Tin tức

Công ty Cổ phần Đại Nam do bà Nguyễn Phương Hằng làm Tổng giám đốc làm ăn ra sao trước khi bị bắt tạm giam?

(VOVTV) - Trước khi bị bắt bà Nguyễn Phương Hằng là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam. Doanh nghiệp này nổi tiếng khi sở hữu khu du lịch giải trí - tâm linh Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến rộng trên 450 ha và là chủ đầu tư các khu công nghiệp gồm Sóng Thần 1, 2 và 3 tại tỉnh Bình Dương.

Tác giả Nguyễn Nhuận - Hoàng Lân / VOVTV
26/03/2022 17:34

Công ty Cổ phần Đại Nam tiền thân là Công ty Cổ phần phát triển Khu công nghiệp Thanh Lễ, được thành lập tháng 3/1996 do ông Huỳnh Uy Dũng (gọi là Dũng "lò vôi") làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.

Đại Nam thông báo thua lỗ liên tục

Năm 2021, bà Nguyễn Phương Hằng (tên thật là Nguyễn Thị Thanh Tuyền), thay chồng đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc điều hành và kiêm luôn vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đại Nam.

Ngoài vai trò Chủ tịch HĐQT Đại Nam Corp, ông Huỳnh Uy Dũng còn đứng tên cho nhiều pháp nhân khác như Công ty TNHH MTV Tân Khai, Công ty TNHH Du lịch Đại Nam Thần Tiên, CTCP Đại Nam, Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Đại Nam và Công ty TNHH Hoàng Gia Tân Định.

Trong đó, Công ty TNHH MTV Tân Khai là chủ đầu tư dự án Khu dân cư Đại Nam, quy mô 96,7 ha tại xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Công ty Cổ phần Đại Nam do bà Nguyễn Phương Hằng làm Tổng giám đốc làm ăn ra sao trước khi bị bắt tạm giam? - Ảnh 1.

Khu du lịch Đại Nam Văn Hiến

Theo một bức ảnh được công bố trên website doanh nghiệp thì trong 16 năm đầu hoạt động, tức từ năm 1996 - 2012, tổng lợi nhuận của Đại Nam đã cán mốc 1.000 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh Giai đoạn 2016-2018, nguồn thu của Công ty Cổ phần Đại Nam tăng trưởng đều hàng năm. Năm 2016, doanh thu thuần của chủ sở hữu khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến ở mức 373 tỷ đồng, lãi gộp 320 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận gộp 86% (cao so với một số doanh nghiệp cùng ngành). Tuy nhiên, công ty báo lỗ sau thuế 51 tỷ đồng.

Sang năm 2017, nguồn thu của công ty tăng 9%, lên mức 405 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tương ứng là 371 tỷ đồng. Dẫu vậy, doanh nghiệp vẫn không thoát khỏi cảnh thua lỗ khi lợi nhuận sau thuế âm tới 105 tỷ đồng.

Đến năm 2018, Đại Nam ghi nhận doanh thu thuần ở mức 454 tỷ đồng, tăng 49 tỷ đồng so với năm trước đó. Lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng được cải thiện, lần lượt đạt 438 tỷ đồng và âm 84 tỷ.

Năm 2019 chứng kiến sự lao dốc nghiêm trọng về kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Đại Nam. Trong khi nguồn thu giảm 10% về 409 tỷ đồng, xấp xỉ năm 2017, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp âm đến 154 tỷ đồng. Tính trung bình, chủ khu du lịch lớn nhất Bình Dương mỗi ngày làm ăn thua lỗ 422 triệu đồng.

Công ty Cổ phần Đại Nam do bà Nguyễn Phương Hằng làm Tổng giám đốc làm ăn ra sao trước khi bị bắt tạm giam? - Ảnh 2.

Dự án Khu nhà ở Đại Nam (Bình Dương) đã bị Công ty Cổ phần Đại Nam đem đi thế chấp

Lúc này, lỗ lũy kế của Công ty Cổ phần Đại Nam đã lớn hơn vốn điều lệ 195 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2019, tổng cộng nguồn vốn công ty của ông Dũng "lò vôi" đạt 4.475 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 755 tỷ đồng, nợ dài hạn 3.915 tỷ đồng.

Như vậy, trong mấy năm qua, trung bình, chủ khu du lịch lớn nhất Bình Dương thua lỗ 422 triệu đồng mỗi ngày.

Mang 309 sổ đỏ dự án khu nhà ở Đại Nam đi thế chấp

Năm 2021, Công ty Cổ phần Đại Nam đã thế chấp 309 Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (sổ đỏ) dự án Khu nhà ở Đại Nam (phường Phú Tân, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Dương.

Nội dung này được thể hiện rõ trong văn bản số 318/VPĐKĐĐ&CGCN ngày 2/2/2021 của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Dương gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh về việc cung cấp danh sách chủ đầu tư đã thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

"Căn cứ thông tư liên tịch số 07/2019/TT-BTP ngày 25/11/2019 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Nay văn phòng Đăng ký đất đai cũng cấp danh sách chủ đầu tư đã thế chấp dự án nhà ở tại Văn phòng đăng ký đất đai cho Sở Tài nguyên và Môi trường. Cụ thể, Công ty cổ phần Đại Nam: 309 GCN", văn bản của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Dương ghi rõ.

Công ty Cổ phần Đại Nam do bà Nguyễn Phương Hằng làm Tổng giám đốc làm ăn ra sao trước khi bị bắt tạm giam? - Ảnh 3.

Một trong những dự án đầu tư xây dựng của Công ty cổ phần Đại Nam được thế chấp tại Ngân hàng

Trước đó, tháng 10/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cũng đã công khai danh sách 29 sổ đỏ dự án Khu nhà ở Đại Nam đang được Công ty Cổ phần Đại Nam thế chấp tại tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương theo hồ sơ số 2629 - 2630.

Dự án khu nhà ở Đại Nam có quy mô 105,8 ha với tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng. Dự án được Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 số 2717/QĐ-UBND ngày 9/10/2017, Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư số 2862/ QĐ-UBND ngày 12/10/2018.

Với vị trí đắc địa nằm trong tổng thể Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương, dự án từng được kỳ vọng sẽ trở thành nơi đáng sống và đầu tư sinh lợi bậc nhất tại Bình Dương cho khoảng 20.000 người.

Thế nhưng, tháng 5/2019, thời điểm vừa bắt đầu thực hiện thi công dự án, Công ty Cổ phần Đại Nam bị Thanh tra Sở Xây dựng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì xây dựng không phép. Đến hiện tại, sau nhiều năm triển khai, dự án vẫn trong tình trạng "vườn không nhà trống".

Ý kiến của bạn