đã khỏe mạnh. Các nhà nghiên cứu đã ghi lại hoạt động thần kinh bằng cách sử dụng điện cực, đo huyết áp và nhịp tim khi những người tham gia thí nghiệm nghỉ ngơi và trong khi họ nhúng tay vào bồn nước đá - một bài kiểm tra tim được gọi là “kiểm tra áp suất lạnh”. Sau đó, so sánh kết quả của họ với thanh niên khỏe mạnh không bị nhiễm bệnh làm đối chứng.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, những người trưởng thành trẻ tuổi đang hồi phục sau nhiễm SARS-CoV-2 có hoạt động giao cảm tăng hơn khi nghỉ ngơi so với những người khỏe mạnh, nhưng không phát hiện thấy có sự khác biệt về nhịp tim, huyết áp và hoạt động của dây thần kinh giao cảm trong quá trình kiểm tra áp suất lạnh.
Điều đó có nghĩa là phản ứng “chiến hoặc tránh” của họ hoạt động tích cực hơn khi nó không phải ở trong thời gian nghỉ ngơi, nhưng hệ thống vẫn có thể phản ứng thích hợp với một mối đe dọa.
Họ cũng phát hiện ra rằng khi người tham gia được yêu cầu thực hiện “thử thách tư thế đứng”, hoặc nhanh chóng đứng lên từ tư thế ngồi hoặc nằm, những người tham gia hồi phục sau nhiễm SARS-CoV-2 có hoạt động thần kinh giao cảm cao hơn và nhịp tim tăng nhiều hơn so với các đối chứng khỏe mạnh.
Nhóm chuyên gia suy đoán rằng Covid-19 tác động đến hệ thần kinh giao cảm, dựa trên dữ liệu nhịp tim từ những người bị mắc bệnh và báo cáo về các triệu chứng bao gồm nhịp tim đập nhanh và thay đổi nhận thức.
“Tuy nhiên, những người tham gia này còn rất trẻ, khỏe mạnh và có các triệu chứng nhẹ. Vì thế, đối với những người lớn tuổi bị mắc Covid-19, có thể có những tác động bất lợi đáng kể đến sức khỏe tim mạch”, chuyên gia Stickford nhận định.
Chỉ với SARS-CoV-2 hay tất cả các loại virus?
“Không ai biết tại sao hoặc làm thế nào mà virus gây ra những thay đổi trong hệ thần kinh giao cảm, nhưng virus gây ra tình trạng viêm, do đó có liên quan đến hoạt động của hệ thần kinh giao cảm tăng cao”, Stickford nói.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các virus khác cũng không gây ra những thay đổi này. Tiến sĩ Igor Vaz, từ Khoa Y học của Đại học Miami, người không thuộc nhóm nghiên cứu này, cho rằng kết quả sẽ thuyết phục hơn nếu nhóm đối chứng không phải là những người khỏe mạnh mà là những người đang hồi phục sau một bệnh nhiễm virus khác, chẳng hạn như bệnh cúm.
“Sử dụng nhóm đối chứng như những người khỏe mạnh sẽ bỏ lỡ cơ hội chứng minh những biến chứng này là do SARS-CoV-2 gây ra, và không chỉ vì mọi người đang hồi phục sau nhiễm một loại virus khác”, tiến sĩ Igor Vaz phản biện.
“Hạn chế lớn nhất của nghiên cứu này là các nhà nghiên cứu không biết hoạt động của hệ thần kinh của những người tham gia như thế nào trước khi mắc Covid-19. Nhưng có khả năng những thay đổi đối với phản ứng 'chiến hay tránh' ở nhóm dân số trẻ khỏe mạnh này chỉ là tạm thời. Khi lượng virus giảm, tình trạng viêm trong cơ thể giảm, hy vọng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm cũng sẽ giảm một chút”, Stickford nói.
Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục theo dõi những người tham gia này. Song, cũng kỳ vọng tiếp cận được với những đối tượng mắc Covid-19 trong thời gian dài hơn, bởi lẽ “có thể có nhiều phát hiện hơn”, vì những người bị Covid-19 dài tiếp tục xuất hiện các triệu chứng cho thấy rối loạn chức năng của hệ thần kinh.
Tin nổi bật
Tin Video