Công trình ì ạch, người dân Bắc Kạn khốn đốn vì ngập úng
(VOVTV) - Hàng chục hộ dân tại ngõ 200, tổ 13, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) đã ký đơn tập thể, đề nghị chính quyền phải có phương án đảm bảo cuộc sống sau khi những trận mưa lớn gây ngập úng nhà cửa, tài sản. Theo người dân, nguyên nhân gây ra tình trạng này là việc thi công dự án khu dân cư Thôm Dầy do UBND thành phố Bắc Kạn làm chủ đầu tư.
Trận mưa lớn chiều muộn ngày 2/8 đã khiến căn nhà trọ của bà Đinh Thị Tú ở ngõ 200, tổ 13, phường Sông Cầu, Thành phố Bắc Kạn ngập khoảng 1 mét. Gần 2 ngày sau khi nước rút, bà Tú vẫn cặm cụi dọn dẹp bùn đất trong nhà. Bà Tú cho biết, chỉ từ cuối tháng 7 đến nay, đây là đã là lần thứ 3 gia đình bà cùng nhiều hộ dân khác phải chịu tình trạng này.
"Mưa to thì nước ở trên chảy xuống như thác mà không tiêu được, ngập hết căn nhà. Quần áo, giường, tủ máy giặt, tủ lạnh đều ngập hết, trôi hết cả dát giường. Hôm kia mưa thì gia đình dọn dẹp tới 3 giờ sáng, sạch sẽ rồi, đến chiều tối 2/8 lại mưa, ngập tiếp", bà Đinh Thị Tú than thở.
Theo thống kê của chính quyền địa phương, các trận mưa lớn khiến 5 gia đình bị ngập úng tài sản và bùn đất, hơn 30 hộ trong ngõ bị ảnh hưởng việc đi lại; một số hộ dân phải chuyển sang nhà người thân ở khu vực khác sinh sống vì bùn đất tràn xuống.
“Ngập lên đến bụng, đồ đạc nhà tôi nổi lềnh bềnh hết, giờ các thứ đồ đạc bẩn hết, nãy tôi vào lấy tạm được vài thứ. Gia đình tôi phải sang nhà con gái ở. Cách đây vài ngày tôi đã dọn rồi, xong giờ mưa lại ngập mênh mông”, bà Nguyễn Thị Lương nói.
"Chúng tôi là dân lao động suốt ngày phải đi làm, mà bây giờ có dám đi làm đâu, phải cử 1 người ở nhà, khi nước dâng lên phải chạy đồ đạc. Trong khi đó, nhà có cháu nhỏ mà cũng không dám để các cháu tự ở nhà, vì mưa chỉ 10 phút là nước dâng ngập, điện trong nhà ảnh hưởng, nguy hiểm, đất cát vào nhà, rồi mùi hôi, tanh bốc lên không chịu nổi", bà Dương Thị Nội bức xúc.
Theo cư dân tổ 13, tình trạng ngập úng gây hư hại tài sản chỉ mới xảy ra từ đầu mùa mưa năm nay mà nguyên nhân là lượng nước quá lớn kèm nhiều bùn đất từ Dự án xây dựng khu dân cư Thôm Dầy do UBND thành phố Bắc Kạn làm chủ đầu tư ở ngay phía sau con ngõ này tràn xuống. Theo thiết kế, hệ thống cống thoát nước chính của khu dân cư Thôm Dầy do công ty TNHH Một thành viên Thành Quý thi công sẽ đi qua ngõ 200 và nhập vào hệ thống rãnh dọc Quốc lộ 3B. Dù hệ thống cống thoát đã triển khai thi công từ cuối 5/2023 và cam kết với người dân sẽ hoàn thành hoàn thành trong tháng 6/2023, nhưng đến thời điểm này công trình vẫn dang dở.
Lý giải điều này, ông Võ Quốc Toàn, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng thành phố Bắc Kạn cho hay: "Cam kết là như vậy, nhưng trong quá trình thi công thực tế, ngõ nhỏ nên ô tô, máy xúc lớn không vào được. Thi công phải lùi từng mét một. Thêm vào đó, ngõ vẫn phải dành cho dân đi lại nên khó thi công, người dân vẫn sử dụng công trình phụ, nước thải đổ ra cống. Mưa liên tục nên không đổ được bê tông công trình".
Dự án khu dân cư Thôm Dầy do UBND thành phố Bắc Kạn làm chủ đầu tư trên diện tích gần 5ha, khởi công từ 6/2020 và dự kiến hoàn thành 8/2022. Vậy nhưng đến thời điểm này toàn bộ dự án vẫn còn dang dở với nhiều hạng mục chưa được hoàn thiện, trong đó có hệ thống cống thoát nước.
Ông Nguyễn Thành Trung, tổ 13, phường Sông Cầu cho biết, sau trận mưa ngày 28/7, hàng chục hộ dân ngõ 200 đã cùng có đơn gửi UBND thành phố Bắc Kạn kiến nghị có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng này.
“Trước khi có dự án thì chưa bao giờ nước ngập vào nhà, ngõ thì có ngập lên nhưng mà nó chỉ khoảng 10-20 cm, hôm sau rút mọi người vệ sinh dọn dẹp là được, chúng tôi không thắc mắc điều này. Mong muốn của chúng tôi, đầu tiên là trả lại cuộc sống cho chúng tôi như trước, để dân yên tâm đi làm việc. Nếu như bây giờ mà có biện pháp khác thì chúng tôi đề nghị đối thoại với toàn bộ các hộ dân trong ngõ", ông Nguyễn Thành Trung cho biết.
Để hạn chế thiệt hại, xáo trộn đời sống người dân khu vực thi công dự án, chính quyền thành phố Bắc Kạn cần sớm có phương án xử lý tình trạng chậm tiến độ công trình và nghiêm túc đánh giá tác động của dự án sau khi hoàn thiện đến đời sống cư dân khu vực lân cận; tuyệt đối không để ngập úng trở thành nỗi lo thường trực của người dân mỗi khi mưa lớn xảy ra.