Công việc phía sau máy quay ở Hollywood
Hậu trường Hollywood không chỉ tồn tại góc khuất của ngôi sao. Nhân viên hậu trường cũng có nỗi niềm riêng cần được giải tỏa.
Jayce Jurado chắc chắn mình là người duy nhất trong 48.220 người đến từ Saipan (đảo lớn nhất của quần đảo Bắc Mariana, thuộc Mỹ) làm việc ở Hollywood.
Nhiều năm qua, Jurado gặp nhiều người trong ngành là "con ông cháu cha" hoặc có mối quan hệ giúp họ thăng tiến. Trong khi đó, người phụ nữ gốc Philippines đơn độc trên hành trình chinh phục đam mê.
Jurado luôn tin nếu cố gắng sẽ được công nhận, nhưng thực tế không giống như tưởng tượng. 6 năm làm trợ lý sản xuất trên phim trường là khoảng thời gian cô chịu đựng tổn thương và bị chủ lạm dụng, đối xử bất công.
"Tôi sống chậm lại và nghĩ 'mình đang làm cái quái gì với cuộc đời này vậy?'. Tôi đã hy sinh tuổi thanh xuân cho nghề này nhưng đổi lại chẳng được gì", Jurado tâm sự với Daily Beast sau khi bị đuổi việc.
Cô không phải người duy nhất cảm thấy bất mãn khi rời Hollywood.
"Họ xem tôi như cỗ máy làm việc 24/7"
Daily Beast phỏng vấn 17 người (đa số giấu tên) đã và đang làm điều phối kịch bản, trợ lý biên kịch, trợ lý của nhà sản xuất, trợ lý sản xuất phim... Tất cả đều nói công việc đòi hỏi chuyên môn cao nhưng lương lại thấp.
Theo chia sẻ, nghề điều phối kịch bản rất vất vả. Họ phải làm việc với nhiều bên, từ diễn viên, biên kịch, quay phim, các bộ phận khác trong ê-kíp. Do tính chất công việc đặc thù nên họ không thể được thay thế, và vì vậy, họ phải lao động không nghỉ ngày nào trong suốt quá trình quay hình.
Một điều phối viên kể khối lượng công việc trong một dự án là rất lớn và áp lực đè lên anh như thể đoàn tàu đang chuyển động. Anh cũng so sánh mình với chiếc máy tính cắm sạc cả ngày lẫn đêm, không có thời gian thoát ra khỏi ổ điện.
"Điều khiến tôi bực mình nhất là làm việc điên cuồng bất kể ngày đêm chỉ vì yêu cầu phát sinh của các bên. Họ không coi tôi là con người mà là cỗ máy luôn sẵn sàng phục vụ 24/7", anh chia sẻ.
Nghề trợ lý biên kịch cũng nặng nhọc không kém. Họ phụ trách phần kịch bản, viết và chỉnh sửa thoại theo chỉ định của biên kịch. Với họ, khái niệm "thời gian" không có trong từ điển.
Nếu trước đây trợ lý biên kịch được hứa hẹn sẽ sớm trở thành biên kịch thực thụ chỉ sau vài năm, thì với hệ thống vận hành hiện nay chạy theo chủ nghĩa gia đình và may rủi - những người không có mối quan hệ sẽ khó thể nào phất lên được.
John August - người từng làm trợ lý sản xuất những năm 1990 trước khi trở thành nhà biên kịch - nói trên podcast Scriptnotes rằng người làm trợ lý biên kịch hiện giờ mất hơn một thập kỷ mới mong thăng cấp. Ông cũng lưu ý lương của họ sẽ không được tăng nhiều.
Mỗi bộ phim được khởi quay sẽ có nhiều bộ phận hoạt động. Người chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề pháp lý, hợp đồng, hồ sơ, đến quản lý ngân sách, quản lý nghệ sĩ, tham gia khâu biên kịch hoặc hậu kỳ... Những người mà Daily Beast khảo sát đã nói rằng họ chỉ mong được trả lương xứng đáng cho công việc vất vả này.
"Việc bạn phấn đấu lên chức chẳng khác nào hành động cố chấp đóng đinh món tráng miệng Jell-O vào một cái cây (ám chỉ việc làm bất khả thi)", một trợ lý sản xuất nêu quan điểm.
Thu nhập bèo bọt
Kết quả khảo sát 1.516 người làm việc ở hậu trường Hollywood do Daily Beast tiến hành ghi nhận 64% người tiết lộ lương hàng năm dưới 50.000 USD. Với lương này, họ xem tiền thuê nhà ở Mỹ là gánh nặng.
Phần lớn người được hỏi (78%) là người da trắng, đã thừa nhận nếu không được bạn bè hoặc gia đình hỗ trợ tài chính, họ khó lòng trụ lại Mỹ đến hôm nay.
Thành viên giấu tên kể: "Tôi đã kiếm 1.000 USD mỗi tháng với tư cách là trợ lý của một nhà văn. Đó là 10 năm trước, và bây giờ tôi có mức lương 1.250 USD khi làm điều phối kịch bản. Công việc khó hơn nhiều nhưng thu nhập tính ra chẳng bao nhiêu".
Sau 5 năm làm việc, một trợ lý đã thỏa thuận thành công lương 25 USD/giờ. Trong khi người khác có thâm niên 7 năm làm nghề không thu được kết quả như vậy.
Người phụ nữ 7 năm làm trợ lý ở hậu trường trải lòng: "Rất nhiều lần tôi yêu cầu tăng lương nhưng nhà sản xuất nói thù lao là tiêu chuẩn của hãng phim đưa ra nên không thể thương lượng. Nếu không chấp nhận, tôi có thể nghỉ việc".
Nhiều trường hợp được ghi nhận phải dùng thẻ ghi nợ và "chi tiêu như một sinh viên năm nhất trên đất Mỹ" bởi mức lương bèo bọt. Trong vài trường hợp, họ còn phải tự trả tiền bảo hiểm. Một trợ lý giấu tên đã tốn 400 USD mỗi tháng cho bảo hiểm y tế vì hợp đồng không có điều khoản này.
Theo khảo sát của #PayUpHollywood, 67% nhân viên hậu trường phải kiếm việc khác như làm bảo mẫu, tài xế taxi, gia sư... giữa thời điểm không có phim được sản xuất. Tính chất công việc của họ theo thời vụ, thường không cố định.
Trong bài viết hồi tháng 7, Daily Beast phân tích về sự phức tạp và vất vả của nghề trợ lý biên kịch, điều phối kịch bản. Tác giả lấy ví dụ Laura Monti - trợ lý của Jac Schaeffer (biên kịch series WandaVision) - đáng nhẽ phải được hưởng thù lao xứng đáng khi tạo ra câu thoại gây sốt mạng xã hội: "Đau buồn làm gì nếu không yêu thương bền bỉ?".
Trong một cuộc phỏng vấn, bà Jac Schaeffer tiết lộ lương trung bình của nhân viên xuống dưới ngưỡng thu nhập thấp ở bang California. Nếu không có khoản tiết kiệm, hoàn cảnh gia đình khá giả, họ không biết phải sống thế nào.
Từ ngày xuất hiện dịch Covid-19, các hãng phim quyết định gộp các công việc trợ lý lại với nhau cho một người làm, nhưng không trả thêm lương. Người làm nghề này tiền lương ít ỏi và cũng không mơ tưởng có ngày được tăng lương.
Bức tranh đối lập ở hậu trường Hollywood
Đạo diễn, biên kịch Jac Schaeffer từng ẩn ý rằng vấn nạn phân biệt chủng tộc là một phần nguyên nhân dẫn đến bất công trong ngành.
Ở Hollywood - nơi mà nam giới nắm quyền trong mọi hoạt động sản xuất phim ảnh, ngay cả diễn viên nữ, diễn viên Latin, diễn viên da màu hoặc Mỹ gốc Á, gốc Phi cũng đã trầy trật, chứ chưa nói đến những người làm việc sau máy quay.
Theo dữ liệu nội bộ của IATSE Local 871 (Liên minh quốc tế về nhân viên sân khấu), 81% điều phối viên của bộ phận nghệ thuật, 64% trợ lý điều phối sản xuất, 55% trợ lý biên kịch và 47% điều phối kịch bản là nữ.
Thống kê trên giải thích lý do người làm công việc sau máy quay không được xem trọng và lương thấp. Chỉ số trường hợp được tăng lương là nhờ vào quen biết.
Daily Beast đã trích chia sẻ của một trợ lý biên kịch: "Chúng tôi cảm thấy bất công vì các đồng nghiệp trong cùng phòng, lao động bằng số giờ hoặc thậm chí ít hơn, lại được trả lương cao hơn chúng tôi hàng chục nghìn USD".
"Để tiếp xúc với người có hoàn cảnh kinh tế khác với bạn, đó là sự cố gắng. Những người đó không quan tâm đến thách thức mà bạn đang đối mặt. Nhưng rõ ràng, nếu không có chúng tôi, họ cũng chẳng làm được gì", nhân viên phim trường có 10 năm kinh nghiệm khẳng định.
Có nhiều nhân viên nữ làm việc ở hậu trường các phim Marvel. Ảnh: Variety
Chính từ nỗi bất công đang gặp phải, họ thấu hiểu lý do một số nhân viên nhà hàng từ chối trở lại làm việc khi nhận ra trợ cấp thất nghiệp khá ổn so với công sức họ đổ vào công việc mệt mỏi thường ngày.
Theo Daily Beast, trợ lý sản xuất, nhân viên hậu kỳ... chủ yếu sống vào thức ăn nhanh ở văn phòng, họ phải đảm bảo mỗi tuần chi tiêu dưới 30 USD. Cấp trên không đếm xỉa gì đến họ, dù chỉ là lời hỏi thăm.
Cách nay chưa lâu, trợ lý sản xuất theo nghề 7 năm kể về lần nghe được một nữ nhà văn cân nhắc mua đồng hồ Rolex trăm nghìn USD tặng mẹ nhân Ngày của Mẹ, rồi sau đó, cô chạnh lòng khi nghĩ đến tiền lương chỉ 11 USD/giờ của mình. "Con số chênh lệch đến kinh khủng", cô thở dài và nói.
Công việc sau máy quay rất khó kiếm 30.000 USD/năm, trong khi các chủ hãng phim hoặc sếp lớn chỉ chấp nhận cho con họ học ở trường mẫu giáo với học phí tối thiểu 50.000 USD/tháng, theo Daily Beast.
Trợ lý có hơn 10 năm kinh nghiệm nêu quan điểm: "Nếu họ giữ cho bạn nghèo, họ sẽ luôn được nắm quyền".
Tin nổi bật
Tin Video